Quy định gắn bình chữa cháy trong xe được thực hiện từ ngày 6/1/2016. |
Thông tư quy định về trang bị bình chữa cháy trên ôtô đã có hiệu lực, nhưng câu hỏi lớn nhất của người sử dụng là lắp đặt ở đâu thì an toàn và đúng chuẩn. Bởi ngay tại thông tư cũng không chỉ dẫn cụ thể.
Mercedes tại Việt Nam cho biết đang trong quá trình nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo về vị trí lắp đặt bình chữa cháy trên ôtô theo quy định mới của Bộ Công an. Dự kiến tuần tới hãng này mới đưa ra tư vấn. Tương tự, các đại lý Ford Việt Nam cũng chờ đợi câu trả lời từ nhà máy.
Theo nhân viên tư vấn kỹ thuật của hãng xe sang có showroom tại Quận 1, anh không thể tư vấn cho khách vị trí gắn bình cứu hỏa, bởi thực tế, không có tài liệu chỉ dẫn trong cuốn hướng dẫn sử dụng xe. Hiện nay đều theo kinh nghiệm hoặc thói quen truyền miệng.
Anh Đình Duy, một người đang sử dụng chiếc Mercedes C250 thì lựa chọn để bình cứu hỏa bên trong khoang hành lý, phía dưới chiếc lốp dự phòng. Lý giải cho vị trí cất giữ trên, anh cho biết không cảm thấy an tâm khi để bình cứu hỏa trong xe bởi độ an toàn của bình cứu hỏa nếu phải đậu xe lâu dưới trời nắng, mặc dù chiếc bình mới mua có tem kiểm định và thời hạn của bình được dán bên trên và có cảnh báo về nhiệt độ bảo quản bình chữa cháy.
Ngoài ra, theo anh này, nếu đủ để phát huy được hiệu quả của việc quy định trang bị bình chữa cháy trên ôtô, các cơ quan quản lý cần tổ chức các khóa huấn luyện sử dụng các loại chữa cháy cho tất cả các tài xế, bởi ngoài việc mua bình chữa cháy, không phải ai cũng biết cách sử dụng nó.
Vị trí gắn dưới ghế ngồi trước bên phụ trên xe ô tô được thực hiện ở một số nước. |
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, kỹ sư xe hơi từng có nhiều năm làm việc tại Đức, thì thông thường, việc trang bị bình chữa cháy chỉ quy định cho những xe đặc chủng, hoặc không, nếu quy định trang bị bình chữa cháy trên các loại ôtô, nhà nước cần đặt hàng sản xuất loại bình chữa cháy ôtô, có khả năng chịu được va đập, nhiệt độ cao mới bảo đảm an toàn khi lắp trên ôtô.
Ông Đồng cho biết thêm, nếu một chiếc ô tô thông thường đậu dưới trời nắng, nhiệt độ trong xe có thể lên đến trên 55 độ C, và nếu đậu lâu dưới ánh nắng mặt trời mạnh, không được che chắn, nhiệt độ trong xe có thể lên đến 80 độ C, vượt quá ngưỡng an toàn trong điều kiện bảo quản bình chữa cháy, dễ dẫn đến bình chữa cháy trở thành nguồn nổ gây nguy hiểm.
Trong các trường hợp nếu xảy ra thiệt hại do bình chữa cháy không được bảo quản trong đúng điều kiện, thì cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả và thiệt hại do bình chữa cháy gây nên.
Do đó, theo ông để an toàn, nếu việc gắn bình chữa cháy trong xe, nên chọn vị trí đậu xe mát mẻ để đảm bảo an toàn, hoặc không, cơ quan chức năng cần đặt hàng các đơn vị sản xuất cho ra đời các loại bình chữa cháy có khả năng chịu đựng được nhiệt độ cao.
Đức Quang
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.