Mặt trái của dịch vụ bay không điểm đến

Giao thông toàn cầu 02/06/2021 05:53

Bay không điểm đến đang là chiêu câu khách của nhiều hãng hàng không thế giới giữa thời buổi dịch bệnh nhưng dịch vụ này đang vấp phải ý kiến trái chiều.

2016197705469555

Bay không điểm đến là cụm từ chỉ các chuyến bay chở khách ngắm cảnh với điểm dừng cuối cùng là chính sân bay đã xuất phát. Tại Hàn Quốc, chuyến bay không điểm đến đầu tiên khởi hành tại sân bay quốc tế Incheon vào tháng 12/2020 và đang có xu hướng ngày càng được nhân rộng. Đây là một biện pháp tự cứu vãn mà ngành hàng không quốc gia này đưa ra để tồn tại trong đại dịch Covid-19, xuất phát từ nhu cầu đi lại của người tiêu dùng. Tháng 4 vừa qua, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải (MOLIT) Hàn Quốc thông báo sẽ mở rộng các chuyến bay không điểm đến các sân bay địa phương khác ở Gimpo, Gimhae và Daegu, với tần suất 3 chuyến/ngày cho mỗi sân bay. Hãng hàng không Asiana Airlines đã cung cấp chặng bay đưa hành khách khởi hành từ Incheon, bay qua Busan, Fukuoka (Nhật Bản) và Jeju trước khi quay trở lại Incheon. Hãng hàng không Jeju Air cũng cho ra mắt một chặng bay tương tự, khởi hành từ Incheon hoặc Gimpo, qua Busan và đảo Daema trước khi quay trở lại Busan, rồi hạ cánh ở Incheon hoặc Gimpo.

Các dịch vụ bay này đã đánh trúng tâm lý thèm đi du lịch nước ngoài và mua sắm miễn thuế của du khách, tuy nhiên chúng lại bị các chuyên gia môi trường lên án gay gắt. Họ cho rằng việc vận hành một chuyến bay không quá cần thiết đã ảnh hưởng đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Tờ nhật báo lâu đời Hankyoreh đã dẫn chứng so sánh lượng khí thải carbon từ máy bay, tàu hỏa và ô tô. Theo phân tích của Cơ quan Môi trường châu Âu, một chiếc máy bay chở 88 người thải ra 285g khí carbon/hành khách/km. Trong khi đó, một ô tô chở 1,5 hành khách thải ra 158g/hành khách/km, còn 1 đoàn tàu chở khách chỉ thải ra có 14g/hành khách/km. Máy bay thải ra nhiều carbon nhất lúc nó cất cánh và lượng khí thải cũng tỉ lệ thuận với khối lượng máy bay phải chở. Lượng khí thải carbon bình quân đầu người của các hành khách ghế hạng nhất hoặc ghế hàng thương gia cao gấp 3-4 lần so với hành khách ghế phổ thông. Các chỉ trích về khí thải không nhắm vào các chuyến bay đường dài mà chỉ tập trung vào các chuyến bay ngắn (có thể thay thế bằng phương tiện khác) hoặc những chuyến bay không điểm đến.

Hành trình một chiều giữa Incheon và Fukuoka dài khoảng 562 km. Chuyến bay khứ hồi không điểm đến của Asiana từ Incheon đến Busan, Fukuoka, Jeju và quay lại Incheon có khoảng cách 1.263 km, tương đương quãng đường từ London đến Madrid. Dịch vụ EcoPassenger đã tính toán lượng khí thải carbon của các phương tiện giao thông khác nhau khi di chuyển khoảng cách này. Cụ thể, một chuyến bay một chiều từ London đến Madrid ước tính thải ra trung bình 118 kg carbon/hành khách chưa kể 265 kg carbon cộng với các khí nhà kính khác. Một đoàn tàu đi cùng quãng đường sẽ thải ra 43 kg carbon/hành khách.

Nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng giảm sử dụng máy bay để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Ngày 10/4 vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật cấm các chuyến bay nội địa chặng ngắn có thể di chuyển thay thế bằng tàu hỏa trong vòng 2 tiếng rưỡi. Ở Thụy Điển, một chiến dịch “flygskam” (xấu hổ khi đi máy bay) đã được khởi xướng từ năm 2017 để kêu gọi mọi người sử dụng tàu hỏa và các phương tiện giao thông khác nếu có thể để thay cho máy bay.

Trước những chỉ trích này, ngành hàng không Hàn Quốc khẳng định họ đã không còn lựa chọn nào khác để vượt qua bối cảnh hiện tại. Theo số liệu của MOLIT, từ tháng 12/2020 đến tháng 3/2021 đã có khoảng 8.000 hành khách bay trên các chuyến bay không điểm đến do các hãng hàng không có trụ sở tại 7 quốc gia khác nhau cung cấp. Nhu cầu này góp phần tăng doanh thu và duy trì việc làm không chỉ trong ngành hàng không mà còn nhiều ngành liên quan. Một lý do nữa là các phi công cần phải đáp ứng các yêu cầu về thời gian bay. Theo Luật An ninh Hàng không của Hàn Quốc, các phi công phải thực hiện 3 lần cất và hạ cánh với máy bay trở lên trong vòng 90 ngày.

Một số hãng hàng không cũng đưa ra những cân nhắc của mình về vấn đề phát thải. Ngày 19/4, Lufthansa của Đức, một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới đã giới thiệu một chương trình mang tên Compensaid. Đây là một nền tảng kỹ thuật số do Lufthansa thiết lập, có khả năng tính toán và chia tổng lượng khí thải của chuyến bay cho các hành khách và gợi ý họ tham gia vào các dự án bảo vệ môi trường sau đó để bù đắp cho lượng khí carbon đã thải ra khi đi máy bay. Các dự án chống biến đổi khí hậu có thể là: trồng cây, sử dụng nhiên liệu bền vững cũng như các dự án bảo vệ môi trường khác. Những hành khách tham gia các dự án bảo vệ môi trường sẽ nhận được một chứng nhận mà họ có thể chia sẻ lên mạng xã hội để chứng tỏ rằng không có gì phải cảm thấy xấu hổ khi sử dụng máy bay.

Ý kiến của bạn

Bình luận