Huyền thoại năm xưa và kì tích hôm nay

Thị trường 22/08/2015 07:43

Những năm tháng chống Mỹ, đường mòn Hồ Chí Minh vượt dãy Trường Sơn đi vào khắp các chiến trường miền Nam, viết lên bản anh hùng ca huyền thoại về chiến công oanh liệt. Và ngày nay, đường Hồ Chí Minh tiếp tục lập nên những kỳ tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội thời bình.

duong ho chi minh1
Ảnh minh hoạ

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH GÓP PHẦN THỐNG NHẤT NON SÔNG

Nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến đường hành quân, vận chuyển khí tài chi viện chiến lược với tên gọi đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…

Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang với đường bộ, đường sông, đường ống, dài gần 2 vạn kilômét. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường, hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc.

Con đường xuyên qua 20 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, chạy qua nước bạn Lào và Campuchia, vắt từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn, từ Tây Nguyên xuyên xuống miền Đông, miền Tây Nam bộ. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối. Tính chiến lược, bất ngờ, sức sáng tạo, gợi mở của con đường có giá trị lâu bền, vượt thời gian…

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta trên chiến trường đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần rất lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Trong chiến đấu bảo vệ giao thông, bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh bại 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên địch, bắt 1.190 địch, thu và phá huỷ hơn 100 xe quân sự.

Để có thành công đó, 3 vạn người đã bị thương và hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường; 14.500 xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy.

Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn thực sự ghi vào lịch sử dân tộc như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một “kỳ tích của thế kỷ XX”. Hơn nữa, con đường huyền thoại ấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng đánh giá: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng những chiến công anh hùng và sự hy sinh cao cả của các lực lượng mở đường vận tải chiến lược mang tên Bác Hồ kính yêu, làm nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại sẽ mãi mãi đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của dân tộc ta... Tổ quốc và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công lao của những người đã làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh”.

VIẾT TIẾP NHỮNG KỲ TÍCH MỚI

Đường Hồ Chí Minh khi được quyết định đầu tư xây dựng, Đảng và Nhà nước xác định 5 mục tiêu chiến lược. Đó là, tạo ra sự liên thông ở khu vực phía Tây của Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây, góp phần xóa đói giảm nghèo; hình thành trục xuyên Việt thứ 2, kết hợp với QL1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam; đảm nhậm vai trò liên kết các trọng điểm kinh tế với các cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc với các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế nước nhà; góp phần đảm bảo phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng.

Xác định được tầm quan trọng, vị trí chiến lược đó, Quốc hội khóa XI đã thông qua đầu tư tuyến đường này. Đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận 28 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài toàn tuyến 3.183km (trong đó tuyến chính dài 2.499km, tuyến nhánh phía Tây dài 684km). Điểm đầu tuyến tại Pắc Bó (Cao Bằng) và điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau).

Dự án được chia thành 3 giai đoạn đầu tư xây dựng, cụ thể: Giai đoạn một, đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn hai, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu tại Pắc Bó đến điểm cuối tại Đất Mũi. Giai đoạn ba, hoàn chỉnh toàn tuyến đường và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn.

Sau 7 năm triển khai, đến cuối năm 2007, dự án đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành giai đoạn một, đưa vào sử dụng hơn 1.350km từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn hai của dự án đang được gấp rút triển khai xây dựng, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về việc nối thông đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe từ điểm đầu Pắc Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau).

Thực hiện giai đoạn 2, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang quản lý đầu tư 34 dự án thành phần, trong đó 24 dự án đang triển khai bằng nguồn TPCP, 1 dự án triển khai theo hình thức BT, 4 dự án triển khai theo hình thức BOT và 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và Bình Phước với chiều dài 420km, gồm 6 dự án vốn TPCP dài 212km và năm dự án BOT dài 208km. Đầu tháng 7 vừa qua, Dự án Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên - Bình Phước đã đưa vào khai thác, về đích trước gần 1 năm.

Việc đưa vào khai thác đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên tạo bước đột phá trong thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Ông Lê Diễn - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: Tuyến đường hoàn thành là niềm mong mỏi bấy lâu nay đối với nhân dân tỉnh Đắk Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi giúp các địa phương thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và giao thương quốc tế mà còn tạo điều kiện cho sản phẩm hàng hóa, khoáng sản các tỉnh trong khu vực tiếp cận thị trường.

Đây là tuyến đường xương sống quan trọng nhất nối Tây Nguyên với hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước là TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, rút ngắn 1/3 thời gian đi lại giữa các tỉnh Tây Nguyên với khu vực phía nam, góp phần bảo đảm ATGT và tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh Tây Nguyên thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Ông Lâm Văn Hoàng - Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết: “Đến nay, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai thi công 1.035km, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 355km. Đến năm 2017, công trình đường Hồ Chí Minh với quy mô hai làn xe sẽ nối thông 1.035km, còn lại 358km, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ thông qua một số chủ trương để có thể triển khai sớm nhằm rút ngắn thời gian nối thông toàn bộ tuyến đường.

Ý kiến của bạn

Bình luận