Tàu cao tốc ở Châu Âu |
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ này đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Trong báo cáo sẽ phân tích hiệu quả, quy mô công trình, lộ trình, khả năng huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đánh giá tác động nợ công..., để chứng minh dự án khả thi hay không.
Lãnh đạo Bộ Giao thông nói sẽ cố gắng trình trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi trong 2 năm tới (dự kiến 2018). Sau khi Quốc hội có chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông sẽ tiến hành làm dự án khả thi, đưa ra các khả năng huy động vốn cụ thể, phần nào nhà nước huy động, phần nào sẽ kêu gọi xã hội hóa và đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Đông cũng bày tỏ không lo ngại báo cáo tiền khả thi bị Quốc hội bác bỏ như lần trước (Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD vào năm 2010). "Báo cáo sẽ làm rõ hiệu quả đầu tư, có thẩm định Nhà nước tốt nhất để trình Quốc hội, còn quyết định đầu tư hay không là do Quốc hội", Thứ trưởng Đông nói.
Phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nhìn nhận do hạn chế hạ tầng nên vận tải đường sắt hiện chưa đáp ứng nhu cầu hành khách. Trên tuyến còn 300 cầu yếu, nên tải trọng và tốc độ tàu bị hạn chế (tàu khách dưới 80 km/h, tàu hàng 50 km/h). "Đường sắt có ưu điểm chở được khối lượng lớn, chặng xa, độ an toàn cao, song để đáp ứng nhu cầu người dân thì phải tăng tốc độ chạy tàu khách trên 100 km/h, có đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là rất lý tưởng", ông Hoạch nói.
Cũng ủng hộ nghiên cứu dự án tiền khả thi tàu cao tốc Bắc Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng một đất nước có địa lý kéo dài mà trông cậy vào đường bộ thì không hợp lý (vận tải đường bộ hiện chiếm hơn 60% cơ cấu vận tải). Trong tương lai, khi đất nước phát triển, hành khách sẽ bỏ thói quen đi xe khách, chỉ đi xe quãng ngắn dưới 300km do tính an toàn không cao.
Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: Japantimes |
"Đáng lẽ nước ta phải xây dựng đường sắt tốc độ cao cách đây cả chục năm, giờ mới tính đến là chậm, song chậm còn hơn không. Hiện tất cả đè nặng lên đường bộ, khi bị ùn tắc thì cuống lên", ông Thanh nói.
Năm 2010, Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình. Bên cạnh những ý kiến cho rằng cần thiết phải vay vốn đầu tư làm ngay, nhiều ý phản đối vì hiệu quả kinh tế của dự án quá thấp, số vốn quá lớn, chiếm phân nửa GDP của Việt Nam, sẽ tạo gánh nặng nợ cho hậu thế. Gần đây, Chính phủ đã đưa quy định đường sắt tốc độ cao vào nội dung điều chỉnh của Luật Đường sắt (sửa đổi), nhằm hướng tới tương lai phát triển đường sắt của Việt Nam. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.