Phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, nâng cao sức cạnh tranh của logistics

Tác giả: Nguyễn Tương

saosaosaosaosao
30/09/2016 06:40

Hệ thống dịch vụ logistics của Việt Nam bao gồm 4 yếu tố: Đường lối, chính sách phát triển ngành Logistics, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics; kết cấu hạ tầng (bao gồm kết cấu hạ tầng cứng và kết cấu hạ tầng mềm; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Trong đó, kết cấu hạ tầng đóng một vai trò hết sức quan trọng.

state-of-third-party-logistics

Trong kết cấu hạ tầng (KCHT) thì KCHT GTVT là nhân tố hàng đầu cho sự phát triển của ngành Dịch vụ logistics. Đây cũng là yếu tố hàng đầu đánh giá Chỉ số hoạt động logistics (LPI) hai năm một lần do Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Những năm qua, Chính phủ luôn ưu tiên dành vốn đầu tư ODA và vốn đầu tư trong nước cho việc phát triển KCHT GTVT. Cụ thể, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; các cầu lớn như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi; QL51, Nam Sông Hậu, QL80 Mỹ Thuận - Vàm Cống; cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải và đang triển khai xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện; tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga Quốc tế T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng; đang triển khai công tác xây dựng sân bay quốc tế Long Thành…

Theo báo cáo của Bộ GTVT, riêng năm 2015 đã đầu tư và đưa vào khai thác khoảng 704km đường cao tốc. Hiện nay, cả nước có hệ thống đường bộ với chiều dài 258.106km, trong đó quốc lộ dài 18.650km (chiếm 7,23%) và đã tham gia hệ thống đường bộ ASEAN. Có 44 cảng biển thuộc 5 cụm cảng (256 bến/402 cầu cảng) với tổng chiều dài cầu cảng là 59.405m, tổng công suất thiết kế đạt 470 - 500 triệu tấn/năm. Có 3.143km đường sắt với 7 tuyến chính nối liền cả nước; với 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội đia với công suất thông qua 01 triệu tấn hàng hóa/năm. Hệ thống đường thủy nội địa cấp quốc gia với chiều dài 6.650km.

So sánh thị phần vận tải 2014, 2015 và mục tiêu năm 2020

Screen Shot 2016-09-26 at 10.52.09
(Nguồn: Vụ Vận tải, Bộ GTVT)

Qua số liệu về KCHT và vận tải trên đây cho thấy: Nhìn chung, KCHT GTVT cho ngành Logistics đã bước đầu đáp ứng sự phát triển của ngành Logistics, tuy nhiên vấn đề nội cộm là thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hệ hống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển và tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế việc phát triển của hoạt động logistics, nhất là vận tải đa phương thức.

Hiện nay, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các hiệp hội ngành nghề tiến hành xây dựng kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics của Việt Nam đến năm 2020 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay. Kế hoạch hành động sẽ xác định Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển Dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, có vai trò quan trọng trong cơ cấu dịch vụ của Việt Nam, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đồng thời từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Với mục tiêu đó, chúng ta phải tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ mới trong logistics, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, trình độ cao về logistics; xây dựng được các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước; đưa Việt Nam trở thành một đầu mối, một trung tâm logistics của khu vực.

Nâng cao năng lực KCHT GTVT thông qua việc hoàn thiện quy hoạch chi tiết phát triển hạ tầng logistics, phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; rà soát các quy hoạch, kế hoạch để đảm bảo tính đồng bộ của KCHT GTVT với mục tiêu phát triển ngành Logistics, gắn kết với quy hoạch về trung tâm logistics, nhất là tại khu vực Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển KCHT GTVT phục vụ logistics phát triển.

Logistics

Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực GTVT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 22/01/2014 có ý nghĩa quyết định sự thành công của việc phát triển KCHT GTVT phục vụ cho việc nâng cao năng lực và phát triển dịch vụ logistics của nước ta, thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mục tiêu nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 về phát triển khu vực dịch vụ: “Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Du lịch, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin; hiện đại và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, logistics và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh khác...” 

Ý kiến của bạn

Bình luận