Nguy hiểm rình rập cầu Bình Lợi qua vụ sập cầu Ghềnh tại Đồng Nai

Tác giả: Sơn Khê

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 25/03/2016 14:15

Không chỉ riêng Cầu Ghềnh, tại Tp.HCM cầu sắt Bình Lợi có tuổi thọ trên 100 năm cũng đang nằm trong diện "nguy hiểm" khi có nhiều vụ sà lan đâm vào.

IMG_1944
Một vụ va chạm giữa sà lan với cầu Bình Lợi khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn

Qua vụ tại nạn xảy ra tại cầu Ghềnh trên sông đồng Nai cho thấy hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh có cầu sắt Bình Lợi cũng có nét tương đồng như: cùng là cầu sắt cho tàu hỏa và phương tiện đường bộ đi chung, cầu có độ tĩnh không thấp, được xây dựng trên 100 năm.  Riêng cầu Bình Lợi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn do phương tiện thủy đâm va gây hư hỏng, làm gián đoạn giao thông.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2 Phòng Cảnh sát đường thủy Tp.HCM cho biết: Từ khi sự cố sập cầu Ghềnh xảy ra, Phòng CSĐT đã  đề nghị người điều khiển phương tiện chú ý khi lưu thông qua các tuyến sông rạch trên địa bàn thành phố chú ý. Chúng tôi cũng có thông báo khi hiện nay có nhiều cầu đường bộ có khoang thông thuyền có độ tĩnh không thấp và hẹp, tại một số cầu có dòng chảy không ổn định, thủy triều lên xuống nhanh để người điều khiển phương tiện lưu ý theo các báo hiệu hướng dẫn giao thông, chấp hành nghiêm theo hướng dẫn của lực lượng điều tiết giao thông tại khu vực đó.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vụ va chạm giữa sà lan với cầu Bình Lợi nghiệm trọng nhất là vào năm 2015. Thời điểm đó, chiếc sà lan khoảng 500 tấn chở bùn than lưu thông trên sông Sài Gòn khi qua cầu sắt Bình Lợi bất ngờ bị kẹt lại, sà lan này bất ngờ tông vào nhịp số 4, cabin đội lên cầu do vượt quá giới hạn chiều cao. Vụ va chạm làm nhiều thanh dầm bằng gỗ dưới cầu bị gãy, đường ray lệch khoảng 25 cm. Giao thông đường sắt trên địa bàn Tp.HCM bị kẹt lịa nhiều giờ.

Ông Mẫn cũng cho biết thêm, trước những nguy cơ sẽ xảy ra tai nạn cho khu vực cầu Bình Lợi Phòng CSĐT phối hợp với các cơ quan liên quan như: Cảng vụ hàng hải, Thanh tra giao thông vận tải, Cảng vụ đường thủy nội địa, Công an các quận, huyện có sông, kênh, rạch để tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các công trình, bến bãi hoạt động không phép. Đặc biệt là các bến nằm trong phạm vi hành lang an toàn cầu đường bộ và các công trình giao thông.

IMG_1963
Cầu Bình Lợi cũng đang đứng trước nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra va chạm với các sà lan

Đồng thời, Phòng CSĐT cũng sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông như: người lái phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phương tiện thủy không đăng ký hành chính, không đăng kiểm kỹ thuật, chở hàng quá mớn nước an toàn, chở người hoặc chở hành khách vượt quá sức chở của phương tiện; vi phạm quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện. Ngoài xử lý vi phạm còn buộc hạ tải đối với các phương tiện chở quá trọng tải phương tiện, quá số người quy định đối với các loại phương tiện chở khách, tàu cao tốc, tàu du lịch; đình chỉ hoạt động đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn, không đủ trang thiết bị an toàn theo qui định.

Tổ chức điều tra cơ bản, nắm tình hình TTATGT trên luồng, tuyến có dòng chảy phức tạp, những khiếm khuyết trong việc lắp đặt bố trí báo hiệu giao thông để kiến nghị cơ quan quản lý chuyên ngành khắc phục nhằm đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

Trước đó vào tháng 4/2015, Bộ GTVT đã tổ chức động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới và nạo vét luồng sông Sài Gòn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cảng Bến Súc (Bình Dương) theo hình thức đầu tư BOT (đầu tư - khai thác - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, gần một năm qua, dự án vẫn án binh bất động.

Nhìn những thiệt hại mà sự cố sập cầu Ghềnh gây ra, nhiều người dân hi vọng việc xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi sẽ sớm được triển khai lại để tránh những tai nạn kép sẽ xảy ra do hiện nay cây cầu này cũng có niên hạn trên 100 năm tuổi.

Ý kiến của bạn

Bình luận