Nỗ lực, đoàn kết vượt khó năm 2021
Sáng nay (5/1/2022), Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022. Đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐSVN Vũ Quang Khôi cho biết, trong năm 2021, ngành GTVT gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt do dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng ở nhiều địa phương; thêm vào đó là một số nhiệm vụ lớn, phức tạp tăng thêm trong năm do Bộ GTVT giao cho Cục ĐSVN. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Bộ GTVT, sự phối hợp của các cơ quan, các bộ, ngành, địa phương, Cục ĐSVN đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn hành tốt các mặt công tác và đạt được nhiều kết quả tốt.
Trong năm 2021, Cục ĐSVN đã hoàn thành 100% công tác xây dựng văn bản QPPL và công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng. Cục đã trình Bộ GTVT 09 văn bản QPPL; tổ chức rà soát toàn bộ 35 văn bản QPPL trong lĩnh vực đường sắt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch đề án, các dự án, đề xuất đầu tư, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, chất lượng, tiến độ yêu cầu; trong đó hoàn thành Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT đã tổ chức công bố theo quy định; hoàn thành xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với báo cáo cuối kỳ Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Cục đã chủ trì, phối hợp với Tư vấn viện 5 (Trung Quốc) tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị và đã trình Bộ GTVT xem xét chấp thuận để làm thủ tục bàn giao, tiếp nhận kết quả dự án.
Bên cạnh đó, Cục đã rà soát, đề nghị Bộ GTVT cho phép lập 05 quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch 12 ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế để quản lý quỹ đất cho phát triển đường sắt và triển khai đầu tư, kêu gọi đầu tư các dự án theo thứ tự ưu tiên. Cục đã đề xuất Bộ GTVT cho phép luật Hồ sơ quản lý hành lang ATGTĐS và cắm mốc giới hành lang ATĐS, đã được Bộ GTVT đưa vào kế hoạch bảo trì KCHTĐS năm 2022; cũng như hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành để Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư; đã trình Bộ GTVT theo đúng tiến độ 02 dự thảo Đề án: Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đường sắt; Đề án “Nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ GTVT quản lý, giai đoạn 2021-2030”…
Về công tác quản lý nhà nước trong hoạt động vận tải đường sắt, Cục ĐSVN đã chủ trì xây dựng, trình Bộ GTVT ban hành 04 Quyết định hướng dẫn tạm thời đối với hoạt động vận tải đường sắt thích ứng với tình hình dịch Covid-19; thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong vận tải đường sắt; thường xuyên thực hiện kiểm tra, ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, cũng như tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong năm 2021, Cục ĐSVN đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm đối với dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu tiến độ công tác bàn giao của dự án, nhu cầu của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị Hà Nội.
Công tác đảm bảo trật tự, ATGT đường sắt tiếp tục được chú trọng, duy trì thường xuyên công tác phố hợp lực lượng chức năng và Tổng công ty ĐSVN triển khai hoạt động phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo TTATGTĐS.
Năm 2021 là năm đầu tiên Cục ĐSVN được giao nhiệm vụ ký và quản lý Hợp đồng đặt hàng bảo trì KCHTĐS, đây là nhiệm vụ lớn và phức tạp nhưng Cục ĐSVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Cục đã xây dựng, trình Bộ phê duyệt Quy định về cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng; quy chế kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì KCHT ĐSQG; xây dựng và ban hành quy trình quản lý chất lượng và bảo trì công trình để tổ chức quản lý và thực hiện hợp đồng bảo trì KCHTĐS.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2021, Cục trưởng Cục ĐSVN cũng chỉ ra những tồn tại, khó khăn của Cục trong năm qua như: Đề án Quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư đã được Bộ GTVT chấp thuận và trình Thủ tướng Chính phủ nhưng tiến độ thẩm định, phê duyệt Đề án còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo trì, khai thác tài sản KCHTĐS; tiến độ phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, thẩm định phê duyệt hồ cần tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ; công tác thanh, kiểm tra ATGTĐS gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh; công tác đàm phán phương án điểm nối ray đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai chưa đạt được tiến độ…
Tập trung thực hiện 100% nhiệm vụ năm 2022
Trong năm 2022, Cục ĐSVN khẳng định tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 9 nhiệm vụ do Bộ trưởng chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết cuối năm 2020 của Cục; tiếp tục phối hợp với các Vụ thuộc Bộ để báo cáo, giải trình các ý kiến tiếp theo để Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, Cục sẽ tập trung hoàn thành Quy hoạch chi tiết các ga đường sắt quốc gia hiện có trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế để quản lý đất dành cho đường sắt theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và kêu gọi đầu tư; chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương tiế tục giới thiệu, công bố quy hoạch tuyến đường sắt; tiếp tục phối hợp để đẩy nhanh tiến độ đàm phán phương án điểm nối ray đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai; đề xuất Bộ GTVT xây dựng đề án hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Cục để đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tăng thêm; tập trung thực hiện công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cho năm 2022 và các năm tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Cục Đường sắt Việt Nam trong năm 2021, đồng thời chỉ ra những tồn tại mà Cục ĐSVN cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới bởi năm 2022 dự báo là một năm đầy thách thức đối với vận tải nói chung và vận tải đường sắt nói riêng. Cục ĐSVN cần tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chủ động đề xuất thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; phát huy đúng vai trò chủ thể quản lý nhà nước để triển khai thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Cục ĐSVN cần khẩn trương phối hợp với các Vụ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo giải trình để Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng tài sản KCHTĐS quốc gia; tiếp tục rà soát văn bản QPPL theo hướng tiếp cận các luật khác để tăng hiệu quả công tác quản lý; tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác để đánh giá tổng thể đường sắt tốc độ cao; xây dựng cơ chế riêng để triển khai Luật Đường sắt nhằm thu hút đầu tư, xã hội hóa đường sắt.
Thay mặt tập thể cán bộ, công chức Cục ĐSVN, Cục trưởng Vũ Quang Khôi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, nghiêm túc đưa vào chương trình nhiệm vụ năm 2022. Đồng thời, Cục trưởng Vũ Quang Khôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GTVT và sự phối hợp của các đơn vị để Cục ĐSVN nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong năm 2022.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.