Một nhà thầu hứa xong vẫn làm chậm cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 07/07/2023 11:37

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, sản lượng thực hiện của dự án tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 59,21% kế hoạch, chậm khoảng 7,2%.

Một nhà thầu hứa xong vẫn làm chậm cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo - Ảnh 1.

Thi công cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Trong báo cáo về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm gửi đến Bộ GTVT vào cuối tháng 6/2023, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, đối với dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang chậm tiến độ so với kế hoạch.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, sản lượng thực hiện của dự án tính đến cuối tháng 6/2023 đạt 59,21% kế hoạch, chậm khoảng 7,2%. Đặc biệt đối với Công ty 194 luôn cam kết hoàn thành theo kế hoạch nhưng thực tế thường xuyên chậm, chưa có biện pháp khắc phục (các gói thầu chậm từ 9 - 20%), mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng không hiệu quả.

"Ban QLDA85 (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cần yêu cầu doanh nghiệp dự án chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nguồn lực, tập trung thi công (đặc biệt Công ty 194). Trong trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thi công không đáp ứng yêu cầu, Ban QLDA85 cần xử lý theo quy định của hợp đồng", báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng nêu rõ.

Thông tin cụ thể về tình hình triển khai thi công dự án, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, tính đến cuối tháng 6/2023, lũy kế sản lượng dự án đạt 4.492/7.587 tỷ đồng (đạt 59,21% giá trị hợp đồng, theo tiến độ điều chỉnh của dự án, chậm 7,2%). Giải ngân xây lắp phần vốn hỗ trợ của Nhà nước (VGF) lũy kế đạt 1.875,3 tỷ đồng (đạt 44,6%).

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, hiện tại, dự án đang chậm tiến độ khoảng 7,2%. Đặc biệt đối với đoạn Km54 - Km92+260 được chia thành 5 gói thầu xây lắp, trong thời gian qua thường xuyên chậm, bình quân các gói đều chậm từ 9 - 20%.

Trong đó, một số hạng mục mang tính chất là đường găng của dự án như: Đào đá nền đường còn khoảng 800.000 m3, trong khi thiết bị thi công thường xuyên hư hỏng, khối lượng thi công trung bình chỉ đạt khoảng 5.000 - 7.000m3/ngày (dự kiến khoảng đầu tháng 8/2023 mới hoàn thành) nên sẽ không đáp ứng tiến độ hoàn thành của dự án.

Ngoài ra, còn một số điểm đường găng như: Cầu Km56, cầu Km60, thi công móng, mặt đường,... Đồng thời, công tác đào hầm chậm nguyên nhân gặp đới địa chất yếu; Công tác triển khai thi công hạng mục trạm thu phí Phan Rang chưa triển khai thi công các hạng mục chính do thiết kế kỹ thuật điều chỉnh chưa được phê duyệt.

Về giải pháp thực hiện, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cần chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt là cần có giải pháp bổ sung, thay thế nhà thầu, điều chuyển khối lượng đối với các nhà thầu thi công trên đoạn tuyến Km54 - Km92+260 chậm tiến độ nhưng không có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan có liên quan, tiếp tục theo dõi công tác đào hầm, có các giải pháp xử lý kịp thời trong quá trình triển khai thi công; báo cáo Bộ GTVT sớm phê duyệt thiết kế kỹ thuật điều chỉnh đối với các hạng mục trạm thu phí làm cơ sở cho doanh nghiệp dự án phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công để triển khai thi công đáp ứng tiến độ.

Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thực hiện theo hình thức PPP, dài 78,5km. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925,48 tỷ đồng, gồm: Vốn VGF (vốn hỗ trợ của Nhà nước) trúng thầu 5.139 tỷ đồng; vốn BOT 3.786 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 9/2021, kế hoạch hoàn thành tháng 3/2024, nhà đầu tư dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194.
Ý kiến của bạn

Bình luận