Theo Bộ GTVT, Luật GTĐB năm 2008 sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động GTVT đường bộ; thúc đẩy sự phát triển của ngành GTVT và nền kinh tế đất nước; tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động tham gia vào hoạt động GTVT của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng vẫn còn những bất cập trong Luật cần được sửa đổi cho phù hợp, tạo động lực phát ttriển.
Điển hình như phần lớn các đô thị chưa đảm bảo quy định về tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ; phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh nhưng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. Một số văn bản QPPL về quản lý vận tải, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ có tính ổn định chưa cao do thực tế phát sinh nhiều vấn đề mới.
Không để hai dự luật về giao thông chồng chéo Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2020 ngày 12/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không để hai dự luật GTĐB (sửa đổi) và Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ chồng chéo.Liên quan đến dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) và Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, Thủ tướng cho rằng ATGT là vấn đề lớn và quan trọng vì “tính mạng con người là trên hết”. Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là cần thiết, trên cơ sở tách ra từ Luật GTĐB 2008.Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần “cái gì có lợi cho dân, làm gì để xã hội phát triển tốt thì nên tiến hành, không quyền anh, quyền tôi mà làm chậm trễ sự phát triển của đất nước”. Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, Thủ tướng nêu rõ không để chồng chéo, cái gì thuộc giao thông tĩnh, xây dựng công trình thì thuộc Bộ GTVT, cái gì liên quan an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì giao cho Bộ Công an. Thủ tướng đề nghị: “Về quản lý hệ thống báo hiệu GTĐB, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, tổ chức thực thi nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi là hợp lý, trừ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông...”.Để hoàn thiện dự thảo luật, Thủ tướng giao hai bộ tiếp tục rà soát, bảo đảm tính bao quát, toàn diện, thống nhất, không chồng chéo, trùng lắp với lĩnh vực GTĐB đã được quy định trong Luật GTĐB.Đối với Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội. |
Hơn nữa, vẫn còn một số quy định của Luật GTĐB 2008 chưa phù hợp với Công ước về GTĐB và Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ 1968 (Công ước Viên). Ví dụ như, Công ước Viên bắt buộc Luật quốc gia phải quy định việc người điều khiển phương tiện không được phép dùng tay sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 dù đã có quy định về việc người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động nhưng chưa thể hiện quy định cấm người điều khiển ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động.
Đối với quy định về việc thắt dây an toàn hiện nay, Luật GTĐB 2008 đang quy định xe ô tô phải trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. Tuy nhiên, Công ước Viên lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây an toàn trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định của Luật quốc gia.
Ngoài ra, còn một số nội dung khác chưa phù hợp giữa Luật GTĐB 2008 với Công ước Viên 1968 như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, ký hiệu quốc gia trên xe rơ-moóc, điều kiện, kỹ thuật của phương tiện, quy tắc dành cho người đi bộ hiện nay đang được bảo lưu. Trên cơ sở 4 chính sách được đánh giá tác động trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra, được Quốc hội thông qua, Bộ GTVT đã chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, trong đó giữ nguyên bố cục của Luật GTĐB năm 2008 với 89 điều được sửa đổi, 67 điều được bổ sung.
Bộ GTVT cho biết, việc kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi nhằm mục tiêu đảm bảo sự phát triển đồng bộ, thống nhất về các mặt hoạt động từ quy tắc giao thông đến kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, đảm bảo hoạt động GTĐB thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo, mâu thuẫn các luật khác.
Đặc biệt, việc xây dựng Luật GTĐB (sửa đổi) thay thế Luật GTĐB năm 2008 nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về GTĐB.
Phạm vi điều chỉnh của Luật GTĐB sửa đổi bao gồm 4 nhóm chính sách: Hoàn thiện khung pháp lý về quy tắc GTĐB; kết cấu hạ tầng; phương tiện, người điều khiển tham gia GTĐB và hoàn thiện khung pháp lý về vận tải đường bộ. Các nhóm chính sách này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được đa số thành viên Chính phủ thông qua, được Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đánh giá phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.