Những phương thức, công nghệ đáng chú ý được áp dụng trong điều hành bay 30 năm qua

Tác giả: M.Thành

saosaosaosaosao
Ứng dụng 15/04/2023 09:53

Việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay, đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không trong nước và quốc tế những năm qua.

Dự kiến tháng 6/2023 áp dụng phương thức bay PBN tại tất cả 22 sân bay

Những phương thức, công nghệ nào được áp dụng trong điều hành bay 30 năm qua?   - Ảnh 1.

Từ năm 2017, tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận sân bay Nội Bài đã đưa vào ứng dụng công nghệ mới: Hệ thống dẫn đường khu vực, được thiết lập dựa trên xử lý dữ liệu từ các vệ tinh, các đài dẫn đường, radar giám sát và rất nhiều trang thiết bị phụ trợ trên khắp cả nước.

Vào tháng 12/1994, hơn 1 năm sau ngày thành lập Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (20/4/1993), Trung tâm Kiểm soát đường dài Hà Nội (ACC/HAN) đã được đưa vào hoạt động. Đến ngày 27/5/1995, chính thức áp dụng phương thức kiểm soát radar thuộc FIR Hà Nội cùng với phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, Việt Nam đã đưa phương thức quản lý bay, quản lý vùng trời từ nghe - nói sang nghe - nói - giám sát.

"Việc áp dụng phương thức kiểm soát radar đối với các hoạt động bay là sự kiện quan trọng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điều hành bay của ngành hàng không dân dụng Việt Nam và tăng cường công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động bay trong các FIR của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn chủ quyền không phận quốc gia", Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam đánh giá.

Năm 2007 và 2008, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam tổ chức phối hợp với hàng không dân dụng Singapore nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai áp dụng thành công phương thức kiểm soát điều hành bay sử dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa kiểm soát viên không lưu và người lái (CPDLC) và phương thức giám sát tự động phụ thuộc dạng hiệp đồng (ADS-C) tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng radar thứ cấp thuộc FIR Hồ Chí Minh. Áp dụng phân cách theo tính năng dẫn đường yêu cầu - RNP 10.

Từ ngày 14/9/2017, triển khai áp dụng các phương thức bay mới sử dụng tiêu chuẩn dẫn đường RNP1 và RNP APCH dựa trên tín hiệu của hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) tại sân bay Cam Ranh. Qua đó góp phần nâng cao năng lực điều hành bay tại sân bay Cam Ranh tăng lên gấp đôi, đồng thời nâng cao được mức độ bảo đảm an toàn bay.

Với các phương thức bay dựa trên tính năng (PBN-Performance Based Navigation), hiện tại, việc triển khai PBN tại 22 sân bay Việt Nam cơ bản theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra: 17/22 sân bay đã được triển khai, áp dụng PBN bao gồm Nội Bài, Điện Biên, Cát Bi, Vân Đồn, Thọ Xuân, Vinh, Đà Nẵng, Phú Bài, Phù Cát, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Côn Sơn, Phú Quốc, Chu Lai. Dự tính đến tháng 6/2023 Tổng công ty áp dụng toàn bộ phương thức bay PBN tại 22 sân bay.

Việc đưa vào áp dụng các phương thức bay, đường bay PBN tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong phương pháp điều hành bay thông qua việc tận dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến của tàu bay, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc của kiểm soát viên không lưu và phi công, giảm nhu cầu dẫn dắt tàu bay bằng radar tại những nơi được trang bị giám sát cũng như nhu cầu liên lạc thoại vô tuyến, nâng cao độ chính xác an toàn bay và góp phần hỗ trợ việc lập kế hoạch hiệu quả hơn cho cả cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu lẫn nhà khai thác.

Trong khi đó, hệ thống AMAN/DMAN (điều hành và quản lý các chuyến bay đến và các chuyến bay khởi hành) đã được triển khai áp dụng tại Cảng HKQT Nội Bài từ 07h00 ngày 07/10/2021 nhằm quản lý tàu bay đến/khởi hành, giúp hỗ trợ nâng cao năng lực điều hành bay, quản lý, sắp xếp hiệu quả luồng tàu bay đến, tàu bay khởi hành, tối ưu năng lực khai thác của sân bay, giảm tình trạng xếp hàng chờ cất cánh, giảm tiêu thụ nhiên liệu, mang lại lợi ích kinh tế cho các hàng hàng không.

Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển các công nghệ khác tại sân bay như A-CDM, Ramp Control… tại Cảng HKQT Nội Bài và nhân rộng mô hình áp dụng tại các cảng Hàng không trọng điểm khác như Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng sẵn sàng đáp ứng khi hoạt động bay tăng cao trở lại.

Hiện nay, Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đã đầu tư đưa vào sử dụng các hệ thống giám sát tiên tiến, đa dạng với độ chính xác cao như hệ thống radar mode-S, ADS-B… giúp công tác giám sát hoạt động bay cải thiện cả về chất lượng giám sát, tầm phủ cũng như các mức độ sẵn sàng, liên tục của hệ thống.

Công nghệ hiện đại giúp điều hành bay hiệu quả, an toàn

Trước năm 1978, các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho quản lý bay chủ yếu là các trang thiết bị phục vụ bay quân sự, bao gồm các thiết bị liên lạc VHF A/G và đài dẫn đường NDB.

Những phương thức, công nghệ nào được áp dụng trong điều hành bay 30 năm qua?   - Ảnh 2.

Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Đến năm 1989, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã thực hiện việc đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật để giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, nổi bật là Hệ thống VCCS Octopus; Hệ thống Xử lý dữ liệu radar và dữ liệu bay Aircat-500; Hệ thống chuyển điện văn tự động AMSS.

