Năm 2021, dưới tác động của dịch Covid-19, Bộ GTVT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tạp chí Giao thông vận tải điểm lại các dự án, công trình giao thông lớn đã hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2021.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (khánh thành ngày 7/1/2021). Đây là công trình giao thông đầu tiên được hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2021. Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long hoàn thành sau khoảng 6 tháng thi công, vượt tiến độ 10 ngày so kế hoạch. Dự án do Tổng cục đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, kinh phí xây dựng dự án khoảng 269 tỷ đồng. Việc hoàn thành việc sửa chữa cầu Thăng Long sẽ khớp nối đồng bộ với tuyến đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, tạo thành trục xuyên suốt kết nối trung tâm TP.Hà Nội đến sân bay Nội Bài và khu vực lân cận. |
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội vượt sông Lam, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (khánh thành ngày 14/3/2021). Công trình cầu Cửa Hội khởi công ngày 15/2/2019 với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng do Ban QLDA6 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 5,27km, trong đó, phần cầu dài 1.728m, bề rộng cầu nhịp chính 18,5m, bề rộng cầu dẫn 16m. Cầu Cửa Hội được thi công bằng công nghệ EXTRADOSED (kết hợp giữa đúc hẫng cân bằng và dây văng). Đây cũng là cây cầu đầu tiên ở Việt Nam tiến hành đúc hẫng nhịp dài tới 153m (các cầu trước chỉ 120m). Cầu Cửa Hội hoàn thành không chỉ đáp ứng mong mỏi của nhân dân 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh mà còn kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông trong khu vực. Đặc biệt, cầu kết nối với tuyến đường ven biển có ý nghĩa quan trọng trong liên kết vùng, liên kết các khu kinh tế, khu du lịch, tạo động lực phát triển vùng ven biển, kinh tế biển, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương trong khu vực. |
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (hoàn thành ngày 6/11/2021). Dự án dài 13 km, tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Công trình sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Dự án do Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Đây là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của Thủ đô được đưa vào khai thác, là tuyến đường sắt khối lượng lớn, vận chuyển đúng giờ, sẽ giải quyết ùn tắc phía Tây của Hà Nội. |
Dự án cải tạo mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (hoàn thành tháng 6/2021). Công trình có chiều dài khoảng 103km, đi qua địa phận 4 tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 900 tỷ đồng do Ban QLDA7 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Công trình hoàn thành đưa vào khai thác giúp các phương tiện lưu thông từ Cà Mau đến Cần Thơ rút ngắn được khoảng 40km so với đi QL1, giảm thời gian di chuyển khoảng 45 phút. |
Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, tỉnh Trà Vinh (hoàn thành tháng 12/2021). Dự án cải tạo nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn dài 43km, tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng do Ban QLDA7 (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Dự án hoàn thành không chỉ rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần giúp địa phương đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư phát triển các dự án khu vực biển và ven biển, nơi có nhiều công trình trọng điểm như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, khu Kinh tế Định An, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu,… |
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, trong năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác 14 công trình dự án giao thông. Ngoài các dự án trên còn có thêm các dự án khác đã hoàn thành, gồm: Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (hạng mục các cầu nhánh lên xuống bổ sung vào dự án); Dự án nâng cấp QL30, đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; Dự án QL27, đoạn tránh Liên Khương,… |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.