Trạm thu phí Đại Xuyên. Ảnh: Thành Lương |
Theo đúng chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải, đối với kế hoạch triển khai các trạm thu phí không dừng (ETC) trên cả nước, từ nay đến hết năm 2020, Việt Nam cũng đã bắt đầu lắp đặt thêm các trạm thu phí tại Cần Thơ, Đắc Lắc, Hà Nội… nhưng một vấn đề đang đặt ra là, các xe sử dụng thẻ E-tag do các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau phát hành, chưa chắc thông tuyến với nhau.
Làn ETC đặt trên trạm Đại Xuyên thuộc quyền quản lý của Tổng công ty Phát triển Đường Cao tốc Việt Nam (VEC), nhưng trên thực tế trạm này là do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ (MBC) quản lý. Ngoài làn ETC, những làn khác trong trạm Đại Xuyên hiện vẫn đang được MBC khai thác.
Các chủ phương tiện đi tuyến Hà Nội – Ninh Bình, cho dù có thẻ E-tag vẫn phải dừng lại tại trạm Đại Xuyên, để lấy thẻ thường của MBC để qua trạm thu phí tiếp theo do MBC quản lý. Anh Hoàng Văn Hiểu, ca trưởng tại trạm Đại Xuyên nói, đã có khách hàng gay gắt với nhân viên thu phí, vì không hiểu tại sao đi qua trạm thu phí không dừng vẫn phải dừng.
Trước tháng 3/2016, các trạm thu phí ETC ở Việt Nam sử dụng tới 3 công nghệ Active DSRC, Passive DSRC và RFID, công nghệ khác nhau không thể liên thông với nhau, gây khó khăn cho người sử dụng. Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu tất cả các nhà đầu tư BOT khi triển khai các trạm thu phí không dừng sẽ chỉ sử dụng công nghệ RFID.
Tuy nhiên, ngay cả khi VEC triển khai các làn ETC trên tất cả các trạm thu phí do mình quản lý vào Quý 4/2016 tới và MBC cũng phải triển khai các làn ETC này thì chưa chắc người dùng đã sớm được sử dụng một thẻ E-tag để đi thông tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư BOT có thể ký kết với các đối tác công nghệ riêng, ngân hàng riêng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, sau khi Bộ GTVT chỉ định các trạm thu phí không dừng phải sử dụng RFID thì công nghệ không còn là vấn đề trong việc đồng bộ kết nối. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư BOT thống nhất liên thông với nhau trong việc thanh toán đồng bộ thì sẽ còn rất nhiều thủ tục pháp lý cần tháo gỡ.
Biển báo thử nghiệm hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: Thành Lương |
“BOT là ông nội, không dưới cơ của các Sở GTVT và cũng chẳng… dưới cơ của ai, họ có rất nhiều lý do, họ đầu tư luôn luôn cần có lãi và còn rất nhiều nhóm lợi ích, không dễ nghe ai, đó là cái khó. Bởi vậy mà phải có kiến trúc ITS (Giao thông thông minh) ngay từ đầu, mà Bộ GTVT cũng chưa thực hiện được”, vị này cho biết.
Hiện Tiêu chuẩn Việt Nam về ITS mới đang chỉ ở dạng dự thảo do Viện Khoa học và Công nghệ GTVT của Bộ GTVT xây dựng, vẫn chưa được Bộ GTVT thống nhất.
Theo Tiến sĩ Chu Công Minh, Phó Chủ nhiệm bộ môn tại khoa Kỹ thuật Xây dựng – Đại học Bách Khoa TP. HCM, nếu muốn đẩy nhanh tiến trình xây dựng hệ thống ETC trên các trạm thu phí toàn quốc, việc xây dựng kiến trúc ITS ngay từ đầu là rất quan trọng.
“Nếu Bộ GTVT xây dựng kiến trúc ITS thành công, Việt Nam có thể có một nền giao thông như Nhật Bản, một thẻ ETC có thể sử dụng để thanh toán vé tàu, vé xe Bus… trong giao thông đô thị”, ông Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Giao thông Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) cũng nói: “Bọn tôi không có chuyên môn về vấn đề này, nhưng tôi quan niệm người ta chỉ gắn một thẻ, một tài khoản là có thể đi được tất cả chứ… phải đồng bộ chứ, mấy chục trạm BOT mỗi ông một kiểu thì chết, chuyện đó thì không có được”.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.