Tháng 4/2019, Hội đồng thành phố London, Anh đã giới thiệu khu vực phát thải thấp (ULEZ). Theo đó, các chủ phương tiện chạy động cơ diesel gây ô nhiễm cao khi đi vào khu vực trung tâm thành phố sẽ phải trả 12,5 bảng Anh (375 nghìn đồng) mỗi ngày. Năm ngoái, phạm vi thu phí đã được mở rộng hơn nhiều, bao phủ nơi sinh sống của gần 4 triệu cư dân thành phố.
Ông Sadiq Khan, Thị trưởng thành phố London cho biết đã đề nghị Sở GTVT thành phố xây dựng phương án mở rộng khu vực ULEZ ra toàn bộ thành phố vào năm 2023 để biến “London trở thành một thành phố xanh, sạch và ít ùn tắc hơn”. Nếu điều này được thực hiện, nó sẽ tác động đến 9 triệu người đang sinh sống tại thủ đô này.
Thị trưởng Sadiq Khan cho biết, hiện London đang phải giải quyết 3 thách thức, đó là ô nhiễm không khí, tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động và ùn tắc giao thông. Điều này đòi hòi thành phố phải cắt giảm hơn nửa lượng khí thải từ các phương tiện.
“Chúng ta không nên tiếp tục lãng phí thời gian. Có quá nhiều nguồn khí thải độc hại gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến lá phổi của những người trẻ London, dẫn đến cái chết của hàng nghìn người mỗi năm.” - Thị trưởng Khan nói.
Văn phòng Thị trưởng tuyên bố, kế hoạch mở rộng ULEZ có thể giảm từ 285-330 tấn khí thải NO2, 135-150 nghìn tấn CO2 và đặc biệt là giảm từ 20-40 nghìn ô tô gây ô nhiễm cao trên đường phố London hàng ngày.
Theo một báo cáo năm 2019, ô nhiễm không khí đã gây ra khoảng 1.000 trường hợp nhập viện hàng năm vì bệnh hen suyễn và các bệnh phổi nghiêm trọng ở London từ năm 2014-2016. Năm 2020, cơ quan điều tra đã kết luận ô nhiễm không khí là một phần nguyên nhân gây ra cái chết của một bé gái 9 tuổi ở London vào năm 2013. Đây là lần đầu tiên ở Anh, ô nhiễm không khí được chính thức liệt vào danh sách nguyên nhân gây tử vong.
Một số ý kiến phản đối việc mở rộng ULEZ trước đây cho rằng, đây là hình thức đánh thuế vào những người nghèo và doanh nghiệp nhỏ ít có khả năng thay thế các phương tiện cũ gây ô nhiễm cao.
Đáp lại những ý kiến này, chính quyền thành phố London khẳng định, mức phí ULEZ áp dụng cho xe máy, xe tải nhỏ, ô tô nhỏ dựa trên lượng khí thải chứ không phải niên hạn. Các loại ô tô động cơ diesel đăng ký lần đầu sau năm 2005 và ô tô động cơ diesel sản xuất sau tháng 9/2015 thường đáp ứng các tiêu chuẩn của ULEZ và được miễn trừ phí.
Bên cạnh áp phí đối với xe diesel phát thải cao, từ năm 2003, London đã bắt đầu thu phí chống tắc đường. Theo đó, ô tô đi vào nội đô hiện bị tính phí gần 15 bảng, áp dụng từ 7h đến 22h tất cả các ngày, trừ dịp lễ Giáng sinh. Những xe chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ hydro sẽ được miễn phí.
Tại Việt Nam, hiện tại, UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu nhằm hạn chế ùn, tắc giao thông và ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm thành phố với 2 nội dung. Thứ nhất, về đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện đo kiểm khí thải mô tô, xe máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Thứ hai, về đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, sẽ xây dựng đề án thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện để tổ chức thực hiện trong thời điểm thích hợp; xin ý kiến của các cấp, ngành, nhà khoa học để tổ chức triển khai thực hiện. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.