Năm 2020 nhìn lại: Hàng không linh hoạt các giải pháp bay trong đại dịch

Tác giả: Cẩm Phú

saosaosaosaosao

Như chia sẻ của một vị CEO một hãng hàng không Việt Nam (HKVN): chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế! Quả thực, hàng không đang đối mặt với quá nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong muôn trùng khó khăn bủa vây ấy, HKVN vẫn kiên cường “bám trụ” bầu trời, linh hoạt các giải pháp để vượt qua khủng hoảng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.

Đi đầu chống dịch thực hiện nhiệm vụ chính trị, đối ngoại

Dù chịu thiệt hại nặng nề song các hãng HKVN luôn chủ động, tích cực phối hợp với các nhà chức trách trong và ngoài nước để vận chuyển người và trang thiết bị y tế chống dịch. Trong giai đoạn cả nước phòng, chống dịch Covid-19, các hãng HKVN thực hiện rất nhiều nhiệm vụ chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, hỗ trợ vận chuyển các trang thiết bị y tế khẩn cấp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 cho các địa phương có dịch. Hàng nghìn công dân Việt Nam từ Mỹ, Italya, Pháp, Đức, Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Nga, Thái Lan... đã được Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airway đưa về nước an toàn. Đặc biệt, công dân của nhiều nước cũng được các hãng HKVN bay hồi hương trong niềm cảm kích.

Với sự mệnh là Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines đã có nhiều chuyến bay thẳng vào tâm dịch để đón công dân Việt Nam về nước, đồng thời vận chuyển nhiều hàng hóa, thiết bị y tế giúp đỡ các nước bạn. Nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines đong đầy cảm xúc khi tất cả vì đồng bào, vì hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

hk

Chủ động, chuẩn bị tốt các kịch bản

Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản nhà nước, Bộ GTVT đã tổng hợp kiến nghị của các đơn vị hàng không để đưa ra những giải pháp tháo gỡ. Theo đó, Cục HKVN đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật; triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt...

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp của bệnh dịch, Bộ GTVT đã đề xuất có chính sách hỗ trợ chung đối với các hãng hàng không như: giãn thời gian nộp thuế; miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch. Trường hợp cân đối ngân sách khó khăn sẽ xin giảm 50% đối với loại thuế này. Trên thực tế, Tổng công ty Cảng HKVN (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không.

Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục HKVN cho biết, Cục đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không nghiên cứu báo cáo Bộ GTVT để trình Chính phủ ban hành các phương án để có thể mở lại hoạt động vận chuyển khách quốc tế đến Việt Nam với yêu cầu tuyệt đối đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, với sự hỗ trợ của Chính phủ đã góp phần giảm áp lực cho các hãng hàng không. Trong dự thảo gói hỗ trợ lần 2 cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng hướng trọng tâm, trọng điểm vào các giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không.

Linh hoạt các giải pháp, vượt qua thách thức

Trong bối cảnh khó khăn bao trùm lên nền kinh tế toàn cầu, các hãng HKVN đã chủ động, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp “tự cứu lấy mình”.

Theo đó, để giảm bớt khó khăn, Vietnam Airlines sẽ đẩy mạnh việc thanh lý tài sản cố định, thanh lý 9 tàu bay A321 Neo sản xuất năm 2007 - 2008 trong giai đoạn 2020 - 2021. Việc bán các tàu bay có tuổi thọ hơn 12 - 13 năm tuổi là phù hợp với định hướng đổi mới đội tàu bay của Tổng công ty với mục tiêu nâng cấp chất lượng dịch vụ, giảm chi phí khai thác bằng việc đưa các tàu bay công nghệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội vào khai thác.

Để tập trung mọi nguồn lực cho giai đoạn phục hồi, tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Vietnam Airlines đã đề xuất các cổ đông phương án không chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ nhằm đảm bảo ổn định nguồn vốn kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về vốn lưu động, số lợi nhuận còn lại để tạo dòng tiền và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng trong thời kỳ tiếp theo.

Ngoài ra, Vietnam Airlines đã chủ động cắt giảm tối đa các chi phí nội tại, đặc biệt là chi phí cố định như tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, tổ chức lại lực lượng lao động, giảm tiền lương.

Vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines. Trước đó, theo đề xuất của Vietnam Airlines, Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn với quy mô 12.000 tỷ đồng cho hãng, trong đó chia làm 2 phần: 8.000 tỷ đồng tăng vốn thông qua chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 4.000 tỷ đồng vay vốn với lãi suất ưu đãi.

Đối với Jetstar Pacific, hãng này cũng có sự thay đổi khá lớn khi đổi tên thành Pacific Airlines, khoác lên mình logo mới, bộ nhận diện mới, đặc biệt là chiến lược “thương hiệu kép” cùng Vietnam Airlines. Với việc đồng bộ hóa hệ thống bán và mạng bay, Pacific Airlines và Vietnam Airlines sẽ tăng cường hiệu quả khai thác, năng lực cạnh tranh trong cả phân khúc hàng không truyền thống lẫn chi phí thấp, vững vàng tiến vào giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, góp phần củng cố vị trí dẫn đầu của Vietnam Airlines Group tại thị trường HKVN.

Đối với hãng hàng không tư nhân Vietjet Air, ngay từ đầu năm 2020, hàng loạt kế hoạch, giải pháp quyết liệt đã được hãng bay tư nhân lớn nhất tại Việt Nam thực hiện như: mở rộng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hàng hóa, phát triển các sản phẩm dịch vụ SkyBoss, dịch vụ phụ trợ (ancillary), thẻ bay Power Pass... 

Trong giai đoạn dịch Covid-19, Vietjet Air cung cấp các giải pháp vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đa dạng, phục vụ khách hàng trong nước, quốc tế, mang tới nguồn doanh thu mới và ổn định. Song song với hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, các chuyên gia đàm phán của Vietjet Air cũng làm việc tích cực để thỏa thuận cắt giảm 30 - 70% giá, phí dịch vụ, gia hạn thời hạn thanh toán với các nhà cung cấp trọng yếu, các định chế tài chính tàu bay quốc tế, các ngân hàng trong và ngoài nước. Việc hỗ trợ này đã giúp Vietjet Air tăng thêm nguồn lực tài chính để tập trung vào các giải pháp tăng cường chất lượng dịch vụ, hoàn thiện dịch vụ, mở rộng mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, tăng cường và phát triển các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ thông tin như Mobile app, ví điện tử và tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị chi phí.

Đại diện Vietjet Air cho biết, khi dòng tiền kinh doanh vận tải hàng không sụt giảm, Vietjet Air quyết định chuyển nhượng danh mục đầu tư và một số tài sản đã tích lũy trong thời gian trước đó để tập trung nguồn vốn, tiền mặt nuôi dưỡng nguồn lực phục hồi khi hàng không bật tăng trở lại. Bên cạnh giải pháp trên, để có thể vượt qua khó khăn hiện nay, hãng đã và đang tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, với bình quân chi phí giảm 55% do giảm khai thác hơn 30 - 35% và giảm đơn giá chi phí từ 20 - 25%. Cùng với đó, Vietjet Air còn tích cực sử dụng nguồn nhiên liệu giá thấp theo chương trình mua trữ xăng dầu đã triển khai thành công vào tháng 5/2020, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường.

Đối với hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways, để đối phó với dịch bệnh, hãng đã huy động vốn từ cổ đông lớn, trong đó có Công ty mẹ là FLC Group; làm việc với các đối tác ngân hàng, định chế tài chính để huy động vốn và điều chỉnh điều khoản tài chính cho phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp thương thảo với đối tác, nhà cung cấp dịch vụ để có được các thỏa thuận về chi phí phù hợp.

Nhận định tình hình trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ ban hành những chính sách để giúp ngành HKVN phục hồi. Tuy nhiên, dự báo sắp tới ngành Hàng không vẫn đứng trước khó khăn lớn, khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, từ đó kéo theo hoạt động vận tải hàng không quốc tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà quản lý cần cùng nhau để đưa ra những giải pháp thích hợp.Về đường bay, hãng tập trung khai thác thị trường nội địa, mở các đường bay đến những điểm đến nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái của FLC; triển khai một loạt sản phẩm, combo mới, phù hợp với nhu cầu của thị trường và hành khách ở thời điểm đặc thù, từ đó giúp hãng cải thiện đáng kể doanh thu và đóng góp tích cực vào đà hồi phục chung của thị trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận