Một số ý kiến bàn luận về quy hoạch hệ thống CHK, sân bay

Gần đây, câu chuyện về quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay (CHK, SB) toàn quốc “nóng” lên thu hút nhiều người quan tâm bàn luận. Để góp một tiếng nói trong “rừng dư luận” này, tác giả xin được nêu lên một cách nhìn có tính chuyên môn khái quát và khách quan để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vấn đề này. Bài viết không đi sâu vào học thuật mà nêu những vấn đề thực tế với góc nhìn của người đã trực tiếp tham gia vào công việc quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc từ những năm 1992.

 

khong luu
 

Những đặc thù của Quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc

Việc quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc phải tích hợp rất nhiều thông tin từ tự nhiên, kinh tế - xã hội và tư duy. Sau khi quy hoạch vùng trời với các đặc điểm về địa hình, khí hậu, thời tiết..., người ta lại phải căn cứ vào bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước để có bức tranh tổng thể cho công tác quy hoạch được chuẩn xác, gồm:

Quy hoạch đội tàu bay (mua sắm các loại tàu bay) sao cho phù hợp, có hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn bay, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hàng không mặt đất tương thích, đồng bộ với các loại tàu bay trong thời kỳ mới.

Quy hoạch hệ thống CHK, SB phải hội nhập cao nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ, qui trình, qui phạm với quốc tế. Mặt khác, phải phù hợp với hệ thống luật pháp Việt Nam, phù hợp với các phương tiện GTVT khác, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc dân và an ninh - quốc phòng trong thời kỳ được quy hoạch.

Ngoài ra, việc quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc phải đồng bộ, hài hòa trong quy hoạch tổng thể ngành GTVT Việt Nam từ việc kết nối giao thông đến việc xem xét khả năng cạnh tranh của các chuyên ngành GTVT để nâng cao hiệu quả tổng thể của toàn hệ thống giao thông quốc gia; đáp ứng tốt nhất hai nhiệm vụ chiến lược kinh tế và an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh...

Tại sao nhiều điạ phương xin bổ sung quy hoạch CHK, SB

Hiện nay, Bộ GTVT đang tiến hành quy hoạch tổng thể hệ thống GTVT Việt Nam trên cơ sở các qui hoạch tổng thể GTVT đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Để thu thập thông tin, Bộ GTVT đã có chủ trương xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Chính vì vậy, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các nhà làm quy hoạch, trong đó có quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc có văn bản xin ý kiến đóng góp của các tỉnh trong cả nước. Đó là việc làm rất cần thiết thể hiện tính dân chủ rộng rãi nhằm đạt đến tính khách quan, toàn diện trong làm quy hoạch.

Khi Trung ương hỏi, địa phương trả lời. Căn cứ vào đặc điểm tình hình của từng địa phương khác nhau sẽ có ý kiến khác nhau là lẽ thường tình. Việc các địa phương trả lời, đề xuất ý kiến độc lập của mình là điều đáng hoan nghênh, khích lệ. Trách nhiệm của cơ quan, các nhà quy hoạch là phải thật sự cầu thị, tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của địa phương, từ đó tổng hợp, phân tích, xử lý để đưa ra quy hoạch tối ưu nhất, được Thủ tướng phê duyệt. Mọi việc như thế là bình thường đã và đang diễn ra đối với những người trong cuộc.

Việc các địa phương muốn xây dựng thêm CHK, SB là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, vận tải đường không có nhiều tính ưu việt: an toàn, nhanh chóng, lịch sự, văn minh... Mỗi khi có thêm một CHK, SB được xây dựng thì nơi đó sẽ sớm trở thành một trung tâm kinh tế mới được hình thành, phát triển và đời sống ở đó từng bước tăng trưởng, văn minh hơn. Ai làm lãnh đạo mà không muốn như thế?

