Nghị định 10 "nguội lạnh" trước nạn xe dù, bến cóc ở Hà Nội

Tác giả: Nhóm Pv

saosaosaosaosao
Bạn đọc 23/06/2020 07:13

“Xe dù, bến cóc” gây ra nhiều ẩn họa là vấn nạn gây bức xúc trong suốt nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm. Đặc biệt kể từ ngày 1/4/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực được kỳ vọng là "cây gậy pháp lý" dẹp loạn xe hợp đồng hoạt động trá hình vận chuyển hành khách tuyến cố định, tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh. Thế nhưng đã gần 3 tháng kể từ khi nghị định 10 có hiệu lực vấn nạn này ở Hà Nội chưa chuyển biến nhiều.


Xe “trá hình” vẫn trăm hoa đua nở

Ghi nhận thực tế của Tạp chí Giao thông Vận tải (GTVT), trong các ngày cuối tháng 6/2020, các xe hợp đồng “trá hình” xe chạy tuyến cố định vẫn ngang nhiên dừng đỗ, bắt khách trên địa bàn thủ đô. Điển hình nhất phải kể đến nhà xe mang nhãn hiệu “17-17 Phúc Cường” hoạt động chuyên tuyến Hà Nội - Thái Bình. Để qua mặt lực lượng chức năng, nhà xe này liên tục thay đổi địa điểm dừng đỗ, bắt khách. Cụ thể, khoảng 10h ngày 21/6, xe khách mang BKS: 17B-012.96 đã chuyển từ bến cóc đối diện 104 đường Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) sang văn phòng mới tại cổng trường tiểu học Mỹ Đình, cách vị trí cũ khoảng 200 mét. Các hoạt động đón trả khách của nhà xe này vẫn diễn ra bình thường, khách đi, khách đến tấp nập như 1 bến xe thu nhỏ.

20200610_100241
Hàng chục đầu xe Hợp đồng thương hiệu "17-17 Phúc Cường" mang BKS 17 (Thái Bình) ngang nhiên lập bến cóc tại đối diện 104, đường Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Hoạt động đón, trả khách diễn ra từ sáng sớm cho tới đêm muộn, tần suất 20 phút/chuyến. Tuy nhiên các lực lượng chức năng quận Nam Từ Liêm lại hay hề hay biết, khiến dư luận nghi ngờ có yếu tố bảo kê, chống lưng?

Ghi nhận thực tế trong khoảng thời gian này, 3 chiếc xe Ford Transit loại 16 chỗ, sử dụng phù hiệu Hợp đồng do Sở GTVT Thái Bình cấp, lần lượt mang BKS: 17B-002.xx, 17B-017xx, 17B-022xx đã đợi sẵn tại bến cóc mới, nhân viên nhà xe khẩn trương sắp xếp hành lý, chỗ ngồi cho hơn 10 hành khách, chuẩn bị di chuyển về khu vực Nam Định - Thái Bình.

Tương tự, nhà xe Hưng Long có địa chỉ văn phòng tại số 338 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội), đây cũng là bến cóc đón trả khách của nhà xe này. Tuy nhiên, để đối phó với lực lượng chức năng, nhà xe này sử dụng giấy phép vào phố cấm để đối phó. Hoạt động đón, trả khách của nhà xe Hưng Long diễn ra công khai mà không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Ngang nhiên hơn, nhà xe Hải Hiền tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, có địa chỉ văn phòng tại cầu vượt Vọng (Q. Hai Bà Trưng) cũng chính là bến cóc riêng của nhà xe này. Vào lúc 15h37 ngày 19/6, khoảng 30 khách đã xuống xe ngay tại bến cóc cũng là “thủ phủ” hoạt động nhiều năm liền của nhà nhà xe này. Hoạt động mua bán vé diễn ra công khai, trước thanh thiên bạch nhật, chỉ có chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông là không hề hay biết.

20200608_153730
 
SmartSelect_20200623-061520_Video Player
"Thủ phủ" đón, trả khách của nhà xe Hải Hiền (Thanh Hóa) tại cầu vượt Vọng (Hai Bà Trưng) án ngữ ngay trước chốt làm nhiệm vụ thuộc Đội CSGT số 4 - CA TP Hà Nội gây phản cảm và bức xúc.

