Phấn đấu hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành vào cuối năm

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 18/03/2022 06:50

Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị phải cơ bản hoàn thành và thông tuyến kỹ thuật cao tốc Bến Lức - Long Thành vào cuối năm 2022.

Nhiều gói thầu của dự án đã lập lại tiến độ và tái khởi động dự án

Nhiều gói thầu của dự án đã lập lại tiến độ và tái khởi động dự án

Ngày 18/3, trao đổi với PV Tạp chí GTVT, đại diện Ban QLDA các đường cao tốc phía Nam (trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC) cho biết, Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã tái khởi động sau một thời gian dài tạm ngưng thi công. Hiện nay, VEC đã bổ sung vốn để thực hiện GPMB các đoạn còn vướng cũng như tái ký hợp đồng với các nhà thầu thực hiện dự án.

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, phục vụ việc thẩm định sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Hiện nay, sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt 10.941,247 tỷ đồng, tương đương 80,31% giá trị xây lắp của dự án. Tuy nhiên, dự án đang gặp nhiều khó khăn do vướng GPMB cũng như nhiều nhà thầu và liên danh các gói thầu chưa đồng ý việc tiếp tục thực hiện tái khởi động lại dự án. 

Khu vực thi công gói thầu A5

Khu vực thi công gói thầu A5

Đối với đoạn phía Đông (A5-A7), PV ghi nhận tình hình thi công tăng tốc của nhà thầu A5 (Tổng công ty XDCTGT 6). Tại khu vực, nhà thầu đã tập trung nhân công và huy động các thiết bị để hoàn thành gói thầu vào ngày 30/6.

Chia sẻ với Tạp chí GTVT, đại diện nhà thầu cho biết đang nỗ lực tối đa để sớm đưa dự án vào sử dụng. Bên cạnh đó, nhà thầu cũng tập trung vật liệu, máy móc tối đa để dồn lực về đích cũng như đảm bảo chất lượng, tiến độ cho dự án. 

Các nhà thầu cần ưu tiên chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu

Các nhà thầu cần ưu tiên chuẩn bị tốt nguồn nguyên vật liệu

Tại gói thầu A7 hiện đang bị chậm tiến độ nghiêm trọng do lệnh thay đổi nhịp chính cầu Thị Vải chưa được các bên thống nhất về đơn giá, dẫn đến nhà thầu gói A7 phải trì hoãn thi công các hạng mục của nhịp chính so với kế hoạch.

Chưa hết, nhà thầu A6 vừa qua đã đề nghị chấm dứt hợp đồng và dừng thi công trên công trường. Về việc này, VEC đã tiến hành hòa giải nhưng không thành công với do thành viên liên danh Công ty Hanshin (Hàn Quốc) không đồng thuận tiếp tục thực hiện hợp đồng. Trên cơ sở kiến nghị của tư vấn giám sát và của Ban QLDA, VEC đã ban hành thông báo chấm dứt hợp đồng gói thầu A6 theo điều kiện hợp đồng tại văn bản số 190/VEC-CV ngày 08/02/2022.

Đối với đoạn phía Tây (Al-A4), VEC đã chỉ đạo các nhà thầu tái khởi động thi công trên công trường trên cơ sở tạm sử dụng vốn nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ của VEC. Trong đó, gói A1 (đạt 81% tiếp giáp khu vực QL1) nhà thầu có thông báo chấm dứt hợp đồng. Nhà thầu A4 có thư chấm dứt hợp đồng nhưng hiện nay đã chuẩn bị thực hiện lại dự án.

Bản thân VEC mong muốn các đơn vị thực hiện tiếp dự án để rút ngắn thời gian hoàn thành, không phải mời thầu lại. Đối với các gói thầu khác hiện đang hoàn thiện thủ tục để trình Bộ GTVT.

Về vấn đề mặt bằng, hiện các vị trí này nằm trên đường găng tiến độ, ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành dự án. Tính đến nay, công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành (tổng số còn vướng 24 hộ, trong đó gói thầu Al còn 5 hộ; gói thầu A2-2 còn 12 hộ; gói thầu A6 còn 1 hộ và gói thầu A7 còn 6 hộ) do từ năm 2019 cơ quan có thẩm quyền chưa bố trí vốn để thanh toán cho các địa phương.

Nhằm tháo gỡ khó khăn về GPMB, VEC đã có văn bản đề nghị các địa phương ứng vốn trước. Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai và Long An đã ủng hộ và vào cuộc nên mặt bằng của một số hộ đã được bàn giao cho nhà thầu thi công. Riêng tại TP. HCM, đối các hộ dân còn vướng mắc chưa bàn giao mặt bằng, các địa phương cũng đã có cam kết giao mặt bằng vào quý II/2022. 

Ý kiến của bạn

Bình luận