Kết nối giao thông thiếu đồng bộ gây ra nhiều hệ lụy

Ý kiến phản biện 31/12/2019 05:40

Do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch, các khu công nghiệp phần lớn nằm "lọt" giữa khu đông dân cư, thiếu đường giao thông kết nối gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đồng Nai.

 

154551-img-0563
Đường 767, đoạn từ Khu công nghiệp Sông Mây ra Quốc lộ 1A (ngã 3 Trị An) tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng nhất là đầu buổi sáng và cuối buổi chiều 

Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) hiện có nhiều doanh nghiệp lớn đang hoạt động, điển hình như Tập đoàn Phong Thái với hơn 30.000 công nhân. Nhiều năm qua, để vận chuyển hàng ra Quốc lộ 1A, sau đó đi về các hướng khác, doanh nghiệp trong khu công nghiệp này chỉ có 1 con đường duy nhất (đường 767) để lưu thông. Trên đường 767, đoạn từ Khu công nghiệp Sông Mây ra Quốc lộ 1A (ngã 3 Trị An) tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng nhất là đầu buổi sáng và cuối buổi chiều.

Ghi nhận của phóng viên, đoạn đường này dù rất hẹp nhưng có chợ truyền thống và chợ tự phát hoạt động, việc buôn bán diễn ra tập nập, nhiều cửa hàng chiếm dụng hết lề đường. Những điều này khiến cho giao thông ở đây luôn trong tình trạng bát nháo, người điều khiển các loại phương tiện chen lấn, bất chấp luật lệ; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông chết người. 

Anh Nguyễn Văn Diên, tài xế lái container của Công ty Vận tải Công Thành (đóng tại Khu công nghiệp Sông Mây) cho biết đường 767, đoạn từ Khu công nghiệp Sông Mây ra ngã 3 Trị An dài khoảng 1,5km, chiều rộng chỉ hơn 10 mét, nhưng lúc nào xe cũng ùn ùn. Bình thường, xe container phải "bò" hơn 20 phút mới qua được đoạn đường này, vào giờ cao điểm, xe phải nhích từng tí, đi mất gần 1 tiếng đồng hồ. Do ban ngày đường ùn tắc, nên xe thường xuyên phải vận chuyển hàng vào ban đêm.

Những năm gần đây, mỗi khi mưa lớn, tình trạng úng ngập trên đường Bùi Văn Hòa, có chiều dài 6km, nối Quốc lộ 1A và Quốc lộ 51, thuộc địa phận phường Long Bình và Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) ngày càng nghiêm trọng. Đã nhiều lần, sau cơn mưa lớn, giao thông trên tuyến đường này hoàn toàn tê liệt, nhiều người và phương tiện bị dòng nước "đẩy" vào vỉa hè. Hàng nghìn hộ dân sống hai bên đường bị nước tràn vào nhà, tài sản hư hỏng.

Ngoài ngập úng, hàng ngày đường Bùi Văn Hòa còn phải oằn mình gánh hàng chục nghìn lượt xe container, xe tải ra vào từ 3 khu công nghiệp (Biên Hòa II, Loteco, Agtex Long Bình) và cảng cạn ICD Tân Cảng – Long Bình. Do mật độ phương tiện quá đông, đường hẹp, nhiều tài xế bất chấp luật lệ, điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, gây ra những vụ tai nạn chết người. Trên đường này ghi nhận nhiều trường hợp tài xế không làm chủ được tay lái, khiến xe tông sập nhà dân.

Ông Jame Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Agtex Long Bình) đánh giá, hạ tầng trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai tốt, đường rộng, nhưng bên ngoài khu công nghiệp giao thông rất kém, không đồng bộ. Công ty muốn vận chuyển hàng ra ngoài bắt buộc phải đi đường Bùi Văn Hòa, không có đường nào khác. Trong khi đường này chỉ có 2 làn xe, thường xuyên ách tắc, mưa ngập nặng. Mong chính quyền địa phương quan tâm đến vấn đề giao thông, làm thêm đường.

Theo ông Doãn Văn Ðồng, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, ùn tắc giao thông tại đường Bùi Văn Hòa là không thể tránh khỏi, bởi đường bị quá tải cả về kết cấu mặt đường và lưu lượng phương tiện. Trước đây, ở khu vực này, khi quy hoạch các khu công nghiệp, thiếu tầm nhìn và chưa tính toán đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ.

Tình trạng phát triển công nghiệp nhưng không đầu tư tương xứng cho giao thông kết nối là vấn đề gây bức xúc, diễn ra ở khu công nghiệp tại Đồng Nai như: Hố Nai, Giang Điền (huyện Trảng Bom), Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu). Điều này làm phát sinh chi phí cho đơn vị vận tải, doanh nghiệp sản xuất; gây khó khăn, nguy hiểm cho người tham gia giao thông, người dân sống hai bên đường.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, hiện tỉnh đã quy hoạch hơn 40 dự án lớn về hạ tầng giao thông với số vốn trên 20.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Đây là những dự án đã có từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai, nhiều dự án giao thông kết nối mới chỉ dừng ở việc khảo sát chung chung.

Ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai cho biết, để giải quyết ách tắc giao thông, thúc đẩy kinh tế phát triển, Đồng Nai đã giao thành phố Biên Hòa làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Bùi Văn Hòa. Theo khảo sát, việc mở rộng đường cần vốn lớn, riêng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.000 tỷ đồng. Với Khu công nghiệp Sông Mây, tỉnh đang nghiên cứu, xây dựng tuyến đường Trảng Bom – Xuân Lộc (kết nối Khu công nghiệp Sông Mây với Quốc lộ 1A). Ngoài ra, Đồng Nai sẽ nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường tại các khu công nghiệp khác.

Ông Hưng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu về giao thông, Đồng Nai đang phối hợp với Bà Rịa – Vũng Tàu để xây dựng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, kiến nghị mở rộng cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (mới hoàn thành năm 2015), xây dựng Sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 (nối Đồng Nai với thành phố Hồ Chí Minh), cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Mới đây, tại kỳ họp vào tháng 10/2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã chọn 3 dự án giao thông trọng điểm để đầu tư với số vốn hàng nghìn tỷ đồng. Đó là dự án đường ven sông Đồng Nai; xây dựng công viên và kè sông Đồng Nai; cải tạo, nâng cấp đường ĐT.768.

Với nhiều dự án cao tốc, sân bay (vốn của Trung ương), tương lai, giao thông Đồng Nai sẽ có bước phát triển. Tuy nhiên, nếu địa phương không bỏ vốn để xây dựng đường nối từ các khu công nghiệp với các tuyến quốc lộ, cao tốc thì giao thông của tỉnh vẫn rời rạc, khập khiễng./.

Ý kiến của bạn

Bình luận