Không dùng giấy đi đường, Trung Quốc kiểm soát dịch bằng 'mã màu' qua ĐTDĐ

Giao thông toàn cầu 17/09/2021 11:19

Trung Quốc đã triển khai một thử nghiệm táo bạo để kiểm soát người dân ra đường bằng ứng dụng trên điện thoại di động(ĐTDĐ) nhằm chống dịch Covid-19.

36ABC879-3AC0-4159-BFD2-510F37EC7939.
Người dân xếp hàng để quét mã y tế trước khi vào ga tàu

Hãy tưởng tượng mọi thói quen hàng ngày của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào một ứng dụng điện thoại thông minh. Rời khỏi nhà, đi tàu điện ngầm, đi làm, đi cà phê, nhà hàng, trung tâm mua sắm…, mỗi bước di chuyển của bạn được quyết định bởi màu sắc hiển thị trên màn hình điện thoại của bạn. Màu xanh lá cây: Bạn có thể đi tiếp, còn màu vàng hoặc đỏ: Bạn bị cấm vào. 

Điều này đã trở nên phổ biến đối với người dân Trung Quốc kể từ giữa đại dịch Covid-19. Mỗi khi sử dụng tàu điện ngầm hay đến các trung tâm mua sắm và các địa điểm công cộng khác, người dân Trung Quốc không phải xuất trình giấy đi đường hay chứng nhận tiêm vaccine, thay vào đó, họ sử dụng phần mềm trên điện thoại để xuất trình Alipay Health Code (AHC).

AHC hoạt động như thế nào?

AHC hoạt động dựa trên công nghệ di động và dữ liệu lớn. Các mã phản hồi nhanh hay còn gọi là mã QR được tạo tự động và gắn cho công dân như một chỉ báo về tình trạng sức khoẻ của họ.

Hệ thống AHC được giới thiệu lần đầu tiên ở Hàng Châu, một thành phố ven biển ở phía đông tỉnh Chiết Giang theo một dự án hợp tác với Ant Financial - một công ty chị em của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Người dùng có thể đăng ký tài khoản thông qua ứng dụng ví điện tử Alipay của Ant. Để có mã y tế, công dân phải điền thông tin cá nhân gồm tên, mã quốc gia, số hộ chiếu/thẻ căn cước, số điện thoại trên trang đăng ký và khai báo y tế. Sau khi thông tin được cơ quan chức năng xác minh, mỗi người sẽ được cấp một mã QR có màu đỏ, vàng hoặc xanh lá cây. Mã màu xanh lá cây nghĩa là bạn hoàn toàn khoẻ mạnh và an toàn khi di chuyển. Những người có mã đỏ sẽ phải vào các khu cách ly tập trung hoặc tự cách ly ở nhà trong 14 ngày; người có mã vàng sẽ phải cách ly trong 7 ngày.

Ngoài ra, AHC còn có vai trò như một công cụ theo dõi lịch trình di chuyển của người dân ở các khu vực công cộng vì họ phải quét mã khi vào các địa điểm. Khi một F0 được xác nhận, cơ quan y tế có thể nhanh chóng truy xuất những nơi bệnh nhân đã đến và những người tiếp xúc. 

Trong vòng 1 tuần ngay sau khi ra mắt, AHC đã được triển khai tại hơn 100 thành phố trên toàn quốc. Hiện tại, hệ thống này đã được sử dụng ở 200 thành phố và sẽ tiếp tục được triển khai toàn quốc. Tính đến tháng 2 vừa qua, đã có hơn 50 triệu người sử dụng mã y tế ở tỉnh Chiết Giang, tương đương 90% dân số của tỉnh.

Theo sau Ant, Tencent - gã khổng lồ Internet Trung Quốc điều hành ứng dụng tin nhắn Wechat - cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng để xây dựng một hệ thống mã sức khoẻ trên ứng dụng Wechat và mở rộng đến hơn 300 thành phố trên toàn quốc.

Alipay hiện có 900 triệu người dùng trên khắp Trung Quốc, trong khi ứng dụng nhắn tin Wechat có hơn 1 tỷ người dùng hàng tháng. Đây là hai ứng dụng rất phổ biến ở Trung Quốc nên việc triển khai hệ thống mã y tế trên các nền tảng phổ biến này giúp nhiều người dễ dàng tiếp cận.

Sau sự tiên phong của Trung Quốc, nhiều quốc gia khác như Singapore, Nhật Bản, Nga… cũng đã triển khai những công nghệ tương tự để ứng phó với đại dịch. 

“Công nghệ hiện đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch.” - Xian Sheng Hua - chuyên gia về trí tuệ nhân tạo tại Alibaba nói. Ông cho biết thêm: “Để ngăn chặn sự lây lan của virus, theo dõi tiếp xúc là một bước thiết yếu và đây là lý do tại sao các sáng kiến tương tự đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.”

324099CC-53D2-44DF-B0CA-61150E380BEC

Vấn đề là gì?

Hệ thống mã y tế đóng vai trò quan trọng trong việc đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường cũng như dỡ bỏ dần việc hạn chế đi lại ở vùng dịch. Chẳng hạn như người dân và du khách có thể rời Hồ Bắc và Vũ Hán miễn là mã QR của họ có màu xanh.

Tuy nhiên, giống như tất cả các sản phẩm công nghệ khác, các ứng dụng mã y tế không hoàn hảo. Nó cũng mắc lỗi và gắn sai mã màu cho người dùng dẫn đến những rắc rối trong khâu kiểm dịch. Sau khi ứng dụng ra mắt, một số người dân ở Hàng Châu phàn nàn trên mạng xã hội rằng họ bị cấp mã đỏ chỉ vì đánh dấu vào mục “nghẹt mũi” hoặc “mệt mỏi” trên trang khai báo y tế dù đó cũng có thể là triệu chứng của cảm lạnh và cúm thông thường. Vài ngày sau đó, đường dây nóng của thị trưởng thành phố nhận được vô số cuộc gọi thắc mắc về mã màu. Do đó, chính quyền thành phố đã phải thiết lập một ứng dụng trực tuyến cho phép người dân xem lại mã màu của họ.

Một rắc rối khác là không phải tất cả các tỉnh và thành phố đều công nhận mã y tế của nhau. Mặc dù các mã QR đều được phát triển bởi cùng một công ty nhưng chúng lại dựa trên cơ sở dữ liệu COVID-19 khác nhau ở từng địa phương. Cơ sở dữ liệu không được chia sẻ giữa các địa phương, chưa kể mỗi địa phương lại có tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá màu sắc cho người dùng. Một người họ Yuan ở tỉnh Hồ Bắc cho biết, anh đã quay lại Quý Châu để làm việc sau khi Hồ Bắc dỡ bỏ cách ly, nhưng dù có mã xanh ở Hồ Bắc, anh vẫn phải cách ly 14 ngày ở Quý Châu.

Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra bộ quy tắc phòng chống dịch bệnh quốc gia, qua đó bổ sung lên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 cũng như những người tiếp xúc liên quan, với hy vọng chính quyền các địa phương có thể chấp nhận mã sức khoẻ của nhau thông qua việc chia sẻ dữ liệu.

Ý kiến của bạn

Bình luận