Giá long môn tại Trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình đã cơ bản hoàn thành. |
Ngày 13/11, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thiết bị và công tác thi công giá long môn lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại Hòa Bình và Thái Nguyên thuộc Dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng xây dựng – sở hữu – kinh doanh (BOO giai đoạn 2) có 33 trạm thu phí không dừng lắp đặt trên 23 Dự án BOT.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) khẳng định, hiện nay, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị liên quan giúp tất cả khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được giải quyết, có thể tin tưởng rằng, tiến độ 31/12 sẽ được đảm bảo theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đánh giá: "Đến đầu tháng 12 sẽ có khoảng 50% số trạm được hoàn tất và chạy thử nghiệm; đến 20/12 sẽ kiểm soát toàn bộ dự án. Thời điểm này, các đơn vị đang triển khai thi công đồng loạt, đồng, đặc biệt là các thiết bị đã được kiểm tra chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng để lắp đặt. Tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức thi công đồng bộ trên toàn quốc với tiến độ và chất lượng của dự án cơ bản đảm bảo".
Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện dẫn đầu trực tiếp kiểm tra quá trình chế tạo giá long môn lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại Thái Nguyên. |
Cũng theo Tổng cục trưởng, 2 Dự án BOO được kết nối đồng bộ trên toàn quốc, đảm bảo cho người dân có thể sử dụng liên thông. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc kết nối. Người dân có thể liên kết và thanh toán qua trạm thu phí không dừng bằng các loại ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng. Điều này sẽ rất tiện lợi cho người dân vì có thể sử dụng ví điện tử trong các chi tiêu sinh hoạt, thanh toán phí qua trạm thu phí đường bộ, khi cần có thể rút tiền từ ví điện tử về tài khoản ngân hàng. Hiện nay, tài khoản ngân hàng BIDV đã được thử nghiệm thành công và sẽ liên kết hầu hết ngân hàng khác trong thời gian tới.
"Tất cả các trạm BOT trên toàn quốc áp dụng thu phí không dừng mang tính hiệu quả cao, tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả cho tất cả các dịch vụ đi lại cho người dân”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện khẳng định.
Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra thiết bị thu phí không dừng. |
Ông Nguyễn Tuấn Phong - Phó Tổng Giám đốc Công ty Giao thông số Việt Nam cho biết, tiến độ hoàn thành dự án vào 31/12 là rất gấp nên đơn vị đang triển khai nước rút, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng. Chúng tôi đang nỗ ngày đêm, cố gắng trong tháng 11 hoàn thành lắp đặt 2/3 số trạm, và đến giữa tháng 12 sẽ hoàn tất toàn bộ.
Về vấn đề kết nối hệ thống giữa hai dự án BOO 1 và BOO 2 đang triển khai, dự kiến đến 20/11 tới đây sẽ hoàn thành việc kết nối. Xe ô tô dán 1 trong 2 loại thẻ thu phí không dừng của cả 2 dự án có thể hoàn toàn đi qua cả 2 hệ thống mà không gặp vướng mắc gì. Hình thức dán thẻ qua nhiều kênh, có thể thực hiện tại các chi nhánh dán thẻ của Viettel; trạm thu phí; các cơ sở đăng kiểm;… Người dân hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn hình thức dán thẻ phù hợp và tiện lợi nhất.
Ông Nguyễn Tuấn Phong cho biết thêm, trong thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai các hình thức đăng ký trực tuyến, bố trí người đến tận nơi dán thẻ thu phí không dừng nhằm đảm bảo phục vụ chủ phương tiện có được sự tiện lợi nhất.
Video: Đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ kiểm tra thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí không dừng
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên (BOO giai đoạn 1) có tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.
Đến nay đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (trạm cầu Đồng Nai đã tạm dừng thu từ 10/8). Về các trạm trên tuyến quốc lộ khác, có 13 trạm đã lắp đặt đưa vào vận hành gồm: Mỹ Lộc, Tân Đệ (đang chuyển trạm về tuyến tránh Đông Hưng), Tiên Cựu, An Sương – An Lạc, Đại Yên, Yên Lệnh, Tam Nông, QL5, Hạc Trì, Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trạm Phả Lại đã lắp đặt xong nhưng chưa tiếp nhận để vận hành khai thác; Trong 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, hiện có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã đưa vào vận hành 15 làn; Đã xây dựng xong kết nối liên thông tài khoản ETC với tài khoản ngân hàng BIDV và đưa vào vận hành chính thức từ 15/9; Đến 15/10, đã dán được 965.500 thẻ, trong đó có khoảng 47,5% số xe dán thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.