Ngoài ra, hiện tượng tỉnh nào cũng xin quy hoạch CHK, SB có mấy nguyên nhân sâu xa như sau:

1) Hệ lụy tiêu cực của các quy hoạch treo từ trước đến nay đã làm cho người ta lo lắng, không yên tâm khi nghe hai chữ “quy hoạch”. Bởi lẽ, trong quá khứ đã có những quy hoạch treo kéo dài hàng chục năm đã làm cho bao người dân điêu đứng.

2) Tư duy bao cấp nặng nề còn tồn tại, nhất là hiện tượng “xin - cho”. Trong nhận thức của nhiều người vẫn cho rằng lĩnh vực CHK, SB là “lãnh địa” của Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước, cho nên: “Con có khóc, mẹ mới cho bú”.

3) Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác CHK, SB đã có chủ trương từ nhiều năm nay nhưng chưa được triển khai mạnh mẽ; còn thiếu nhiều văn bản dưới luật cần thiết để có thể đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân một cách công khai, minh bạch và lâu dài;

4) Nhận thức về vận tải hàng không trong thời kỳ mới (CMCN 4.0 và nền kinh tế số) còn hạn chế, khác nhau trong cộng đồng, do đó còn nhiều ý kiến khác xa nhau trong nhận thức đánh giá về số lượng, chất lượng, về nhu cầu phát triển hệ thống CHK, SB...

5) Vẫn còn hiện tượng phụ họa, hùa theo của một số nhà làm truyền thông để câu khách khi bàn về CHK, SB...

1
 

 Những dự báo mới cần cập nhật cho quy hoạch hệ thống CHK, SB hiện nay và tương lai

* Về lĩnh vực CHK, SB:

Mặc dù qui hoạch mạng CHK, SB đã được thực hiện lần thứ nhất (1992 - 1997) rất công phu và khoa học, nhưng sau đó việc duy trì kiểm tra, kiểm soát, xử lý công tác triển khai thực hiện chưa thật sự nghiêm túc nên quy hoạch này bị phá vỡ một số mảng. Thêm vào đó, sự phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng hàng không và những ảnh hưởng đột xuất, tai hại của dịch bệnh, biến đổi khí hậu... cũng dẫn đến việc cần bổ sung, hoàn thiện, làm mới để quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển mang tính bứt phá, đồng thời tạo tiền để ngành HKVN sẵn sàng đi vào CMCN 4.0 và nền kinh tế số.

Cụ thể, việc quy hoạch CHK, SB phải bổ sung được yếu tố tự động hóa vào công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa các công trình CHK, SB. Các CHK, SB trong toàn hệ thống được khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa sẽ được lập trình thành các chương trình tự động luôn luôn giải quyết các bài toán sống để trực tiếp giúp người điều hành xử lý ra quyết định kịp thời. Mỗi CHK, SB sẽ có các chương trình tự động hóa về quản lý, bảo trì các công trình ngầm, công trình nổi, kế hoạch hóa việc bảo trì sửa chữa theo thời gian..., giúp cho con người theo dõi và ứng phó kịp thời theo diễn biến thực tế diễn ra.

Tiếp đến là hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, dây chuyền công nghệ tại các CHK, SB, nhất là khu vực nhà ga, sân đỗ, đường lăn, khu vực kỹ thuật, nhà kho, các khu chức năng... đều phải trang bị bổ sung theo yêu cầu của nền công nghiệp 4.0; sự kết nối toàn mạng CHK, SB Việt Nam theo yêu cầu mới một cách đồng bộ, thống nhất và nhuần nhuyễn với ứng dụng kỹ thuật số, Internet đấu nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo thông minh... đòi hỏi Ngành phải đầu tư rất lớn về mọi nguồn lực.

Tiếp đến đội ngũ nguồn nhân lực hàng không phải là nguồn nhân lực chất lượng cao, mang tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện, kỷ luật cao theo chuẩn mực quốc tế.

Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa rộng rãi đầu xây dựng, khai thác mạng CHK, SB Nhà nước đã có chủ trương, chính sách cần tiếp tục đẩy mạnh để có nhiều hơn các CHK đầu tư xây dựng theo phương thức xã hội hóa như Vân Đồn, hoặc xã hội hóa một phần như CHKQT Đà Nẵng, Cam Ranh...