Cũng trong giai đoạn này, đối với FIR Hà Nội cũng được đầu tư qua dự án trạm radar Nội Bài và dự án VIE89/901 với nội dung chủ yếu là: Xây dựng mới Trạm radar Nội Bài với thiết bị là radar PSR/SSR SKALA cùng thiết bị đầu cuối đặt tại ACC Hà Nội tại Nội Bài; Xây dựng mới ACC Hà Nội và APP Nội Bài cùng trạm thu, trạm phát tại Nội Bài với các trang thiết bị phục vụ cho điều hành bay cho 2 phân khu, với các trang thiết bị chính là: Hệ thống thiết bị VHF A/G, HF A/G; Hệ thống VCCS AWANET; Hệ thống AMSS cùng các đường truyền VIBA Nội Bài - Tam Đảo và các đường truyền thuê bưu điện, đường cáp chạy vòng quanh sân bay Nội Bài; Xây dựng mới Đài kiểm soát tại sân bay Nội Bài với các trang thiết bị thông tin cần thiết; Xây dựng trạm VHF A/G điều khiển xa cho ACC Hà Nội tại Tam Đảo. Ngoài ra còn triển khai mới hệ thống đèn đường băng, chiếu sáng sân đỗ cho sân bay Nội Bài.

Tổng công ty Quản lý Bay Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; Tổ chức áp dụng chuyển đổi các công nghệ mới nhất trong tổ chức, quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống. Đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN). Ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao. Nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc để tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài.

Đối với dịch vụ dẫn đường, từ năm 1997 đã lần lượt triển khai các đài DVOR/DME tại các sân bay địa phương và thay thế các đài CVOR/DME tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Phù Cát. Với việc áp dụng công nghệ DVOR thay cho CVOR đã góp phần giảm yêu cầu về địa hình nơi đặt đài và đảm bảo duy trì tốt độ chính xác của tín hiệu dẫn đường.

Để đảm bảo việc liên lạc với máy bay và giám sát hoạt động bay dân dụng tại các mực bay thấp trên vùng biển đông, nơi mà các trạm thông tin VHF A/G và radar hiện có trên đất liền không đảm bảo được do hạn chế về tầm nhìn thẳng, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã từng bước áp dụng các công nghệ CNS mới như:

Áp dụng liên lạc dữ liệu giữa Kiểm soát viên không lưu và Phi công (CPDLC) qua thiết bị ACARS trên tàu bay và giám sát tự động phụ thuộc dạng hiệp đồng (ADS-C) cho ACC Hồ Chí Minh trong dự án xây dựng Trung tâm Kiểm soát đường dài và tiếp cận Hồ Chí Minh (AACC Hồ Chí Minh) năm 2006.

Triển khai các trạm giám sát tự động phụ thuộc dạng quảng bá (ADS-B) tại một số đảo (Côn Sơn, Trường Sa Lớn, Song Tử Tây) và thử nghiệm áp dụng giám sát bằng công nghệ này qua màn hình độc lập đặt tại ACC Hồ Chí Minh năm 2013. Hoàn thành đầu tư 7 trạm ADS-B khu vực phía Bắc vào tháng 12/2014.

Đầu tư mới Hệ thống RDP/FDP (hoàn thành năm 2014) cho ACC Hà Nội, APP và TWR Nội Bài, TWR Cát Bi.

Từ năm 2018 đến nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tiến hành đầu tư, hợp tác theo hình thức viện trợ không hoàn lại triển khai các hệ thống CNS có công nghệ hiện đại để tăng cường, dự phòng tầm phủ hoạt động, dự phòng thiết bị, tần số để đáp ứng năng lực điều hành công tác điều hành bay phù hợp với tổ chức vùng trời, đồng thời rà soát, thay thế các hệ thống hết niên hạn sử dụng, cụ thể:

Trong giai đoạn 2018-2021, tiếp tục đầu tư các thiết bị VHF A/G cho các tần số dự phòng tại các khu vực tiếp cận, đường dài. Chẳng hạn như: hệ thống RDP tại Cam Ranh; hệ thống VCCS tại APP/TWR Đà Nẵng; đưa đài VOR/DME tại Rạch Giá vào hoạt động năm 2021.

Đến quý IV/2022, hoàn thành đầu tư các trạm ADS-B đồng thời trang bị đầu cuối ADS-B tại các Đài kiểm soát không lưu sân bay khu vực miền Trung, miền Nam để tăng cường, dự phòng tầm phủ giám sát đường dài FIR Hồ Chí Minh và trong vùng trách nhiệm các Đài kiểm soát không lưu khu vực miền Trung, miền Nam.

Năm 2022, hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống VCCS và VHF cho các đài kiểm soát không lưu địa phương (Vinh, Điện Biên, Đồng Hới, Liên Khương, Phú Quốc, Cần Thơ, Cà Mau, Côn Sơn, Rạch Giá) với mục tiêu cung cấp dịch vụ CNS tin cậy, ổn định, thuận tiện cho kiểm soát viên không lưu trong công tác điều hành bay.

Năm 2022, phối hợp với Công ty Japan Radio Ltd., (Nhật Bản) hoàn thành lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) tại sân bay Phú Quốc. Đây là công nghệ giám sát tiên tiến trong lĩnh vực hàng không, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Hệ thống MLAT cho phép giám sát tàu bay di chuyển trên bề mặt sân bay, trong vùng trời trách nhiệm của Đài kiểm soát không lưu Phú Quốc nâng cao năng lực điều hành bay tại Cảng HKQT Phú Quốc.

Năm 2022, hoàn thành đầu tư nâng cấp hệ thống AWOS Nội Bài đáp ứng năng lực khai thác CAT II. 

Những công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến đã và đang giúp hoạt động điều hành bay hiệu quả, an toàn ở mức cao nhất. 

Ý kiến của bạn

Bình luận