Những kỹ năng quan trọng để sống sót khi tàu bị chìm

Tác giả: Huy Lộc

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 02/08/2022 15:27

Khi buộc phải rời bỏ tàu, người bình thường không sử dụng nước ngọt và thực phẩm trong 24h đầu tiên để phòng có thể thời gian chờ cứu giúp kéo dài.

 

Hội nghị tuyên truyền do Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức ngày 1-2/8/2022 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Tp.Hải Phòng).

Hội nghị tuyên truyền do Cục Đường thủy nội địa VN tổ chức ngày 1-2/8/2022 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Tp.Hải Phòng).

Ngày 1-2/8, tại Trường Đại học Hàng hải VN (TP.Hải Phòng), Cục Đường thuỷ nội địa VN tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thuỷ nội địa.

Một trong chuyên đề được TS. Mai Xuân Hương trao đổi tại hội nghị là “Các kỹ năng phòng tránh và duy trì sống sót trên biển - vùng nội thủy”, nhằm bổ sung kiến thức cho các thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động trên biển nói chung và tàu VR-SB hoạt động tuyến ven biển nói riêng.

Theo TS. Mai Xuân Hương, con tàu là phương tiện tốt nhất để ta duy trì sự sống. Do vậy, khi tàu gặp tai nạn nguy hiểm toàn bộ thuyền viên phải tìm mọi biện pháp, mọi khả năng để cứu tàu và việc rời bỏ tàu chỉ thực hiện khi tất cả các phương pháp áp dụng không mang lại hiệu quả. Có nghĩa là chỉ rời bỏ tàu (là phương sách cuối cùng) khi không còn cách nào khác và khi tàu mẹ đã trở thành mối đe doạ thực sự cho sinh mạng con người.

Thuyền trưởng mới là người có quyền phát lệnh rời bỏ tàu và chỉ huy mọi hoạt động rời bỏ tàu. Các sỹ quan phụ trách từng bộ phận phải báo cáo thường xuyên việc thực hiện các công tác chuẩn bị rời bỏ tàu của bộ phận mình cho thuyền trưởng nắm được và kịp thời xử lý các tình huống phức tạp nhằm đảm bảo việc rời tàu nhanh chóng và an toàn nhất.

Trước khi rời bỏ tàu thuyền viên phải có sự chuẩn bị tinh thần, giữ tâm lý bình tĩnh cho bản thân và hành khách (đối với tàu khách), tuyệt đối tránh hoảng hốt để không xảy ra tai nạn, sự cố trong quá trình rời tàu. Cùng đó, chuẩn bị thiết bị an toàn, hành lý cá nhân cần thiết, giấy tờ của tàu và cá nhân. Thuyền viên phải có trách nhiệm chuẩn bị, hạ các phương tiện cứu sinh khi phải rời bỏ tàu. Chỉ huy và điều hành toàn bộ mọi công việc trong suốt quá trình.

"Điều quan trọng trước khi rời tàu là phải phát được bản tin cấp cứu thông báo chính xác vị trí tàu bị nạn. Bằng mọi giá phải phát được bản tin cấp cứu qua GMDSS", theo TS. Mai Xuân Hương.

Điều quan trọng trước khi rời tàu là bằng mọi giá phải được phát bản tin cấp cứu qua GMDSS - Ảnh internet

Điều quan trọng trước khi rời tàu là bằng mọi giá phải được phát bản tin cấp cứu qua GMDSS - Ảnh internet

Các biện pháp an toàn

Sau khi rời bỏ tàu các phương tiện cứu sinh phải nhanh chóng tách xa tàu một khoảng cách an toàn và nên tập trung lại với nhau không nên đi quá xa khu vực bị nạn. Phải tìm mọi biện pháp để giữ nổi cho các phương tiện cứu sinh, chống lật, chống chìm. Chống mất nhiệt bằng cách mặc ấm, giữ khô, hạn chế các hoạt động không cần thiết.

"Đặc biệt là những người phải nhảy xuống chỉ có áo phao hoặc bất cứ vật nổi nào, nên giữ cho người nổi ở tư thế ít mất nhiệt nhất và hạn chế vận động. Nếu có động người thì tập kết lại, ôm ấp nhau nhưng tuyệt đối không được dùng dây buộc chặt người này với người kia.

Và đề phòng thời gian chờ đợi sự cứu giúp có thể kéo dài cần phải tiết kiệm nước ngọt và thực phẩm. Lời khuyên là trong vòng 24 giờ đầu tiên tính từ khi rời bỏ tàu không được sử dụng nước ngọt và thực phẩm, trừ người ốm và người bị thương mất máu nhiều", TS.Hương đưa ra lời khuyên. 

