Kinh nghiệm hậu cần logistics TP. Hồ Chí Minh qua góc nhìn nhà quản lý

Tác giả: Quyết Văn

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 29/04/2018 07:32

Việc quy hoạch trung tâm logistics TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập cung cấp dịch vụ trọn gói giúp giảm chi phí

 

h1
 

Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, năm 2017 ngành logistics của Thành phố đạt 91.541 tỷ đồng, chiếm 8,6% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và 14,8% trong khu vực dịch vụ. Đây là ngành có vị trí quan trọng thứ hai trong 9 ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố, có mức tăng trưởng 10,84% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, hiện nay hạ tầng giao thông hiện hữu của khu vực trọng điểm phía Nam chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đây chính là nút thắt chủ yếu trong vấn đề kết nối nên chưa phát huy được tiềm lực sẵn có cũng như chưa giúp các địa phương trong vùng nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh. Tình trạng tắc nghẽn phương tiện và hàng hóa trên các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, khu vực cụm cảng cạn (ICD) Trường Thọ (Thủ Đức) vẫn diễn ra nghiêm trọng mặc dù nhiều giải pháp đang được triển khai”.

Bà Phạm Thị Thúy Vân - Phó giám đốc Tiếp thị, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: “Các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái, khu vực Thủ Đức, Sóng Thần, Linh Trung và khu vực lân cận cầu Đồng Nai. Riêng TP. Hồ Chí Minh có 11 cảng làm hàng container và hàng rời với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000m cầu tàu. Việc tập trung này gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, tắc đường xảy ra thường xuyên, xe quay vòng chậm, các chi phí phát sinh vì thế tăng thêm. Với hàng nhập, thời gian lưu bãi bình quân cũng tăng thêm do giải phóng hàng chậm”.

h2
TP. Hồ Chí Minh cần sớm quy hoạch một trung tâm logistics nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hội nhập cung cấp dịch vụ trọn gói, giảm chi phí vận chuyển

PGS. TS. Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho biết: “Năm 2015, Chính phủ đã ký Quyết định 200 Quy hoạch trung tâm logistics trên cả nước, hiện nay sau 2 năm TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cũng đang có động thái tích cực thể hiện ở đề án phát triển logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025. Mặc dù TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước, các nguồn hàng đều tập trung về đây để xuất, nhập khẩu nhưng hạ tầng hiện nay còn thiếu và phân mảnh (các trung tâm, kho hàng, ICD) mới thực hiện được một số dịch vụ trong một chuỗi logistics trọn vẹn”.

Muốn nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics, theo bà Hòa, các doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp một chuỗi dịch vụ tích hợp đòi hỏi phải có trung tâm logistics để các các doanh nghiệp chủ động tham gia cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Nếu TP. Hồ Chí Minh không nhanh chóng thực hiện quy hoạch trung tâm logistics sẽ làm chậm tiến trình thực hiện Quyết định 200 của Chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn trong việc hội nhập để cung cấp dịch vụ trọn gói cho các doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam.

“Hàng hóa đổ về cảng Cát Lái rất nhiều bởi gần các khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh nên thường xuyên xảy ra ùn tắc. Trong khi TP. Hồ Chí Minh cũng có cảng Hiệp Phước với hạ tầng rất tốt nhưng lượng hàng lại ít. Đây là bài học để trong thời gian tới khi chúng ta xây dựng quy hoạch một trung tâm logistics, một cảng thì phải nghĩ đến vấn đề phát triển và kết nối hạ tầng giao thông trong tương lai, phải hướng tới không chỉ phục vụ cho hàng hóa xuất, nhập khẩu mà còn phải phục vụ hàng hóa nội địa để đảm bảo chi phí logistics không tăng lên. Từ đó, chúng ta có thể tránh được việc tỉnh nào cũng thành lập trung tâm logistics nhưng không đủ lớn và năng lực cung cấp dịch vụ không đáp ứng được. Với kết cấu hạ tầng bến bãi logistics của TP. Hồ Chí Minh hiện chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn”, bà Hòa nhấn mạnh.

Ông Phan Việt Sơn - Trưởng phòng Kinh doanh Kho bãi Dịch vụ xuất nhập khẩu, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Thành Công cho rằng: “Bến, bãi hậu cần cho ngành logistics có nhưng phân bố chưa hợp lý, dẫn đến tình trạng UTGT. Điển hình là việc quy hoạch hạ tầng giao thông tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, đường vào cảng Cát Lái, quận 2 ùn ứ xe nghiêm trọng, muốn hàng đến đúng giờ buộc tài xế phải chen lấn dẫn tới sai phạm, từ sai phạm kéo theo việc phải "chung chi" cho lực lượng chức năng nên nảy sinh tiêu cực. Vì vậy, cần có quy hoạch phân bố hạ tầng phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển”

Ý kiến của bạn

Bình luận