Khai thác vàng sa khoáng ở Kon Tum: Đất nông nghiệp biến thành...đất hoang

Ý kiến 14/10/2017 09:43

Từ mảnh đất màu mỡ nuôi sống cả gia đình, giờ trở thành mảnh đất bỏ hoang, khô cằn sỏi đá không thể phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là hệ lụy từ công cuộc khai thác vàng sa khoáng, đẩy dân xứ vàng rơi vào cảnh đói nghèo…

 

11
Đất trồng mì của người dân thôn Long Dôn sau khi giao cho công ty làm vàng, nay phải bỏ hoang vì toàn đá

Đất ruộng hóa …đất cằn

Từ khoảng năm 2010 -2011, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép cho 3 doanh gồm: Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Bình Giang, Công ty TNHH Kim Sơn Thủy và Công ty Cổ phần Thép Đông Á để khai thác vàng sa khoáng dọc các sông suối trên địa bàn các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei với diện tích lên đến hàng trăm ha.

Sau khi được cấp phép, các doanh nghiệp ồ ạt đưa máy móc vào “chặt khúc” các lòng sông, suối để khai thác, thậm chí các đơn vị này đã lợi dụng việc không hiểu biết của một số người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ mua thêm phần đất rẫy sản xuất của bà con… để bới vàng. Dù việc khai thác vàng của các doanh nghiệp đã chấm dứt nhiều năm nhưng hệ lụy để lại vô cùng lớn.

Có mặt tại sông Pô Cô đoạn chảy qua thôn Long Dôn, xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, nơi từng được cấp phép cho Công ty Cổ phần Thép Đông Á, một bên sông là khu đất đỏ trải dài với bề mặt là chi chít sỏi, đá lởm chởm. Người dân thôn Long Dôn cho biết, khu đất trên vốn là rẫy trồng mì, ngô của người dân. Năm 2013, Doanh nghiệp mua đất rẫy này để khai thác vàng, hứa sau khi khai thác xong sẽ hoàn thổ và trả lại cho dân. Tuy nhiên, hai năm sau, công ty trả lại đất nhưng đất trả lại toàn sỏi đá, không trồng cây được nên bỏ hoang từ đó. Chỉ riêng tại thôn Long Dôn, tổng diện tích đất dân bán cho công ty Đông Á để khai thác vàng, bây giờ bỏ hoang không sản xuất được khoảng 10ha.

Xuôi về suối Đắk Mỹ (một nhánh của sông Đắk Pét, thuộc xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei) đoạn qua 2 thôn Peng Sang Peng và Đắk Đoát, nơi từng được cấp phép khai thác vàng cho Công ty TNHH Kim Sơn Thủy, hai bên suối từng bị băm vằm để khai thác vàng nay trở thành nhiều bãi bồi hoặc hình thành những ụ đất sỏ đá. Ruộng rẫy của dân cũng trở thành bãi đất hoang. Thời gian qua, nhiều trận mưa trút xuống làm đất đai bị cuốn trôi, hình thành nhiều hố sâu.

Theo gia đình bà Y Tun (thôn Peng Sang Peng), khu ruộng của gia đình rộng khoảng 1.500m2 nằm dọc suối Đắk Mỹ năm 2011, Công ty mua đất này với giá 50.000 đồng/m2.Vì nghĩ mua đất để khai thác vàng 1 năm, sau đó hoàn thổ cho gia đình canh tác nên đồng ý. Tuy nhiên, khi trả đất, công ty có hoàn thổ nhưng làm chưa hết, trong khi đất chỉ toàn cát, sỏi, không trồng lúa lại được. Gia đình khắc phục bằng cách xúc đất đổ bồi trên 100m2 để trồng cỏ cho bò, phần diện tích còn lại thì đành bỏ hoang 5 năm nay bởi đất đá chất đống.

22

Đất ruộng của bà Y Tun bỏ hoang sau khi giao cho công ty vàng

Ông A Mrát, Trưởng thôn Đắk Đoát cho biết, tổng số diện tích ruộng, rẫy dọc suối dân trong thôn bán cho công ty khai thác vàng ước tính khoảng 12ha. Khi trả đất cho dân, nhiều nơi công ty không thực hiện việc hoàn thổ như cam kết. Đất trả lại cho dân không sản xuất được, phải bỏ hoang.

