Các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của "luồng xanh", gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải |
“Luồng xanh” cứu doanh nghiệp vận tải trước bờ vực phá sản vì đại dịch Covid-19
Dư luận xã hội trong 2 tháng qua dành nhiều sự quan tâm tới “luồng xanh”, bởi ở nhiều góc độ xã hội, đây chính là “phao cứu sinh” cho những nhu cầu bức thiết trong đời sống và là giải pháp hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng tạo “luồng xanh” của Bộ GTVT trong một thời gian rất ngắn đã giải quyết kịp thời “bài toán” hóc búa trong việc đáp ứng nhu cầu hàng hóa để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, nhu cầu an sinh xã hội, thích ứng với các thách thức do Covid-19 đặt ra. Có thể khẳng định rằng, "luồng xanh" thật sự là một giải pháp mang tính chiến lược trong công tác phòng, chống đại dịch và kỳ vọng là một kinh nghiệm rất quý trong việc thích ứng với điều kiện thiên tai dịch bệnh tới đây.
Trao đổi với PV Tạp chí GTVT, tài xế Nguyễn Văn Giáp (Thanh Hóa) - lái xe được cấp nhận diện "luồng xanh" chia sẻ: “Thu nhập trong thời gian giãn cách bị giảm nhưng tôi cảm thấy rất may mắn vì còn duy trì được công việc và kiếm được thu nhập nhờ có “luồng xanh”, trong khi rất nhiều người phải ở nhà, không có thu nhập hoặc thu nhập giảm sút”.
Bà Đoàn Thị Thu - nhà xe Đức Trưởng Thái Bình bày tỏ, “luồng xanh” đã giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động cơ bản, vẫn tiếp tục kinh doanh dịch vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đảm bảo các biện pháp an toàn, thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn, thật sự “cứu” một lượng rất lớn các doanh nghiệp vận tải vốn đứng trước bờ vực phá sản vì đại dịch Covid-19. Hơn hết, việc vận tải vẫn duy trì, tức là hàng hóa vẫn được lưu thông, đảm bảo phần nào nhu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tác của doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung.
"Công ty TNHH Vận tải Lam Sơn Thái Bình đăng ký cấp thẻ ưu tiên cho khoảng 40 đầu xe container phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất", bà Vũ Thị Hường - đại diện Công ty cho biết. Trong 2 tháng áp dụng "luồng xanh" vừa qua đã tạo sự thuận lợi lớn dù trong thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội khó khăn. Đến nay, sau 2 tháng liên tục hoàn thiện, thủ tục đăng ký, cập nhật hồ sơ cấp thẻ nhận diện ngày càng thuận lợi hơn, tiện lợi hơn.
Quyết “mạnh tay” dẹp bỏ tồn tại, tăng hiệu quả luồng xanh
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành GTVT và Công an đã và đang tạo điều kiện rất nhiều cho hoạt động vận tải hàng hóa, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp, tài xế không thực hiện chuẩn chỉ các quy định, thậm chí còn lợi dụng sự ưu tiên này để thực hiện những hành vi vận chuyển trái với quy định của pháp luật vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng ghi nhận phản ánh về hiện tượng “cò mồi luồng xanh” để cấp thẻ nhận diện “luồng xanh” trái phép. Tổng cục ĐBVN đã chủ động chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội đề nghị Công an TP. Hà Nội sớm tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin. Đây là động thái quyết liệt, có kết quả với tinh thần không bao che, không có vùng cấm và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, có hành vi trục lợi bất chính gây ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với những chính sách của ngành GTVT.
Cùng với đó, Tổng cục ĐBVN đã phối hợp với Tập đoàn Viettel hoàn thiện, vận hành hệ thống cấp mã QR Code hoàn toàn tự động, phần mềm kê khai thông tin giấy nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa trực tuyến cấp độ 4...
“Với tinh thần cầu thị, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu mọi ý kiến phản ánh để hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý của Tổng cục, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ để bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp, phòng ngừa những sai phạm, tiêu cực”, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng ách tắc lưu thông hàng hóa do vướng nhiều thủ tục phiền hà, đặc biệt là “giấy phép con” do các địa phương đề ra. Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các địa phương bãi bỏ các quy định khác nhau gây nên cản trở lưu thông hàng hóa. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì nhiều cuộc họp liên ngành GTVT, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương, trong đó yêu cầu đích danh 8 tỉnh, thành phố đưa ra các quy định gây ách tắc trong kiểm soát, lưu thông hàng hóa trái với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT phải dỡ bỏ các quy định này.
Thành công của “luồng xanh” như “vàng” đã qua “thử lửa” xuyên suốt thực tiễn 2 tháng qua. Ở góc độ tổng thể, chặng đường 2 tháng là khoảng thời gian ngắn để gấp rút áp dụng và hoàn thiện một giải pháp mang tính chiến lược quốc gia. Góp vào thành công này là quyết tâm, chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, sáng tạo, kịp thời của Bộ GTVT và nỗ lực phối hợp tổ chức triển khai của các cơ quan chức năng ngành GTVT, ngành Công an và các địa phương.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, “luồng xanh” là để ưu tiên các phương tiện có thể nhận diện được qua chốt kiểm dịch nhanh, giúp hàng hóa được thông suốt, lương thực, thực phẩm nhanh chóng đến tay người dân, những người đang có nhu cầu bức thiết về thực phẩm ở khu vực bị phong tỏa. Vì vậy, "luồng xanh" cũng mang tính nhân văn cao cả.
“Trước đây khi chưa có “luồng xanh” có những lô sữa và thực phẩm hỏng, doanh nghiệp phải đổ đi do dịch nên không vận chuyển được. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nơi thì người dân không có để sử dụng, nơi thì phải đổ đi hàng chục tấn chuối, hàng chục nghìn lít sữa, như vậy thì quá lãng phí. Đến nay, vấn đề này đã được giải quyết, nhờ có “luồng xanh”, phương tiện vận tải được lưu thông thông suốt, an toàn”, ông Khuất Việt Hùng bày tỏ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.