\
Mặc dù lượng xe nhập khẩu giảm nhưng lượng ô tô tải nhập vào Việt Nam vẫn tăng. Ảnh minh họa: Internet |
Theo số liệu thống kê mới nhất từ cơ quan Hải quan, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (xe CBU) trong tháng 3 là hơn 8,5 nghìn chiếc, đạt trị giá 208 triệu USD, tăng 50,8% về lượng và tăng 46,9% về trị giá so với tháng trước đó.
Như vậy là sau 2 tháng giảm sâu, thị trường xe trong nước nói chung và xe nhập khẩu nguyên chiếc đã bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại trong tháng 3. Tuy thế, dù lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 3 tăng mạnh, nhưng nếu tính chung cho cả 3 tháng đầu năm nay thì lượng xe CBU vào Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Theo số liệu tổng kết qua các tháng, lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc trong quý I/2016 là hơn 19,7 nghìn chiếc, giảm 21,2% với trị giá nhập khẩu là 486 triệu USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng nhập khẩu giảm diễn ra ở hầu hết các loại xe, trừ ô tô tải. Cụ thể: lượng nhập khẩu ô tô tải vào thị trường Việt trong 3 tháng đầu năm nay là 9,86 nghìn chiếc, tăng 16%. Trong khi đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 6,9 nghìn chiếc, giảm 37,6%; ô tô loại khác đạt hơn 3 nghìn chiếc, giảm 45,6%.
Nguyên nhân được cho là do nhu cầu sử dụng xe tải ở thị trường Việt Nam vẫn rất lớn. Theo đánh giá từ một bản báo cáo của Cục Đăng kiểm (năm 2015), hiện tượng tăng trưởng của các dòng xe tải cỡ lỡn tại thị trường Việt Nam là do nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này quá lớn.
Theo đó, cơ quan này phân tích: kể từ khi Chính phủ và Bộ GTVT triển khai việc tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải thì nhu cầu về tăng số lượng đầu phương tiện tăng trưởng nhanh. Nếu như trước đây, các xe đều chở quá tải, cá biệt có những trường hợp quá tải đến 300 – 400%. Thì hiện nay, khi việc kiểm soát tải trọng được kiểm soát đồng bộ, hiệu quả. Các phương tiện đã chở đúng tải trong khi nhu cầu vận tải hàng hóa vẫn tăng trưởng đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải tăng số đầu phương tiện vận tải để phục vụ nhu cầu.
Trong khi đó, xe tải, xe tải chuyên dụng, đặc biệt là các xe có trọng tải lớn và ô tô đầu kéo lại là loại phương tiện các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước không sản xuất.
Ngoài ra, như đã phản ánh từ trước đó, năm 2015, cả nước sẽ có 16.600 phương tiện hết niên hạn sử dụng. Trong đó, theo thống kê từ Cục đăng kiểm, số lượng lớn phương tiện hết niên hạn lại tập trung chủ yếu vào các loại xe tải và xe chở khách càng khiến cho lượng xe vào thị trường Việt Nam tăng cao.
Cũng theo nhận định từ giới kinh doanh, phân khúc xe tải chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong năm nay khi cả 2 cơ quan là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục siết chặt kiểm tra và xử lý xe quá tải và xe vi phạm kiểm định. Trong đó, việc tăng cường các chế tài xử phạt đối với người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ rất nặng. Cụ thể, người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu, đồng thời phải hạ phần hàng quá tải và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng. Đồng thời, mức phạt lũy tiến tỷ lệ tương ứng với mức vi phạm vượt trọng tải cho phép đồng thời và tăng nặng mức xử phạt đối với hành vi xếp hàng hóa lên xe.
Cũng trong quý I, thị trường đã bắt đầu có sự thay đổi lớn về nguồn gốc xe nhập khẩu và chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của các dòng xe nhập từ Thái Lan. Trong quý I/2016, Thái Lan vượt qua Hàn Quốc trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ô tô cho Việt Nam với hơn 7,8 nghìn chiếc, tăng 64,5%; tiếp theo là Hàn Quốc: 3,56 nghìn chiếc, giảm 41%; Trung Quốc: 2,26 nghìn chiếc, giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.