Năm 2021, Nhật Bản có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) ít nhất trong lịch sử. Đây là một sự thay đổi hoàn toàn so với những năm 1960, khi nền kinh tế phát triển bùng nổ, hàng triệu người lái ô tô nhưng thiếu kinh nghiệm, khiến con số tử vong hàng năm do TNGT ở Nhật Bản cao gấp 6 lần so với hiện nay. Thời điểm đó, đường phố của quốc gia này nguy hiểm đến mức các nhà nghiên cứu Nhật Bản gọi hiện tượng này là "chiến tranh giao thông".
Nhật Bản hiện nay là một quốc gia tiêu biểu cho sự thành công trong công tác đảm bảo an toàn giao thông. Để có thể làm được điều này, Nhật Bản đã áp dụng nhiều giải pháp hữu ích, đáng kể nhất là việc phát triển hệ thống tàu điện siêu tốc.
Phát triển hệ thống tàu điện siêu tốc
Kể từ khi ra mắt tàu siêu tốc đầu tiên trên thế giới với tên gọi Shinkansen vào năm 1964, Nhật Bản đã nổi tiếng về tần suất, độ tin cậy và tốc độ của dịch vụ đường sắt. Các chuyến tàu liên tỉnh siêu nhanh với tần suất liên tục đã khiến nhiều người dân từ bỏ việc tự lái xe. Theo đó, có tới 15 chuyến tàu mỗi giờ rời Tokyo đến Osaka, mỗi chuyến tàu này di chuyển chưa đến 2,5 giờ trong khi tự lái ô tô sẽ mất ít nhất 6 giờ.
Việc di chuyển bằng đường sắt trong các thành phố của Nhật Bản cũng gây ấn tượng không kém. Với 285 nhà ga, Tokyo Metro có lượng hành khách hàng ngày nhiều gấp đôi so với tàu điện ngầm của thành phố New York (Mỹ). Các thành phố nhỏ hơn cũng cung cấp dịch vụ thiết thực và hiệu quả như: Fukuoka, thành phố 1,5 triệu người ở phía Nam, có tàu điện ngầm chạy giữa nhà ga thành phố chính và sân bay với một chuyến đi chỉ mất 6 phút.
Với hệ thống tàu điện ngầm và tàu siêu tốc, việc lái xe ô tô ở Nhật Bản trở thành một lựa chọn hơn là một sự cần thiết. Dịch vụ đường sắt Nhật Bản cũng đặc biệt an toàn - nổi bật là tàu siêu tốc, cho đến nay chưa có một vụ tai nạn chết người. Hệ thống tàu điện an toàn này đã thu hút phần lớn người dân Nhật Bản, họ lựa chọn sử dụng phương tiện công cộng thay vì ngồi sau tay lái.
Khác với nhiều quốc gia, nhiều khu dân cư Nhật Bản không có bãi đậu xe trên đường. Chủ sở hữu ô tô phải có "chứng nhận garage" buộc họ phải tìm được chỗ đỗ qua đêm trong nhà hoặc tại khu để xe dân cư. Chính sách "cấm đỗ xe gián tiếp" trên đường phố đã thúc đẩy việc di chuyển bằng các phương thức khác như phương tiện công cộng hoặc xe đạp; góp phần giảm thiểu TNGT. Đồng thời, việc không có bãi đậu xe trên đường phố giúp tăng cường khả năng quan sát cho người lái xe, người đi bộ và người đi xe đạp tại các giao lộ.
Giải pháp này đang được Philippines học hỏi và áp dụng. Theo các nhà quản lý của Philippines, hiện nay, người dân tại Thủ đô Manila đang phải chịu đựng sự tắc nghẽn "kinh hoàng" cũng như ô nhiễm thì việc áp dụng giải pháp trên của Nhật Bản sẽ là một hướng đi hợp lý nhằm giảm thiểu tắc nghẽn, khí thải và cải thiện an toàn giao thông đường bộ.
Hỗ trợ xe ô tô nhỏ - minicar
Nhật Bản hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường các phương tiện ô tô nhỏ phù hợp với cuộc sống đô thị (xe kei). Đây là loại phương tiện nhỏ hơn và nhẹ hơn đáng kể so với xe ô tô thông thường.
Từ góc độ an toàn, những chiếc xe kei nhiều lợi ích hơn khi so sánh với những chiếc SUV và xe tải kiểu Mỹ. Trọng lượng nhẹ của chúng tạo ra ít lực hơn khi va chạm và phần đầu xe cứng cáp giúp giảm điểm mù cho người lái. Các nghiên cứu cho thấy, những người ngồi trong xe kei cũng an toàn như những người ngồi bên trong các phương tiện cỡ lớn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.