Ngăn chặn lái xe sử dụng chất kích thích:Cần những giải pháp căn cơ

Tác giả: Viết huy

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 23/06/2019 06:11

Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ TNGT thương tâm do lái xe uống rượu bia, ma túy cướp đi sinh mạng của nhiều người khiến dư luận vô cùng bức xúc.

2
Phòng CSGT cùng lực lượng Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Quảng Ninh) ra quân tại km118+900, QL18 thuộc địa phận TP. Hạ Long xử lý “ma men”

Trong Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường thủy nội địa đã cấm hoàn toàn người điều khiển phương tiện sử dụng các chất kích thích, điều khiển phương tiện khi trong máu, hơi thở có nồng độ cồn. Tuy nhiên, trên thực tế thì số người vi phạm vẫn còn rất lớn. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử phạt gần 50.000 trường hợp lái xe say xỉn. Có thể thấy, tình trạng lái xe vi phạm nồng độ cồn có xu hướng ngày càng tăng, số vụ TNGT có nguyên nhân từ rượu bia ngày một nhiều.

Phải chăng, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe? Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền rất cao so với bình quân thu nhập của người dân. Đơn cử, mức vi phạm (cao nhất) 0,4 miligam/01lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng. Tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 9/5 vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý về việc xử phạt nghiêm các trường hợp uống rượu bia, sử dụng chất kích thích sau đó tham gia giao thông. Phó Chủ tịch chỉ rõ những trường hợp uống rượu bia lái xe gây tai nạn trong luật đã có quy định rồi, nhưng có thể quy định hình thức xử phạt nặng đối với những người uống rượu bia khi lái xe, kể cả chưa gây tai nạn.

Mới đây, Bộ GTVT đang hoàn thiện, xin ý kiến Bộ Tư pháp và trình Chính phủ trong tháng 6 Nghị định sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt cao nhất tăng lên 34 đến 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 24 tháng. Tuy nhiên, chưa rõ mức xử phạt này đã đủ sức răn đe hay chưa, bởi phạt tiền chỉ là một phần của vấn đề. Việc tăng nặng mức xử phạt cần được hiểu không chỉ tăng tiền phạt mà phải có các hình thức bổ sung, phù hợp thực tiễn, có hiệu lực thi hành và bảo đảm tính răn đe.

Trao đổi với Tạp chí GTVT,  Đại tá Trần Sơn - nguyên Phó Trưởng phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT) cho biết, đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay bởi một bộ phận không nhỏ lái xe sử dụng các chất kích thích, sử dụng rượu bia gây nên nhiều vụ tai nạn thảm khốc. “Trước hết, tôi tán thành và ủng hộ việc tăng chế tài phạt tiền cũng như áp dụng một số biện pháp khác nặng hơn như tước Giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện đối với những lái xe có sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn hoặc lái xe có nồng độ cồn vượt mức quy định”, Đại tá Trần Sơn nêu quan điểm.

Tuy nhiên, mức phạt tiền hiện nay cao nhất của lái xe ô tô sử dụng rượu bia lên tới 18 triệu đồng, nếu so với mặt bằng lao động ở nước ta thì cũng gọi là cao. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đối với những người có phương tiện ô tô, có điều kiện kinh tế thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Vì thế, mới có chuyện dư luận đòi hỏi cần phải nâng cao chế tài, phạt tiền, đồng thời nâng cao xử phạt, phạt tù hoặc lao động công ích với lái xe sử dụng chất kích thích, nồng độ cồn mà chưa gây ra TNGT.

Chia sẻ thêm về ý kiến buộc lao động công ích với những trường hợp sử dụng rượu bia, Đại tá Trần Sơn cho hay, việc phạt lao động công ích là một ý mới, một số nước trên thế giới đã làm. Ở nước ta, ngoài phạt tù, phạt tiền thì phạt lao động công ích rất có tác dụng, còn nói nạo vét sông Tô Lịch, dọn rác thì nên coi đây là một ví dụ đề xuất. Trong khi chờ sửa đổi luật nên chăng Thường vụ Quốc hội có một nghị quyết có hiệu lực như một văn bản QPPL để xử lý những trường hợp tương tự nêu trên có đủ sức răn đe.

Về lâu dài, theo Đại tá Trần Sơn cần phải sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, sửa Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Đối với Luật Hình sự hướng vào nội dung coi hành vi uống rượu bia quá nồng độ cồn chưa gây TNGT có thể xem là hành vi có khả năng thực tế dẫn đến TNGT đặc biệt nghiệm trọng hoặc không đưa TNGT vào lỗi vô ý mà đưa vào lỗi cố ý gián tiếp. Điều đó có nghĩa, tài xế biết việc sử dụng rượu bia khi lái xe gây nguy hiểm cho người khác, mặc dù trong thâm tâm không hề mong muốn hậu quả tai nạn xảy ra, biết trước hành vi này là nguy hiểm cho xã hội mà vẫn cố tình thì đấy là hành vi gián tiếp. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, có biện pháp xử lý nghiêm khắc, thậm chí xử lý hình sự đối với lái xe say rượu bia, kể cả chưa gây tai nạn nhằm răn đe, ngăn chặn vi phạm về sau. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, qua đó giúp thay đổi hành vi - đó mới là mục tiêu cao nhất của xử phạt.

Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV, trong phiên chất vấn chiều ngày 4/6, trả lời đại biểu về quan điểm đối với tình trạng uống rượu bia gây TNGT, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình cho rằng, mọi người dân đều thấy nguy hiểm của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, gây tai nạn ảnh hưởng đến xã hội và chính bản thân tài xế. Pháp luật hiện hành có nhiều quy định để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, đơn cử như Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Chính phủ có Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTVT. Tới đây, Chính phủ sẽ sửa Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt tối đa đối với vi phạm giao thông, trong đó có vi phạm về nồng độ cồn.

Ý kiến của bạn

Bình luận