Tỷ lệ thất lạc hành lý tăng 67%
Một trong số những nạn nhân thất lạc hành lý là Jenn Choi. Được nhiều bạn bè cảnh báo về tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng của các hãng hàng không cũng như nguy cơ mất hành lý vĩnh viễn, Jenn Choi đã cẩn thận mua thiết bị theo dõi vali.
Nhưng chạy trời không khỏi nắng, 3 kiện hành lý của gia đình Jenn Choi đã lưu lạc tới tận Đức, cách gần 10.000 km so với địa điểm họ hạ cánh là Cancun, Mexico.
"Hành lý của chúng tôi vẫn chưa được tìm thấy và ít nhất là chúng tôi phải sinh hoạt không có đồ đạc trong một tuần nữa. Tôi cảm thấy thất lạc hành lý là tất yếu khi đi du lịch vì nó trở nên quá phổ biến. Nhiều người đến Mexico nghỉ ngơi mà không có đồ đạc. Mọi chuyện đảo lộn hết cả và tôi chưa bao giờ thấy như vậy trước đây", Jenn Choi nói.
Sau đại dịch, khi hành khách ồ ạt quay trở lại, lượng hành lý bị thất lạc của các hãng hàng không cũng tăng theo. Theo báo cáo trong tháng 4, trung bình cứ mỗi 1.000 hành lý check-in thì sẽ có khoảng 6 hành lý bị các hãng hàng không Mỹ làm thất lạc.
Tỷ lệ này tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái dù đã có gần 30.000 chuyến bay nội địa và quốc tế đến/đi Mỹ bị hủy bỏ vào mùa hè này. Tỷ lệ hành lý bị xử lý sai lệch trên toàn thế giới cũng gia tăng 24% so với năm ngoái, chiếm tỷ lệ 8,7 hành lý/1.000 hành khách.
Theo công ty bảo hiểm Mapfre SA, các yêu cầu bồi thường cho hành lý thất lạc đã tăng 30% so với năm 2019. Đáng ngại hơn, một số sân bay được cho là xảy ra tình trạng hành lý đến nhầm chuyến tăng gấp 10 lần. Một số dịch vụ vận chuyển hành lý toàn cầu cho biết đã nhận thấy nhu cầu tăng gần gấp 3 lần so với tháng trước khi du khách chọn lựa không check-in hành lý ký gửi theo các hãng hàng không.
Cuộc khủng hoảng toàn cầu này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Hãng hàng không Emirates đã từng chỉ trích sân bay London Heathrow không đủ năng lực sau khi sân bay này tuyên bố giới hạn số lượng hành khách hàng ngày và kêu gọi các hãng hàng không ngừng bán vé máy bay.
Sân bay Heathrow sau đó đã đáp trả bằng cách đổ đống hàng trăm hành lý bị thất lạc tại hội trường sân bay để xử lý sau khi hệ thống bị quá tải. Sân bay Heathrow nói các hãng hàng không tuyển dụng nhân viên mặt đất để làm thủ tục và sắp xếp hành lý, đồng thời cho rằng các hãng hàng không đang đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn và tin cậy. Những núi vali tương tự cũng đã xảy ra ở New York, Washington DC, Dublin, Amsterdam và nhiều nơi khác.
Một tài khoản trên MXH Twitter viết: "Sân bay Heathrow đã phát minh ra một trò chơi mới yêu cầu bạn phải trèo qua đống hành lý để tìm vali của mình".
"Cháy túi" vì mua đồ thay thế
Một số hãng hàng không có chính sách chỉ bồi thường cho quần áo và giày để thay thế nếu hành lý của hành khách bị mất hơn 3 tuần mới được trả lại. Pascal Sigg, một hành khách có chuyến bay 2 chặng từ Zurich đến Portland vào tuần trước đã bị chậm lịch trình vì phải qua đêm ở London.
"Gia đình chúng tôi đang có chuyến du lịch kéo dài 7 tuần ở Mỹ và trong đoàn có những em bé từ 2-4 tuổi. Chúng tôi không biết có nên mua những thứ thiết yếu hay đợi hành lý về", Sigg nói.
