Theo ông Thiên, Việt Nam sẽ bị tác động mạnh mẽ bởi cách mạng 4.0 với xu hướng tự động hóa. Những ngành sử dụng nhiều lao động vào công việc lắp ráp... sẽ bị ảnh hưởng. Ảnh: TL |
Nói chuyện tại hội thảo “Cách mạng 4.0 và chiến lược tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra hôm 16-9 tại TPHCM, ông Thiên đưa ra nhiều dẫn chứng cho lo ngại của mình.
Thứ nhất, khác với các cuộc cách mạng lần 1, lần 2 và lần 3 trước đây chỉ xuất phát điểm từ một lĩnh vực rồi lan ra, cách mạng 4.0 xuất phát từ tất cả và ảnh hưởng ngay lập tức tới mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của đời sống. Ông Thiên gọi đó là “ụp vào cùng lúc”.
“Tại hội thảo diễn ra cách đây một tuần, các doanh nghiệp giỏi nhất về công nghệ thông tin tại Việt Nam khi được hỏi về khả năng của Việt Nam với cách mạng 4.0 thì họ đều nói, 70-80% là không theo kịp. Có người còn nói trên 90%”, ông Thiên kể.
Thứ hai, theo ông Thiên, Việt Nam là một dân tộc thông minh nhưng lại tụt hậu. Trong lịch sử, Việt Nam đã ít nhất 2 đến 3 lần lỡ nhịp với các cuộc cách mạng công nghệ. Lần thứ nhất là năm 1976 khi đất nước vừa thống nhất, chủ trương “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt” được đặt ra nhưng đến năm 1996, mọi thứ không có gì. Lần thứ hai là năm 1996, “phát triển kinh tế tri thức” được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng nhưng rồi, “mọi thứ lại lụi dần”.
Ở lần này, ông Thiên với tư cách là người đã từng báo cáo về cách mạng 4.0 cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ cho rằng, nhận thức về 4.0 đã rất rõ ràng ở tầm cao nhất và Chính phủ cũng đã đưa ra những thông điệp mạnh mẽ. Tuy nhiên, cần có một thái độ nghiêm túc và chương trình hành động cụ thể.
Cách mạng 4.0 chắc chắn sẽ tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, an ninh – quốc phòng, cạnh tranh phát triển. Đặc biệt, với Việt Nam, một quốc gia vốn trông chờ vào gia công và xuất khẩu tài nguyên thì cuộc cách mạng này, với tự động hóa sẽ khiến một số lượng lớn người lao động mất việc, bị loại khỏi cuộc chơi. Quan trọng không kém là những giá trị xã hội, văn hóa thay đổi nhưng con người Việt Nam lại chưa thoát khỏi những giá trị cũ. Đó là chưa kể đến những vấn đề về an toàn thông tin, chiến tranh mạng, đảm bảo an toàn hệ thống…
Với bối cảnh đó, nếu không thay đổi, không vượt qua khỏi nó thì hậu quả rất khủng khiếp. Và chuyển đổi cũng còn phải trả giá bởi không dễ bỏ đi những cái cũ.
Theo ông Thiên, với cách mạng 4.0, mỗi nước có một lựa chọn, là một góc độ, một khía cạnh, một lĩnh vực trong đó. Việt Nam hiện có sự nhận thức rõ ràng, thống nhất và doanh nghiệp cũng khí thế. Cứ nhìn vào hoạt động khởi nghiệp có thể thấy phần nào điều đó. Vấn đề quan trọng của Việt Nam là làm sao lên được đoàn tàu cách mạng 4.0, dù là toa cuối cũng được. Điều này trông đợi vào doanh nghiệp.
“Đi sau thì phải mượn sức. Hội nhập quốc tế là để tiếp cận công nghệ, để có thể tiến vào cách mạng 4.0. Tôi bị ám ảnh với chuyện chúng ta bị bỏ lỡ. Nhưng cũng có chút niềm tin khi nhìn vào doanh nghiệp. Tất nhiên, đó là quá trình rất vất vả và phải trả giá rất nhiều”, ông Thiên kết luận.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.