Sáng nay (6/11), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) đã tổ chức Lễ khởi công dự án Trung tâm Logistics – Đường sắt Ga Yên Viên. Dự án được thực hiện theo chủ trương về việc đổi mới hình thức đầu tư, tái cơ cấu tổ chức hoạt động kinh doanh và huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt nhằm nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đường sắt, giảm gánh nặng và nhu cầu về ngân sách nhà nước, đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Lễ khởi công dự án XHH đường sắt, Trung tâm Logistics đường sắt - Ga Yên Viên |
Thực hiện chủ trương trên, TCT ĐSNV đã tiến hành xã hội hóa đầu tư và thí điểm cho thuê có điều kiện bãi hàng, trước mắt tập trung vào các nút thắt vận tải, bao gồm các dự án đầu tư bãi hàng ga Đồng Đăng, Sóng Thần và Yên Viên.
Tại Ga Yên Viên, TCT ĐSVN đã tiến hành hành thí điểm lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư bãi hàng theo hình thức cho tuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt; nhà đầu tư sẽ tiến hành đầu tư toàn bộ các hạng mục công trình để phục vụ cho việc xếp, dỡ vận tải hàng hóa tại ga Yên Viên, với quy mô dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác đạt sản lượng 1,2 – 1,8 triệu tấn/năm.
Theo cam kết của ITL, dự án sẽ được đưa vào hoạt động sớm nhất trước tháng 6/2016 |
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Trần Doãn Kiên, đại diện CTCP giao nhận và vận chuyện Indo Trần (ITL) cho biết, ITL đầu tư vào dự án Trung tâm Logistics Đường sắt Yên Viên với tổng diện tích gần 20.000 m2 với các trang thiết bị xếp dỡ tiên tiến và công nghệ quản lý hiện đại nhằm tăng năng lực xếp dỡ lên 3 – 5 lần và tăng sản lượng hàng hóa thông qua 2 – 3 lần. Tổng vốn đầu tư của dự án là 90 tỷ.
Dự án Trung tâm Logistics Đường sắt Yên Viên sẽ là cánh tay nối dài của các cảng tại khu vực phía Bắc như Hải Phòng, Cái Lân… Sau khi dự án đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tiến hành triển khai các đội tầu và sẽ giúp kết nôi các phương thức vận chuyển bằng đường biển – đường sắt – đường bộ nhằm giảm chi phí và tăng thị phần vận tải cho đường sắt.
Theo đó, ngoài việc giảm chi phí và kết nối giữa các Cảng biển với các khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh, dự án Trung tâm Logistics Đường sắt Yên Viên cũng mang lại thuận lợi cho khách hàng khi việc thông quan hàng hóa sẽ được thực hiện ngay tại Yên Viên – Hà Nội. Theo cam kết của ITL, dự án sẽ được đưa vào hoạt động sớm nhất trước tháng 6/2016.
Việc áp dụng công nghệ xếp dỡ hiện đại sẽ góp phần tăng sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt |
Hiện nay, Ga Yên Viên là ga đầu mối đường sắt gồm các tác nghiệp chính là đón gửi, giải thể lập tàu khách và tàu hàng, tổ chức xếp dỡ hàng hóa đi – đến phía Tây, Bắc, Tây – Bắc và Đông – Bắc Tp. Hà Nội; với vị trí địa lý quan trọng, Ga Yên Viên là đầu mối trung chuyển, kết nối với các tuyến đường sắt đi tuyến nội địa như ga Sóng Thần, ga Vinh, ga Đà Nẵng, tuyến quốc tế liên vận với Trung Quốc cũng như kết nối với các cảng biển lớn như cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân… Hiện bãi xếp dỡ container Yên Viên tác nghiệp trung bình khoảng 40-50 xe/ngày đêm (tương đương 2 đoàn tàu), do vậy cơ sở hạ tầng hiện tại của bãi hàng chưa đủ khả năng đáp ứng về nhu cầu vận tải hàng hóa và các nhu cầu khác của chủ hàng.
Hiện tại, bãi xếp dỡ container Yên Viên tác nghiệp trung bình khoảng 40-50 xe/ngày đêm (tương đương 2 đoàn tàu), |
Trên cơ sở đó, TCT ĐSVN quy hoạch sắp xếp, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đường sắt xếp dỡ, kho, bãi, phương tiện xếp dỡ chuyên nghiệp nhằm phát huy tối đa năng lực thông qua, khả năng xếp dỡ hàng hóa, giảm thời gian chuyển tải, xếp dỡ hàng hóa tại ga Yên Viên; việc áp dụng công nghệ xếp dỡ hiện đại tại Trung tâm đường sắt logistic Yên Viên sẽ góp phần tăng sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt và giảm giá thành vận chuyển trọn gói hàng hóa bằng phương thức kết hợp giữa đường sắt và đường bộ.
Mục tiêu sau đầu tư sẽ nâng năng lực xếp dỡ đạt 1,2 - 1,8 triệu tấn/năm, tương đương 120 - 150 container trong 1 ngày |
Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, Với quy hoạch đã được thống nhất, ITL sẽ cam kết thực hiện các hạng mục bãi hàng, hệ thống phương tiện xếp dỡ chuyên dụng, hệ thống quản trị, nhà điều hành và các công trình phụ trợ có lên quan.
"Mục tiêu của bãi hàng sau khi hoàn thành việc đầu tư, sẽ đáp ứng được năng lực xếp dỡ hàng hóa đạt 1,2 – 1,8 triệu tấn/năm, tương đương với khoảng 120 – 150 container nặng và rỗng xếp dỡ tại bãi trong một ngày" - ông Vũ Tá Tùng khẳng định.
Việc thí điểm cho thuê bãi hàng tại ga Yên Viên là bước khởi đầu cho việc TCT sẽ tiến hành mời gọi các doanh nghiệp có đủ năng lực và tiềm lực tài chính, cùng tương đồng về ngành nghề kinh doanh để tiến hành tham gia đầu tư, nâng cấp, hiện đái hóa hệ thống kho, bãi hàng tại các ga đường sắt do Nhà nước đầu tư và giao cho TCT quản lý, sử dụng và khai thác trên cơ sở nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyên nghiệp hóa về công tác xếp, dỡ hàng hóa, tăng sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt và hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.