Nhiều giải pháp hiện đại hóa công tác thu phí tự động không dừng

Tác giả: Khánh Lê

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/08/2021 12:22

Bằng nhiều giải pháp từ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp để áp dụng thu phí không dừng nhằm công khai, minh bạch nguồn thu với người dân và xã hội, đến nay, hệ thống thu phí tự động không dừng đã được triển khai rộng khắp cả nước, mang lại hiệu quả tích cực.

 

2
Ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh cho dịch vụ thu phí tự động không dừng

Đã lắp đặt 112 trạm thu phí không dừng

Theo thống kê của Tổng cục ĐBVN, tính đến ngày 30/6 đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, trong đó, Bộ GTVT quản lý 80 trạm, địa phương quản lý 32 trạm, bao gồm 77 trạm thuộc dự án BOO1 và 35 trạm thuộc dự án BOO2. Hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 đã được kết nối để đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng 1 thẻ thu phí tự động không dừng để lưu thông qua 112 trạm thu phí có lắp đặt hệ thống thu phí không dừng.

Ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN) cho biết, hiện đã có 60 trạm lắp đủ 100% các làn thu phí ETC (4 - 8 làn), 33 trạm đã lắp hơn 3 làn thu phí ETC, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn thu phí.

Cũng theo ông Toàn, hiện trên hệ thống quốc lộ có 8 trạm không thể triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do đặc thù, gồm: trạm km1747 đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Lợi, Thái Hà là các trạm thu phí có doanh thu quá thấp; trạm Bờ Đậu - QL3, trạm T2 - QL91 chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư và 3 trạm QL51 có thời gian thu phí còn lại ngắn dưới 3 năm (Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án dừng, dãn tiến độ triển khai 8 trạm này tại văn bản số 10943/VPCP-CN ngày 29/12/2020). Ngoài ra, có 1 trạm (Cai Lậy) đã lắp đặt nhưng chưa tổ chức thu phí.

Đường cao tốc có 4 hệ thống thu phí kín của VEC chưa triển khai do vướng mắc về nguồn vốn, phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định tái cơ cấu các dự án của VEC. Đường địa phương có 3 trạm thu phí (trạm thu phí QL39B tỉnh Thái Bình, trạm thu phí ĐT768 tỉnh Đồng Nai và trạm thu phí đường Nguyễn Văn Linh TP. Hồ Chí Minh) chưa triển khai. Đối với các trạm thu phí này, UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thái Bình đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh thời hạn thực hiện và dừng triển khai thực hiện.

1
Dán thẻ cho phương tiện

 Gần 2 triệu xe ô tô đã dán thẻ

Để phát huy hiệu quả của việc thu phí không dừng, Tổng cục ĐBVN và các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải dán thẻ để nhận diện khi qua các trạm thu phí. Các điểm dán thẻ miễn phí được đặt tại các trạm đăng kiểm, thu phí và các nhà cung cấp đến tận các doanh nghiệp vận tải để vận động chủ doanh nghiệp lắp đặt.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Giao thông số (VDTC) - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), chỉ sau hơn 4 tháng khai trương, ePass đã triển khai cung cấp dịch vụ tại gần 3.000 điểm dịch vụ cố định và gần 20.000 cộng tác viên lưu động, phục vụ dán thẻ thu phí tự động cho gần 550.000 khách hàng trên toàn quốc, chiếm 1/3 số lượng phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng trên toàn quốc. Ông Bùi Trình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số chia sẻ, việc ePass khai trương dịch vụ thu phí không dừng giúp số lượng trạm thu phí không dừng đạt trên 90% số lượng trạm thu phí trên toàn quốc, là tiền đề góp phần tăng cao nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân trên toàn quốc từ 26% lên gần 40%, tỷ lệ khách hàng có hành vi nạp tiền sử dụng dịch vụ tăng từ 35% lên gần 50%. Mục tiêu chuyển đổi nhanh sang thu phí tự động toàn diện đang trở nên rõ rệt hơn khi tỷ lệ phương tiện dán thẻ ePass lưu thông qua làn ETC tăng trưởng bình quân 60% mỗi tháng.

Ông Tô Nam Toàn cho biết, qua theo dõi và thống kê thì dự án BOO1 đã triển khai dán được 1,1 triệu thẻ; dự án BOO2 đã triển khai dán được khoảng 800.000 thẻ. Số lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 60%. Lưu lượng xe sử dụng dịch vụ ETC qua trạm thu phí đạt được khoảng 30 - 70% lưu lượng xe qua trạm thu phí.

Để nâng cao hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện cả hai dự án BOO đang trong giai đoạn hoàn thiện nên còn tồn tại, phát sinh nhiều lỗi khi xử lý giao dịch liên thông giữa hai dự án, dẫn đến phát sinh khối lượng, nhân lực để khắc phục, xử lý các công việc này. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí với các trạm thu phí do nhà đầu tư BOT đầu tư và vận hành (đặc biệt là các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) để xử lý các giao dịch bị lỗi hoặc có khiếu nại của khách hàng về việc thu phí chưa đúng (bị lặp, sai loại xe...) chưa kịp thời, gây bức xúc cho chủ phương tiện. Các trạm do nhà đầu tư BOT đầu tư và vận hành có hiện tượng xuất hiện lỗi nhiều hơn so với các trạm do nhà cung cấp dịch vụ vận hành, đặc biệt đối với các giao dịch kết nối BOO1 - BOO2. Do giao dịch kết nối nhiều bên nên chưa đánh giá được chính xác nguyên ngân gây ra lỗi. Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ, khả năng lỗi là do hệ thống Front-End tại trạm. Tổng cục ĐBVN đang tiếp tục phối hợp với các bên để phân tích, đánh giá nguyên nhân gây ra lỗi để có biện pháp giải quyết nhằm công khai minh bạch công tác thu phí.

Ý kiến của bạn

Bình luận