Nỗ lực gỡ vướng, phát huy hiệu quả thu phí không dừng

Tác giả: Khánh Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 23/08/2021 07:49

Sau khi đưa vào sử dụng hệ thống thu phí tự động không dừng trên mạng lưới đường bộ Việt Nam, hiệu quả mang lại là rất thiết thực. Tuy vẫn còn một số tồn tại, song với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhà cung cấp, đơn vị quản lý thu phí, những vướng mắc từng bước được khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, công khai minh bạch tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tham gia giao thông.

 

DSC_5955
Những vướng mắc, tồn tại trong thu phí tự động không dừng đang được tháo gỡ, khắc phục để phát huy hiệu quả loại hình ưu việt này

Xử lý vướng mắc

Theo báo cáo thống kê của Tổng cục ĐBVN, tính đến ngày 30/6, đã có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng. Trong quá trình xây dựng và vận hành không tránh khỏi những vướng mắc phát sinh từ khâu lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư, thủ tục hợp đồng...

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, hiện vẫn còn một số tồn tại ở dự án BOO1 như có 9 trạm chuyển từ thu phí tự động không dừng (VETC) đầu tư, vận hành sang nhà đầu tư BOT đầu tư vận hành (Bắc Ninh, Tư Nghĩa, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, Cam Thịnh, Cần Thơ - Phụng Hiệp, Bình Thuận, Sóc Trăng, Bạc Liệu). Các dự án này chưa ký Phụ lục hợp đồng BOT để bổ sung hạng mục đầu tư hệ thống ETC cho các làn còn lại; bổ sung nguồn vốn để đầu tư hệ thống ETC; bổ sung chi phí dịch vụ thu phí không dừng (để có cơ sở cho nhà đầu tư BOT ký phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty VETC); bổ sung phương án tiếp nhận tài sản do Công ty VETC đầu tư để tiếp tục vận hành, bảo trì và tái đầu tư. Dự án BOO1 chưa quyết toán hạng mục thu phí tự động không dừng đã đầu tư tại các dự án này sẽ gây khó khăn cho công tác bàn giao từ Công ty VETC sang nhà đầu tư BOT để tiếp tục vận hành, bảo trì và tái đầu tư như quyết toán đầu tư, đánh giá chất lượng, tài sản còn lại tại thời điểm bàn giao.

Theo phương án tài chính của dự án BOO1 được phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định số 2129/QĐ-BGTVT ngày 12/11/2020 của Bộ GTVT, quy mô của dự án BOO1 hiện tại bao gồm 50 trạm/hệ thống thu phí. Công ty VETC đã cùng Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN tổ chức nhiều buổi làm việc với các nhà đầu tư BOT về việc ký Hợp đồng/Phụ lục hợp đồng dịch vụ điều chỉnh mức trích doanh thu theo Quyết định số 136/QĐ-BGTVT ngày 18/01/2019 và Quyết định số 2129/QĐ-BGTVT ngày 12/11/2020. Tuy nhiên, do có nhiều khó khăn, vướng mắc và sự hợp tác chấp hành chưa nghiệm của một số nhà đầu tư BOT nên công tác đàm phán, thương thảo giữa các bên chưa đạt được kết quả. Đến nay, còn 25 trạm/hệ thống thu phí chưa ký được Phụ lục hợp đồng/Hợp đồng. Công ty VETC đã nhiều lần đề xuất Bộ GTVT tổ chức họp đàm phán với từng nhà đầu tư BOT để thực hiện ký, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, do vướng mắc về ký Phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí nên có 7 trạm chưa bàn giao công tác vận hành cho Công ty VETC như: Hoàng Mai, Bến Thủy, Bến Thủy 2, Phú Bài, Phước Tượng, Đức Long Gia Lai 1, Đức Long Gia Lai 2...

Đối với dự án BOO2 hiện nay còn 1/25 trạm chưa nghiệm thu KPI (trạm thu phí số 2 QL14), 2/21 trạm chưa bàn giao công tác thu phí cho Công ty VDTC (T1 QL91, thu phí số 2 QL14). Nhà đầu tư BOT trạm T1, T2 QL91 đề nghị Bộ GTVT ký Phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung không thu phí tại trạm T2 và điều chỉnh phí dịch vụ thu phí. Công ty VDTC có ký bổ sung 10 trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết nối vào Back-End của Công ty VDTC. Hiện nay, còn 2/10 trạm chưa nghiệm thu (trạm Thanh Lương và Tân Lập).

Ngoài ra còn một số vướng mắc như: kết nối liên thông đang trong quá trình hoàn thiện, công tác vận hành trạm, xây dựng định mức công tác thu phí dịch vụ đường bộ đối với các dự án xây dựng đường bộ có thu phí do Bộ GTVT quản lý...

Hoàn thiện cơ chế

Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết thêm, hiện nay, về cơ bản các lỗi nhận diện đã được các nhà cung cấp và bộ phận vận hành tiếp thu và xác định lỗi, khắc phục ngay trong ngày. Đến thời điểm này, sau một thời gian vào cuộc của các đơn vị chuyên môn, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã vận hành ổn định, không còn các lỗi kỹ thuật nghiêm trọng. Để tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Tổng cục ĐBVN phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT để phân tích, đánh giá các lỗi còn xảy ra để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, Tổng cục tiến hành tham mưu cho Bộ GTVT xây dựng Thông tư quy định hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để thay thế Thông tư số 15, đồng thời phối hợp với Cục CSGT xử lý vi phạm các xe đi sai làn ETC. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng kiến nghị Bộ GTVT chủ trì đàm phán với các nhà đầu tư BOT thuộc BOO1 để ký Phụ lục hợp đồng BOT và Phụ lục hợp đồng cung cấp dịch vụ, đặc biệt đối với các trạm: BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, Bắc Ninh, Bắc Bình Định, Nam Bình Định, Hoàng Mai, Bến Thủy, Bến Thủy 2; đàm phán với nhà đầu tư BOT QL91 để ký Phụ lục hợp đồng BOT; tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để giải quyết các vướng mắc trong đàm phán Phụ lục hợp đồng/Hợp đồng dịch vụ, công tác nghiệm thu, chuyển giao công tác thu phí.

Đánh giá về công tác thu phí không dừng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các cơ quan khi đưa vào vận hành, khai thác hệ thống thu phí điện tử không dừng trong thời gian qua.

Để phát huy hiệu quả hơn nữa của cả hệ thống và khắc phục những vướng mắc trong quản lý, vận hành hệ thống, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục ĐBVN chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà đầu tư BOT sớm có các giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại trong kết nối, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Đặc biệt, Tổng cục tiếp tục phối hợp với Cục CSGT xử lý nghiêm các phương tiện đi vào làn thu phí không dừng khi không đủ các điều kiện, tránh xảy ra ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hội; tiếp tục phối hợp với VETC, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án Cần Thơ - Phụng Hiệp từng bước giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc bàn giao, vận hành trạm thu phí, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, tránh ảnh hưởng đến công tác thu phí, hiệu quả của dự án BOT và dự án thu phí điện tử không dừng.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ đã giao Tổng cục ĐBVN và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông soạn thảo và sửa đổi Thông tư 15/2020/TT-BGTVT ngày 22/7/2020 quy định về hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó bổ sung quy định về công tác đầu tư, quản lý, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trình Bộ GTVT ban hành trong năm 2021 để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Ý kiến của bạn

Bình luận