Khi bị bắt, phải có quyền gọi một cuộc điện thoại

Chính trị 03/06/2015 06:29

Đề nghị này là của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tại buổi thảo luận cho ý kiến về dự án Luật điều tra hình sự và Luật tạm giữ, tạm giam, chiều 2-6 tại Quốc hội.

1415189092-truong-trong-nghia-tphcm
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

Trên cương vị là một luật sư và là đại biểu Quốc hội, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng luật phải quy định rõ là “một cuộc điện thoại”, để người bị bắt, trong trường hợp nào cũng sẽ báo tin được cho ai đó mà họ muốn.

Ông Nghĩa phân tích hiện luật có quy định cho phép người bị tạm giam, tạm giữ được gặp người thân với số lần nhất định, nhưng làm sao để gặp thì không quy định. Và không phải ai cũng có điều kiện để thông báo ngay việc mình bị bắt.

Ông Nghĩa cho biết quyền được gọi một cuộc điện thoại khi bị bắt đã được nhiều nước quy định và đây là một điểm rất nhân văn.

Ngoài ra, theo ông Nghĩa nhiều người bị tạm giữ, tạm giam, hoàn toàn có khả năng sau đó họ vô tội, không bị trách nhiệm hình sự. Nhưng từ thời điểm họ bị tạm giữ, tạm giam thì các quyền khác của họ gần như bị hạn chế.

“Trong khi người ta có thể là giám đốc, là chủ tịch HĐQT của một nhà máy, công ty. Người ta có thể đang tham gia vào nhiều mối quan hệ xã hội. Có người bị tạm giam hai ba năm, khi ra tòa có khi chỉ bị án treo, cảnh cáo nhưng nhưng vì bị tạm giam mà mất hết tất cả” - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa đây là kiến nghị từ những trường hợp thực tế đã xảy ra. “Tôi đề nghị hạn chế quyền gì của con người thì phải nói rõ. Và phải nói rõ luôn là ngoài những quyền đã bị hạn chế được quy định thì không có hạn chế điều gì nữa cả. Để sau này áp dụng dễ dàng và tránh sự lạm dụng của cơ quan tạm giam tạm giữ”. - Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị.

Phải giam riêng người thụ án tử hình

Đây là kiến nghị của nhiều đại biểu, giải thích quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) than phiền tại TP.HCM hiện nay vì thiếu cơ sở vật chất nên trại giam phải giam chung phạm nhân án tử hình và án tù.

“Tâm lý phạm nhân thụ án  tử hình khác hẳn án chung thân, án 20 năm... Thậm chí cần phải có quản giáo chuyên nghiệp riêng cho loại án này” - Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.

Theo ông Ánh cần phải xây dựng khu vực giam giữ riêng với người bị án tử hình gần chỗ thi hành án tử hình nhằm giảm tốn kém khi phải di chuyển phạm nhân bị từ hình từ tỉnh này qua tỉnh kia có trung tâm thi hành án tử hình.

Ý kiến của bạn

Bình luận