Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phạm Hữu Độ, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải Phương tiện và Người lái (Sở GTVT tỉnh Bình Phước) cho biết, Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện thủ tục đầu tư lựa chọn doanh nghiệp cung cấp thiết bị, trang bị cabin học lái xe ô tô ngay khi sản phẩm được công bố hợp quy và được đăng tải trên trang thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam. Đồng thời lập kế hoạch đào tạo, bố trí học viên tham gia học thực hành lái xe trên cabin ngay khi được đầu tư để kịp thời đáp ứng nhu cầu học, sát hạch và cấp giấy phép lái xe theo quy định.
"Tuy nhiên do gặp khó khăn về tài chính nên đến thời điểm hiện nay các cơ sở đào tạo lái xe vẫn chưa thể mua và lắp đặt cabin điện tử để tổ chức đào tạo học viên học lái xe theo quy định. Một số cơ sở cũng đang tiến hành tham khảo với đơn vị cung cấp nhưng do số tiền để mua thiết bị quá cao nên vẫn đang cân nhắc", ông Độ cho biết thêm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao Su (tỉnh Bình Phước) cho biết: "Là đơn vị sự nghiệp công lập, thời gian để triển khai các bước thực hiện tổ chức đấu thầu mua sắm theo quy định phải mất từ 2 đến 3 tháng. Vì vậy việc đầu tư mua sắm thiết bị cabin điện tử trong công tác đào tạo lái xe ô tô của nhà trường sẽ không thể đảm bảo thời gian theo lộ trình áp dụng đào tạo. Từ năm 2019 đến hết năm 2021, trung tâm gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 kéo dài. Đầu năm 2022, trung tâm cũng đã đầu tư phòng máy tính để học và sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông, lắp đặt trên xe tập lái có thiết bị giám sát dữ liệu học trên đường của học viên. Việc đầu tư để mua sắm cabin điện tử gây áp lực lớn về tài chính đối với trung tâm, bởi mỗi cabin điện tử có giá từ 400-500 triệu đồng. Để thực hiện dạy và học cho các học viên, trung tâm phải đầu tư nhiều cabin, số tiền đầu tư rất lớn vì vậy đơn vị cũng đang tính toán, cân đối".
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn Lợi, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Đào tạo và Sát hạch lái xe tư thục Bình Phước thẳng thắn nói: "Chúng tôi đã nhận được một số lời chào bán cabin điện tử với giá 470 triệu. Đây là mức giá quá cao, trong khi nếu xảy ra lỗi hư hỏng, trục trặc thì việc bảo hành sẽ như thế nào, mất bao nhiêu thời gian… Vì vậy trước mắt trung tâm ngưng nhận hồ sơ tuyển sinh và sẽ tham khảo thị trường và nhà cung cấp như thế nào rồi mới tính toán đến việc triển khai lắp cabin. Nếu cabin giá khoảng 300 triệu sẽ hợp lý và chúng tôi cũng sẵn sàng lắp đặt để theo quy định để đáp ứng nhu cầu đào tạo học viên".
Theo ông Lợi, cùng với việc giám sát chặt hơn thời gian học thực hành trên đường của học viên, hiện tại phải học thêm phần cabin điện tử chắc chắn số người học đăng ký học bằng lái xe sẽ giảm rất nhiều. Đây là nguồn kinh phí quá lớn, trong khi học phí chỉ thu hơn 15 triệu đồng/học viên/khóa. Việc đầu tư này sẽ khó tránh khỏi việc tăng mức học phí.
Ông Nguyễn Viết Hậu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Bình Phước cho rằng: "Theo quy định, từ ngày 1/1/2023 các lớp đào tạo bắt buộc phải đảm bảo thời gian học mô phỏng trên cabin tập lái. Do vậy, trung tâm cũng đã liên hệ với đơn vị lựa chọn mẫu, làm hợp đồng để mua 2 cabin điện tử dự kiến sẽ lắp đặt cuối tháng 1/2023 nhằm phục vụ đào tạo, đảm bảo cho học viên được học qua mô hình theo đúng quy định. Việc lắp thêm thiết bị cabin học lái có thể dẫn tới tăng chi phí đào tạo lái xe trong thời gian tới vì các trung tâm phải chịu chi phí bảo dưỡng thiết bị, chi phí điện….".
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ GTVT, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe. Học viên sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe.
Đến thời điểm hiện nay trên thị trường mới chỉ có 2 doanh nghiệp cung cấp thiết bị được Cục Đường bộ Việt Nam công bố hợp quy thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe (cabin học lái xe), là Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel thuộc Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội và Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghệ Ecotek. Hiện, các cabin điện tử đang được các nhà cung cấp thiết bị chào bán với giá 450 - 500 triệu đồng/chiếc.
Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 cơ sở đào tạo lái xe. Trong đó 3 cơ sở đào tạo mô tô và 5 cơ sở đào tạo mô tô và ô tô. Trong năm 2022, Sở GTVT tỉnh Bình Phước đã cấp mới 26.050 GPLX hạng mô tô và ô tô. Trong đó, hạng A1 là 10.392 GPLX; Hạng A2 là 185 GPLX; Hạng B1 là 180 GPLX; Hạng B1 (số tự động) 1.378 GPLX; Hạng B2 là 10.187 GPLX và Hạng C là 3.728 GPLX.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.