Anh Sigg cảm thấy dường như các hãng hàng không đã quyết định hy sinh hành lý để cố gắng thực hiện các chuyến bay.
Tại Úc, hãng hàng không hàng đầu Qantas được cho là đã để mất 1/10 hành lý tại trung tâm khu vực ở Sydney. Hãng này đang thiếu nhân viên xử lý hành lý. Trong suốt thời kỳ đại dịch, hãng đã phải thuê ngoài 1.700 đầu công việc. Tại thị trường châu Âu, một số cuộc đình công đã diễn ra do điều kiện làm việc và lương thấp.
Trong cuộc khủng hoảng này, vẫn có một số hãng hàng không trở thành điểm sáng khi đảm bảo hành lý đến với chủ nhân của nó. Hãng hàng không Delta báo cáo lợi nhuận quý 2 là 735 triệu USD cho biết, hãng đã cử một chiếc máy bay chỉ chuyên chở 1.000 hành lý bị thất lạc từ Anh đến trung tâm của hãng ở Detroit. Tuy nhiên, con số này vẫn là quá ít trong số những người đang mòn mỏi chờ đợi hành lý của mình.
"Tôi đã đợi 3 tiếng đồng hồ tại băng chuyền hành lý. Đến rạng sáng, một nhân viên hàng không đến và nói rằng hành lý của tôi không có dữ liệu trên hệ thống", hành khách Deborah Sergeant bay từ thành phố Mexico đến Lima cho hay.
"Nhân viên đó nói tôi nên ở lại Lima trong vài tuần để hãng dễ gửi trả hành lý hơn nếu tìm thấy. Nhưng đã hơn 1 tháng rồi vẫn chưa thấy hãng liên lạc", người này chia sẻ thêm.
Sergeant ước tính, với việc chiếc vali chứa tài sản trị giá 1.500 USD bị thất lạc và cô không được bồi thường, phải mua đồ đạc mới khiến chủ nhân "cháy túi".
Youtuber Connor Colquhoun và nhóm của mình cho biết đã bị mất 2 túi đựng thiết bị quay phim trị giá 50.000 USD khi bay từ Heathrow đến Los Angeles vào tháng 6. "Chúng tôi cố gắng liên hệ với hãng hàng không nhiều lần nhưng không nhận được thông tin gì. Gần như là không thể gặp được một nhân viên trực tổng đài người thật", Youtuber này cho hay.
Du khách người Mỹ Donna O' Connor, đến Ireland vào 30/6 để rải tro cốt cha mẹ quá cố cũng đã bị thất lạc hành lý. O' Connor đã phải đến sân bay Dublin mỗi ngày trong tuần để cố gắng tìm kiếm chiếc túi chứa hài cốt quý giá của cha mẹ cô. Sau khi nhận được liên lạc từ hãng Air Canada, cô biết được rằng hãng đã gửi tro cốt về nhà của cô ở Chicago.
"Tổn thất không chỉ về mặt tiền bạc mà còn về mặt tinh thần," O' Connor cho biết.
Làm gì để hạn chế thất lạc hành lý?
Nhờ vào những tiến bộ công nghệ, số lượng hành lý bị "mất tích" đã có xu hướng giảm trong 10 năm qua. Tuy nhiên, vào năm 2019, tình trạng này đã tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu đi lại tăng lên.
Ông Marc Casto, Giám đốc điều hành một công ty du lịch cho hay: "Ngành hàng không đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy trong suốt 25 năm làm việc của tôi. Mọi phân khúc của ngành này đều đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động, từ cửa khẩu sân bay, nhân viên xử lý hành lý cho đến tiếp viên, phi công".
Ông cho rằng, tình trạng này sẽ giảm bớt chỉ khi các hãng hàng không và sân bay trải qua một quá trình tuyển dụng, đào tạo nhân viên mới. Đồng thời, ông khuyên du khách nên hạn chế ký gửi hành lý nếu có thể hoặc giảm thiểu rủi ro bằng cách mua các thiết bị theo dõi và chụp ảnh những vật có giá trị bên trong túi để yêu cầu bảo hiểm nếu bị thất lạc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.