Phát triển giao thông Hà Nội: Đòn bẩy phát triển kinh tế

Ý kiến phản biện 22/02/2016 06:18

Trong chương trình, mục tiêu 5 năm tới, TP HN tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp mạnh, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng khung.

vinh_tuy1_ZSIB.jpg
Cầu Vĩnh Tuy góp phần thúc đẩy kinh tế các quận, huyện phía Bắc sông Hồng. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cởi nút thắt hạ tầng

Hơn một năm trước đây, từ nội thành đi ra sân bay Nội Bài người tham gia giao thông phải đi hết 40km. Tuy nhiên với việc cầu Nhật Tân, sau đó là tuyến đường vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Xuân La kịp thông xe tuyến chính trước Tết Bính Thân, dự kiến sẽ rút ngắn hành trình này xuống còn 25 km. Việc thông tuyến chính vành đai 2 đoạn Cầu Giấy - Xuân La còn có vai trò gỡ hàng loạt nút thắt dọc các tuyến đường Láng, Bưởi, Lạc Long Quân. Dịp Tết Bính Thân năm nay, người dân Thủ đô còn hào hứng đón nhận nhiều tin vui khi dự án cải tạo các nút giao vốn là điểm “đen” ùn tắc như nút giao Long Biên, nút giao Thanh Xuân, nút giao Trung Hòa hoàn thành và thông xe. Với nút giao Long Biên, việc hoàn thành cầu vượt tại nút giao này đã giúp QL5 và QL5 kéo dài chính thức thông tuyến với nhau gắn với tuyến đường Nhật Tân- Nội Bài mở ra cánh cung giao thương Ðông- Bắc thành phố.

Với quy mô nhỏ gọn, cơ động, kinh phí đầu tư hợp lý, trong ba năm qua, Sở GTVT Hà Nội đã lần lượt đưa vào sử dụng 7 cầu vượt nhẹ, khai thông nhiều điểm “đen” ùn tắc. Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội đánh giá: “Việc thông xe và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường, cầu vượt tại các nút giao thông lớn có vai trò gỡ nút thắt cổ chai cho giao thông Hà Nội. Với các tuyến đường hướng tâm, vành đai và cầu vượt nhẹ còn có vai trò giảm ùn ứ cho nhiều tuyến đường nhánh khác”.

Trong tổ chức, điều hành giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong ba năm qua, thành phố đã giao cho Sở GTVT tổ chức phân làn, phân luồng phương tiện trên 25 tuyến phố; cải tạo 37 vị trí nút giao cắt và đưa vào hoạt động Trung tâm đèn tín hiệu giao thông… Từ đó, đã nâng cao được khả năng lưu hành của phương tiện, xóa được nhiều điểm đen ùn tắc.

dji00849_abuk
Cầu Nhật Tân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế phía bắc thủ đô. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bên cạnh đó, vận tải công cộng bằng xe buýt cũng không ngừng tăng trưởng, ngoài 91 tuyến buýt, trong năm nay Hà Nội sẽ có thêm loại hình buýt vận chuyển khối lớn – BRT. Giao thông tĩnh cũng có tính bước ngoặc khi thành phố lần lượt đưa vào sử dụng các điểm đỗ xe giàn thép cao tầng như Nguyễn Công Trứ, Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan...,

Với khu vực ngoại thành và các tỉnh, đô thị vệ tinh, ông Viện cho rằng, việc đi lại hiện nay cũng rất dễ dàng và mang tính kết nối cao khi các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Bắc Giang, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai… hiện từ Hà Nội lần lượt đưa vào sử dụng.

Di dời trụ sở, giãn dân cư để giảm áp lực

Ðánh giá về các giải pháp đảm bảo giao thông và giải quyết ùn tắc trong những năm qua, cụ thể là Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông giai đoạn 2012 - 2015, ông Vũ Văn Viện cho biết, việc thực hiện đã mang lại những kết quả đáng kể. Theo đó, với các giải pháp có tính đột phá như phân làn, phân luồng; xây cầu vượt nhẹ, hoàn thành một số tuyến đường vành đai, trục hướng tâm; ưu tiên phát triển vận tải công cộng xe buýt… giao thông Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực. Theo đó, từ 89 điểm thường xuyên ùn tắc năm 2012, sau ba năm thực hiện chương trình mục tiêu trên, đến nay số điểm ùn tắc tại Hà Nội chỉ còn 59 điểm (giảm hơn 66%). Ðây cũng là kết quả để Hội đồng nhân dân thành phố tiếp tục thông qua “Chương trình, mục tiêu nhằm giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020” do UBND thành phố xây dựng và giao cho Sở GTVT triển khai.

Cụ thể, cùng với hoàn thiện hạ tầng khung, nhiệm vụ 5 năm tới Sở GTVT Hà Nội sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp để giảm ùn tắc giao thông, trước mắt là giảm đến mức tối thiểu trong tổng số 59 điểm ùn tắc còn lại. Ðể thực hiện được các nhiệm vụ trên, thời gian tới Sở GTVT sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân; khuyến khích người dân sử dụng và dần hình thành thói quen tham gia giao thông bằng các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Ưu tiên bố trí vốn ngân sách và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khung và mạng kết nối, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thành 16 danh mục công trình đã xác định trong Chương trình mục tiêu 2016-2020 vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; trong đó có việc sớm hoàn thành đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Ðông trong năm 2016.

duong_khuat_duy_tien_fntj
Hạ tầng tạo tiền đề để phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Hồng Vĩnh

Áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý khai thác hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông. Triển khai tốt quy hoạch, trong đó ưu tiên chủ trương di dời công sở, nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành để giãn dân cư trong khu vực nội đô; nghiên cứu lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Thành phố…Cùng với sự nỗ lực của các sở, ngành thành phố, ông Viện cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu, chương trình trên, thành phố cũng rất cần Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về nguồn lực (vốn, cơ chế chính sách...) để thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm theo tinh thần của Luật Thủ đô. “Ðặc biệt, khi các bộ, ngành Trung ương di dời trụ sở đến địa điểm mới theo lộ trình quy hoạch, đề nghị giao lại các trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng vào mục đích giao thông và công cộng khác”, ông Viện nhấn mạnh.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận