Ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh kiểm tra, |
Thưa ông, giải ngân vốn đầu tư là vấn đề khó, phức tạp. Để có được những kết quả giải ngân tốt trong thời gian vừa qua, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có những giải pháp gì?
Trên cơ sở bám sát kế hoạch đã được Bộ GTVT duyệt, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã tổ chức triển khai lập kế hoạch giải ngân từ đầu năm trên cơ sở thực tế công việc của dự án, của từng gói thầu, trong đó phải lường trước được những khó khăn, kể cả chủ quan và khách qua, rà soát trình tự thủ tục pháp lý của từng công việc, điều kiện thời tiết của khu vực có thể ảnh hưởng đến quá trình thi công để đăng ký giải ngân và chủ động để tổ chức thực hiện.
Theo quy định, công tác giải phóng mặt bằng được tách thành các tiểu dự án do các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cán bộ của Ban luôn đi sâu, đi sát hiện trường, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để tư vấn cho địa phương hoặc báo cáo cơ quan có thầm quyền giải quyết kịp thời. Thậm chí, Ban còn cử người giam gia các tổ công tác của địa phương đi vận động tuyên truyền tới tận các khu dân cư. Bên cạnh đó, Ban thường xuyên cập nhật, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT, UBND các tỉnh, huyện nơi dự án đi qua để chỉ đạo giải quyết kịp thời vướng mắc.
Đối với các nhà thầu thi công, cán bộ Ban QLDA đường Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo tư vấn, nhà thầu giải quyết khó khăn vướng mắc trên công trường, đặc biệt là đã ban hành công khai quy trình làm hồ sơ nghiệm thu thanh toán trên tinh thần rút ngắn thời gian nhất, cụ thể là tổ chức nghiệm thu ký hồ sơ thanh toán các bên ngay tại hiện trường. Ban đã báo cáo Bộ GTVT kịp thời xử lý những vấn đề kỹ thuật phát sinh trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân (do thực trạng rất nhiều nhà thầu tập trung vào thi công mà lơ là công tác nội nghiệp nghiệm thu thanh toán).
Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Ban QLDA đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư |
Vậy theo ông, đâu là “điểm nghẽn” làm ảnh hướng đến tốc độ giải ngân?
Giải ngân, đặc biệt là giải ngân xây lắp chiếm tỷ trọng lớn là kết quả của rất nhiều công việc, từ khi bắt đầu triển khai lập, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp; giải phóng mặt bằng và tổ chức triển khai trên công trường, vì vậy rất nhiều hạng mục công việc có thể ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân. Bất cứ công việc nào vướng mắc, chậm tiến độ thì đều ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan vốn đã tồn tại từ bấy lâu nay như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách..., vậy theo ông đâu là vấn đề mấu chốt dẫn đến khó khăn đó?
Nhiều yếu tố khách quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công như công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chế độ chính sách; xử lý các phát sinh, thay đổi ở hiện trường... Công tác đấu thầu phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, trình tự thủ tục không thể tự thay đổi được và không rút ngắn được. Chính sách thay đổi buộc phải cập nhật theo từng thời điểm, nếu không cập nhật liên tục sẽ dẫn tới việc làm chưa đúng quy định của Nhà nước. Riêng công tác giải phóng mặt bằng do địa phương chịu trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, xác định yếu tố quan trọng quyết định đến tiến độ, chất lượng của dự án nên chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải phối hợp chắt chẽ với chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc. Ví dụ như ở một số dự án chỉ có một hộ dân chưa đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng hay đền bù ảnh hưởng lu rung, công tác vận động, tuyên truyền chưa tốt của chính quyền địa phương nên thời gian thi công gói thầu kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công và kết quả giải ngân vốn đầu tư công.
Vì vậy, mấu chốt vấn đề là công tác giải phóng mặt bằng làm sao cho dân hiểu, dân ủng hộ và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì mới đẩy nhanh công tác xây dựng công trình, từ đó giải ngân được vốn đầu tư công.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.