Cũng theo ghi nhận của nhóm PV Tạp chí GTVT, ngày 22/6, các nhà xe Thuận Hiền (160 Trần Vỹ, Cầu Giấy), Đất Chè (Khu A5, KĐT Nam Trung Yên, Cầu Giấy), Phúc Xuyên (19 Mạc Thái Tổ, Cầu Giấy), Quang Tửu (số 2, Phạm Văn Đồng Cầu Giấy và 33 Trần Đại Nghĩa - Hai Bà Trưng), Long Giang (287 Phố Vọng, Đống Đa), Minh Dũng (70 Nguyễn Hoàng, Nam Từ Liêm),… vẫn hoạt động tấp nập, việc đón trả khách diễn ra công khai mà không bị cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Nghị định 10 “nguội lạnh” trước vấn nạn "xe dù, bến cóc"

Kể từ ngày 1/4/2020, Nghị định số 10/2020/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải của Chính phủ có hiệu lực bổ sung nhiều quy định siết chặt quản lý, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.  “Xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng hoạt động trá hình chở khách tuyến cố định là đối tượng phải xử lý nghiêm để giữ nguyên "kỷ cương phép nước". Tuy nhiên, việc thực hiện của các cấp, ngành và đặc biệt là của các đơn vị chức năng TP. Hà Nội thì vẫn như “đánh trống bỏ dùi”.

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định 86 cùng với những thay đổi về quy định pháp luật, quy định về kinh doanh vận tải hợp đồng, du lịch còn bất cập cũng như việc chậm trễ trong ứng dụng công nghệ trong quản lý dẫn đến tình trạng một số đơn vị sử dụng xe vận chuyển hợp đồng tổ chức dịch vụ theo hình thức tuyến cố định, cạnh tranh không bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.

20200608_154831
Nghiêm trọng hơn, xe khách 35B-010.90 (Ninh Bình) còn xộc thẳng vào đường Trường Chinh, Láng... để đón trả khách mà không hề bị xử lý.

Nghị định số 10 được ban hành đã giải quyết được những vấn đề bất cập như các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải như hiện nay hoàn toàn chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện đúng quy định (có thể lựa chọn là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc là đơn vị vận tải).

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cũng cho biết, Nghị định 10 khi đi vào cuộc sống sẽ tạo sự bình đẳng giữa các hình thức đơn vị kinh doanh. Các doanh nghiệp có quyền quyết định làm thế nào để dịch vụ tốt và an toàn, đảm bảo nghĩa vụ thuế của Nhà nước. Nghị định này sẽ loại bỏ các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông và đưa trách nhiệm của chủ xe khi xảy ra các sự cố như tai nạn giao thông.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 và khoản 5 Điều 8 của Nghị định 10, đến ngày 1/1/2022, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng thực hiện cung cấp đầy đủ các nội dung tối thiểu của hợp đồng vận chuyển về cơ quan quản lý; trên cơ sở các thông tin của hợp đồng vận chuyển, kết hợp với thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, hệ thống sẽ xác định các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp,các cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để kịp thời xử lý theo các quy định hiện hành.

Hiện đã có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm, nhưng ở đây, ngay cả những người đứng đầu lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và chủ tịch các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn TP.Hà Nội dường như vẫn nằm ngoài cuộc, để vấn nạn xe dù bến cóc tiếp tục hoành hành.

SmartSelect_20200623-061547_Video Player
Hãng xe Phiệt Học (Thái Bình) luồn lách qua nhiều tuyến phố nội đô, hoạt động trá hình, tổ chức đón trả khách hàng giờ đồng hồ dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, đơn vị cấp phép hoạt động cho hãng xe này là Sở GTVT Thái Bình lại không hề hay biết.

“Nếu không có sự bao che, phớt lờ của các lực lượng chức năng thì không “bến cóc” nào có thể tồn tại, không xe nào có thể “chạy dù”, vì “bến cóc” và những chiếc xe khách to lù lù, buộc phải đi trên đường, có giám sát hành trình chứ có phải cái kim nhỏ xíu đâu mà giấu được cơ quan chức năng?” - đại diện một nhà xe chạy tuyến cố định khẳng định như trên với phóng viên và đây cũng là câu hỏi mà ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đặt ra tại nhiều hội nghị khi nói về nạn “xe dù, bến cóc”.

Còn ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng thẳng thắn: “Nếu các lực lượng được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đúng chức trách theo Nghị định 10 và Thông tư 12 thì rất khó để “xe dù, bến cóc” lộng hành. Bởi thế mà dư luận nghi ngờ có sự bảo kê, tiêu cực… Chừng nào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và xử phạt vẫn buông lỏng thì chừng đó còn có xe dù lộng hành”.

Lý do khiến cơ quan chức năng nhiều năm không xóa được “xe dù, bến cóc” thường được đưa ra là lực lượng mỏng, ít quân, việc đón trả khách thường diễn ra ngoài giờ hành chính, vào lúc đêm khuya… nên dù ra quân rầm rộ nhưng xử lý xong, đâu lại hoàn đấy.

Còn dư luận thì chưa bao giờ hết hoài nghi về những lý do kể trên.

Ý kiến của bạn

Bình luận