Đối với khẩu phần ăn và nước uống trong ngày nên chia làm 3 phần, lấy 1/3 cất kỹ dự trữ, còn 2/3 chia đều cho số người và số ngày dự đoán sẽ được cứu. Sử dụng phải chia ít nhất 3 lần trong ngày, khi dùng nên ăn và uống phải nhấm nháp từ từ, chậm dãi để giảm bớt cảm giác đói khát. Cơ thể cần nước uống nhiều hơn ăn nên chống tình trạng mất nước

Và để sớm được cứu, trước khi rời tàu bằng mọi giá phải phát được bản tin cấp cứu qua GMDSS. Còn sau khi rời bỏ tàu phải dùng hiệu quả các phương tiện sẵn có để kêu gọi sự cứu giúp và phải cử người thường xuyên cảnh giới. 

Tàu chở khách cao tốc chở khách cấp VR-SB hoạt động tuyến ven biển - Ảnh internet

Tàu chở khách cao tốc chở khách cấp VR-SB hoạt động tuyến ven biển - Ảnh internet

Một số phương pháp kéo dài sự sống

Nếu phải rời bỏ tàu, khi có thể cố gắng tránh xuống nước lạnh (nếu phải xuống nước thì xuống từ từ, xuống từ điểm càng thấp càng tốt). Nếu phải xuống nước, cần lưu ý là mặc nhiều quần áo sẽ giảm phản ứng ban đầu khi ngâm trong nước lạnh và giảm cơ hội gặp phải các vấn đề về tim mạch.

Bạn cần phải giữ bất động trong nước: thổi còi hoặc kêu to để gây chú ý nhưng đừng vẫy tay trừ khi mặc áp phao hoặc có các vật khác hỗ trợ nổi;

Nếu bơi, thì nên bơi ngửa chỉ dùng chân nếu có thể (và gập tay trước ngực để giữ nhiệt), còn sử dụng tay để bơi sẽ gây mất nhiệt nghiêm trọng.  Bạn cần duy trì sự tỉnh táo và quyết đoán để sống sốt từ đầu đến cuối, đừng buông xuôi quá nhanh.

Duy trì sự sống cho người bị nạn

Ưu tiên đầu tiên cho người bị nạn trên biển là chống khát, với lượng nước tối thiểu là phải được cung cấp trên xuồng cứu sinh là 0.5 lít nước/ngày/người. Do đó, phải hết sức tiết kiệm nước và luôn có dụng cụ hứng nước mưa. Khi có thời cơ phải tranh thủ bổ sung nguồn nước (hứng nước mưa, thậm chí dự trữ cả nước tiểu của mình…).

 Một số trường hợp sử dụng nước biển pha với nước ngọt để sử dụng chống khát. Tuy nhiên lượng nước biển sử dụng không được quá 200-300 ml/ngày/người. Không được uống nước tiểu khi vẫn còn nước ngọt, vì nước tiểu người bị nạn chứa nhiều chất độc hại, uống vào gây nôn mửa làm tăng thêm mất nước cho người.

Để duy trì sự sống cần chống đói, và cá, chim bắt được trên biển là nguồn bổ sung thức ăn tươi rất tốt, nhưng không được ăn nhiều cùng một lúc. Nên tránh ăn các loại cá độc, ươn, thối, chết và không ăn gan, trứng cá.

Cơ thể người bị nạn cũng cần phòng chống nóng, nhiễm lạnh (tùy theo mùa) bằng cách dùng vải bạt, quần áo, chăn màn để che chắn nắng, nước tạt, gió rét. Nên tận dụng các loại quân áo, chăn màn mang theo khi rời tàu để đắp, mặc cho ấm. Nếu quần áo bị ướt thì hong phơi ban ngày, tối đến lại mặc vào.  

Người bị nạn không nên cử động nhiều để giữ nhiệt năng cho cơ thể. Thỉnh thoảng vận động chân tay bằng cách xoa bóp làm cho máu lưu thông, chống lạnh cục bộ. Sử dụng khẩu phần ăn hợp lý để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể. 

Tham dự hội nghị Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, bồi dưỡng kiến thức phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thuỷ nội địa có 175 đại biểu đại diện cho các Sở GTVT, cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đường thủy.

Theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Tống Hoàng Kha, hội nghị nhằm nâng cao kỹ năng, hiểu biết trong quá trình quản lý doanh nghiệp, các tổ chức đặc biệt đối với người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa trên vùng nước nội thuỷ và trên luồng hàng hải cũng như nâng cao năng lực phòng chống thiên tai để hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản do thiên tai hoặc do con người gây ra.

Ý kiến của bạn

Bình luận