Camera giám sát xe khách |
Nối dài “cánh tay” quản lý
Bộ GTVT cho biết, thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km.
Ngoài ra, từ ngày 01/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, TTGT và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.
Bày tỏ đồng tình với quy định trên, một số ý kiến cho rằng việc giám sát lái xe qua camera là cần thiết vì sẽ phát hiện được các vi phạm như xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách hay lái xe nghe điện thoại, ngủ gật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp quản lý được hoạt động của xe và dữ liệu hình ảnh có thể tính được doanh thu, hạn chế gian lận. Không phải chờ đến khi Chính phủ ban hành quy định, nhiều doanh nghiệp vận tải lớn đã nhận thức được hiệu quả và tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng công nghệ nên đã đầu tư cho cả hệ thống. Về phía Nhà nước, các hình ảnh này sẽ giúp cơ quan chức năng rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn; hỗ trợ kiểm soát tình trạng xe “dù”, bến “cóc”; xử lý các trường hợp doanh nghiệp và lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe liên tục hoặc chạy sai lộ trình.
Liên quan tới dự thảo này, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, Điều tra, Giải quyết TNGT (Cục CSGT) nhận định, hiện nay chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi chở quá số người đối với xe khách là tương đối nhiều so với các lỗi vi phạm khác, tuy mức phạt tiền đã cao nhưng không ít nhà xe vẫn cố tình vi phạm.
“Theo Nghị định 86 sửa đổi của Chính phủ, thiết bị giám sát hành trình bắt buộc phải lắp trên xe kinh doanh vận tải nhưng nếu lắp thêm camera sẽ giúp lực lượng chức năng giám sát các sai phạm của tài xế như: dừng trả khách sai quy định, chở quá lượng hành khách quy định...”, ông Nhật nhấn mạnh.
Theo ông Nhật, hình ảnh camera sẽ truyền dữ liệu hình ảnh trực tiếp tới hệ thống giám sát của lực lượng CSGT để xử phạt nếu tài xế vi phạm trong lộ trình di chuyển. Việc giám sát này sẽ hợp lý và chặt chẽ hơn, giúp giảm thiểu các hành vi vi phạm của xe khách. Camera trên xe khách phải được đưa vào quy định của pháp luật, như là một thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm.
Với đề xuất trên, ông Nguyễn Duy Ninh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh nhận thấy rất hợp lý bởi sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi được tài xế, phụ xe của mình tốt hơn. Nếu xảy ra sai phạm hoặc ứng xử thiếu văn minh sẽ được lãnh đạo Công ty chấn chỉnh ngay. “Hiện nay, tất cả xe của Công ty tôi đều được lắp camera. Chi phí lắp một chiếc camera không phải quá cao, chỉ khoảng từ 4 - 5 triệu đồng/xe”, ông Ninh cho biết.
Cần thí điểm trước khi áp dụng đại trà
Camera giúp giám sát đầy đủ quá trình hoạt động của tài xế |
Ủng hộ việc lắp camera trên xe khách, anh Nguyễn Thành Hưng (quê Hà Tĩnh, làm việc tại Hà Nội) cho rằng, việc lắp camera giám sát trên xe khách là cần thiết bởi thông thường vào các dịp nghỉ lễ, Tết hay nghỉ cuối tuần, nắm bắt tâm lý nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, không ít nhà xe đã tự ý tăng giá vé, nhồi nhét khách. Hệ lụy gây ra là hàng loạt vụ TNGT thương tâm do xe khách phóng nhanh vượt ẩu, tranh giành khách xảy ra. “Việc lắp đặt camera hy vọng sẽ ngăn chặn những hành vi vi phạm này, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi khi dịch vụ xe khách ngày càng an toàn và văn minh hơn”, anh Hưng nói.
Không phủ nhận những hiệu quả mà thiết bị camera mang lại song ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chia sẻ, vấn đề lo ngại nhất là các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư thêm thiết bị, tăng chi phí hàng nghìn tỷ đồng, đồng nghĩa tăng chi phí xã hội. Hơn nữa, khi chi phí tăng lên, đối tượng chịu thiệt thòi chính là người dân, bởi doanh nghiệp sẽ cộng vào chi phí vận chuyển. Do đó, bước đầu cơ quan chức năng có thể nghiên cứu theo hướng chưa nên bắt buộc lắp đặt đại trà mà chỉ nên thí điểm triển khai trên những xe khách chạy đường dài, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp lắp đặt nhằm giúp quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Sau một thời gian thực hiện sẽ nghiên cứu, đánh giá hiệu quả xem có nên tổ chức nhân rộng trên các phương tiện khác hay không.
Ở một góc nhìn khác, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, việc lắp đặt thiết bị camera trên các phương tiện kinh doanh vận tải nên thực hiện có lộ trình, tập trung khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chứ không nên bắt buộc vì sẽ gây khó khăn, tốn chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rút kinh nghiệm từ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS) bởi hiện nay dữ liệu, tài nguyên từ thiết bị này còn chưa sử dụng tối ưu, việc lắt đặt thêm camera sẽ gây lãng phí lớn
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.