Mang tiếng hưởng lợi …nhưng dân chả có gì

Ông Kring Sa Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Pét nói, hiện xã chưa nắm rõ diện tích đất sản suất dân bán cho công ty để khai thác vàng cũng như diện tích đất sản xuất của dân bỏ hoang sau khi “qua tay” công ty để khai thác vàng. Ông Tiểng tư vấn nên gặp các thôn vì ở đấy nắm rõ hơn.

Ông A Mốk, Trưởng thôn Peng Sang Peng cho biết, dù sống trên mỏ vàng nhưng thực tế, người dân không được hưởng lợi. Thôn Peng Sang Peng có khoảng 20ha đất trồng mì và lúa của dân được công ty mua với giá 20.000 đồng/m2 nhưng sau gần 1 năm xới đất làm vàng, công ty hoàn trả lại nhưng diện tích khi qua khai thác vàng chỉ còn lại toàn sỏi đá. Người dân không trồng trọt được gì.

33

Dòng sông Pô Cô, đoạn chảy qua thôn Long Dôn bị bồi lấp sau khi khai thác vàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Mốk không khỏi chua chát: Công ty hứa hỗ trợ thôn 150 triệu đồng để làm quỹ, ngoài ra còn cho các hộ nghèo 5 căn nhà và 5 con bò nhưng chỉ nói cho...sướng mồm chứ không làm. Không đưa đã đành, dân lại nghi ngờ lãnh đạo thôn ăn tiền hỗ trợ đó mới đau. Cũng theo ông A Mốk, dân không hưởng lợi từ dự án khai thác vàng mà hệ lụy gánh lấy là rất lớn. Nhiều hộ bán đất, giờ đất xấu bỏ hoang thì hết đất trồng lúa, dẫn đến thiếu gạo, đói ăn.Nhiều hộ trước kia mất đất thì đi phát rừng làm rẫy.

Với ông A Mrát, Trưởng thôn Đắk Đoát, người dân trước đây bán đất cho công ty để làm vàng thì nay rất hối hận. Nguồn lợi không bao nhiêu mà hậu quả rất nghiêm trọng bao năm nay đất không sản xuất được, dân đã nghèo lại càng thêm đói, khổ. Bởi vì, sau khi bán đất, dân lấy tiền một lần nhưng tiền lấy xong xây nhà, mua xe rồi cũng hết.

Sau những hệ lụy từ việc khai thác vàng để lại, ông Tiểng trải lòng: “Trên địa bàn trước chỉ có Công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác vàng nhưng việc khai thác đã chấm dứt 5 năm nay nhưng Công ty không thực hiện đây đủ như cam kết như hỗ trợ tiền, rồi sử dụng lao động địa phương… Đó là chưa kể, từ khi Công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác, dân cũng ồ ạt đi khai thác trái phép, làm mất an ninh trật tự, chính quyền xã Đắk Pét rất khổ và tốn kém tiền bạc, thời gian đi truy quét. Từ năm 2013 đến nay, khi dự án dừng, dân làm vàng trái phép cũng ngưng. Bây giờ xã chẳng muốn công ty nào được cấp phép khai thác vì nếu như thế, dân sẽ ồ ạt làm lại. Rồi những hộ có đất ở rìa suối có thể lại bán cho công ty để làm vàng, ảnh hưởng đời sống sau này….”

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei thừa nhận, trong quá khứ, có dự án khai thác vàng của doanh nghiệp cấp phép ảnh hưởng đến môi trường, mất an ninh trật tự. Vì thế huyện từng có đề xuất UBND tỉnh Kon Tum xem xét có nên cho dừng việc cấp phép cũng như dừng hoạt động khai thác vàng tại khu vực.

Cũng theo ông Lộc, nếu lấy đất sản xuất mà làm vàng thì biết bao giờ mới phục hồi được, có khi mất hẳn. Thực tế cũng có việc người dân và công ty ngầm bắt tay mua bán đất để làm vàng, việc này là không được. Để ngăn chặn, đối với những dự án khai thác vàng trước đây và nay, UBND huyện đã có khuyến cáo, chỉ đạo không được sang nhượng, mua bán trái phép đất sản xuất của dân. 

Ý kiến của bạn

Bình luận