Các CHK, SB trong giai đoạn mới của thế kỷ 21 không chỉ là nơi đưa, đón khách đi máy bay đơn thuần mà còn phải là các trung tâm du lịch, vui chơi giải trí, mua sắm, trung tâm văn hóa, thể thao, ngoại giao, nơi giao thương buôn bán, ký kết các hợp đồng hợp tác... của các đối tác trong nước và quốc tế. Các CHK, SB hướng tới trở thành như các thành phố thông minh với việc khai thác an toàn, điều hòa hiệu quả tối đa.

Sau cùng, các CHK, SB trong cuộc CMCN 4.0 còn là những công trình thành phần tương tác hài hòa với các khu đô thị xung quanh ở địa phương, với toàn quốc, với khu vực và thế giới. Đó là những trung tâm thông minh tạo ra nhiều giá trị sáng tạo mới của mọi người, mọi tổ chức và là những tụ điểm tập trung các cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ cơ bản, quan trọng nhất của ngành HKVN.

* Về lĩnh vực vận tải hàng không (các đội bay):

Các tàu bay trong nền công nghiệp 4.0 sẽ được ứng dụng nhiều thiết bị mới tiên tiến, hiện đại. Do đó, thiết bị mặt đất cũng phải tương thích theo. Nguồn nhân lực cũng đòi hỏi trình độ cao hơn. Nhà chức trách HKVN phải có chính sách và biện pháp cụ thể để quản lý thống nhất, đồng bộ, công khai, công bằng, kỷ luật chặt chẽ chất lượng, thứ bậc, chế độ đãi ngộ đối với nguồn nhân lực hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, hạn chế được sự cạnh tranh thiếu lành mạnh về nhân lực trong nội bộ Ngành.

Với những thay đổi ồ ạt và mạnh mẽ trong nền công nghiệp hàng không của thế giới trong cuộc CMCN 4.0 sẽ phát triển lên một tầm cao mới. Khi đó, nền công nghiệp của HKVN vừa mới manh nha, nền công nghiệp phụ trợ hàng không gần như là số 0... Đây là vấn đề lớn cần quan tâm ngay từ bây giờ khi làm quy hoạch. * Về lĩnh vực dịch vụ hàng không:

Lĩnh vực dịch vụ hàng không bao gồm dịch vụ đồng bộ và dịch vụ phi hàng không. Trong nền CMCN 4.0 đều sẽ có nhiều thay đổi toàn diện, sâu sắc và rất nhanh chóng. Việc hình thành các chuỗi dịch vụ hàng không sẽ rất nhanh với những sản phẩm mới, phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay từ lúc này, ngành dịch vụ HKVN cần phải tiến hành qui hoạch tổng thể và chi tiết toàn bộ hệ thống dịch vụ hàng không.

Việc sớm đưa ngành HKVN trở thành ngành hàng không công nghệ số (Digital Airline) theo xu thế của hàng không thế giới đã thành đòi hỏi thực tế.

Cuộc CMCN 4.0 có tác động rất mạnh, rất nhanh, sâu sắc và toàn diện đối với ngành Hàng không nói chung và doanh nghiệp hàng không nói riêng, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước về hàng không và các doanh nghiệp phải nhanh chóng, khẩn trương có sự chuẩn bị lớn về mọi nguồn lực để có thể đáp ứng được theo các yêu cầu mới.

Tóm lại, xoay quanh nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể hệ thống CHK, SB toàn quốc còn nhiều vấn đề để bàn luận. Trách nhiệm của những người trong cuộc hay ngoài cuộc đều cần thiết cầu thị, bình tĩnh, có cái nhìn toàn diện với ý thức xây dựng. Mong rằng, mọi người bình tĩnh, yên tâm và tin tưởng vào các cơ quan, đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ làm quy hoạch và chúng ta còn thời gian để góp ý kiến xây dựng để việc quy hoạch đạt được chất lượng cao, đưa ngành HKVN tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Ý kiến của bạn

Bình luận