Phi công lúng túng khi trở lại bầu trời

Giao thông toàn cầu 17/08/2021 07:09

Quên tháo phanh khi chuẩn bị đưa máy bay cất cánh, lúng túng khi hạ cánh lúc trời gió lớn đến mức phải mất 3 lần thử trước khi hạ cánh thành công, quên không bật cơ chế chống đóng băng… Đó là một vài trong số rất nhiều sai lầm mà các phi công mắc phải kể từ khi quay lại bầu trời. Nguyên nhân là do các phi công đã nghỉ bay quá lâu vì đại dịch Covid-19.

1055178

Lụi nghề vì bay ít

Vị phi công quên kích hoạt cơ chế đóng băng (tính năng để đảm bảo cảm biến độ cao và tốc độ máy bay bên ngoài không bị đóng băng trong thời tiết lạnh) cho biết: “Vì đã nghỉ bay nhiều tháng nên tôi đã khá lúng túng. Dù vẫn nhớ những quy trình vận hành tiêu chuẩn nhưng thực tế tôi cũng cần một ít thời gian để làm quen lại.”.

Một phi công khác mắc lỗi quên không tháo phanh khi máy bay ra khỏi cổng cho hay, anh đã 40 ngày không bay. 

Các chuyên gia và đại diện các hãng hàng không cho hay, việc phi công không hoạt động bay trong vài tháng sẽ làm giảm sút kỹ năng và trình độ của họ. “Chìa khóa để bay an toàn là tần suất. Phi công sẽ bị lụi nghề nếu không thực hành bay một thời gian.”- Ông Richard G. McSpadden Jr - Phó Chủ tịch cấp cao Viện An toàn Hàng không của Hiệp hội Phi công và Chủ sở hữu Máy bay cho biết.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, các hãng hàng không đã cắt giảm đáng kể số lượng chuyến bay hàng ngày trên một số tuyến, thậm chí là tạm dừng luôn các chuyến nhu cầu thấp. Tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, số lần cất cánh hàng ngày ở Mỹ đã giảm 75% so với trước đại dịch. Những tháng gần đây, số lần cất cánh đã tăng lên và chỉ còn thấp hơn 43% so với trước đại dịch. Một số phi công đã được trở lại làm việc sau khi nghỉ tới 4 tháng. Delta Air Lines gần đây đã ra thông báo về kế hoạch đưa khoảng 400 phi công trở lại với hi vọng việc phân phối vaccine Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại toàn cầu.

Hiện tại, chưa có báo cáo về thương vong do sơ suất của phi công. Các chuyên gia hàng không khẳng định máy bay chở khách hiện đại có đủ hệ thống dự phòng để ngăn những sơ suất nhỏ trở thành tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất là khá đáng kể, chưa kể các hành khách cũng được một phen hú vía.

Đơn cử như trường hợp xảy ra vào tháng 9 năm ngoái, một chiếc Airbus 330 chở khách đã thất bại khi cố gắng hạ cánh xuống sân bay quốc tế Kualanamu, Indonesia. Kết cục là chiếc máy bay chệch khỏi đường băng và lao vào một bãi cỏ dại gần đó, rất may là không có ai bị thương. Kết luận của cơ quan an toàn giao thông vận tải Indonesia kết luận, đại dịch Covid-19 đã khiến bộ phận vận hành gặp khó khăn trong việc duy trì độ thành thạo; đồng thời cho biết thêm cơ phó của chuyến bay đã nghỉ bay suốt 3 tháng trời, còn cơ trưởng thì chỉ được bay chưa đầy 3 tiếng trong suốt 3 tháng.

Vắng khách làm tăng nguy cơ sự cố

Tại Mỹ, để đảm bảo an toàn, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã cấm bay các phi công không thỏa mãn tiêu chí: thực hiện ít nhất 3 lần cất cánh và 3 lần hạ cánh trên máy bay hoặc hệ thống mô phỏng trong vòng 90 ngày gần nhất. Sau đó, FAA đã bổ sung quy định để tạo điều kiện cho phi công, đối với các phi công chưa thực hiện đủ 3 lần cất cánh và 3 lần hạ cánh trong 90 ngày trước ngày 30/9/2020, FAA gia hạn thêm 60 ngày để phi công thực hiện đủ. Đối với những trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu trước ngày 31/12, FAA gia hạn thêm 30 ngày.

Hiệp hội Phi công và Các chủ sở hữu máy bay đã đăng tải lên website của mình một số video hướng dẫn các phi công chưa được bay thực hành rèn luyện kỹ năng của họ, bao gồm thao tác dùng radio để liên lạc với đài kiểm soát không lưu hay bí quyết để hạ cánh êm…

Mặc dù vậy, một số các chuyên gia chỉ ra rằng thiếu thực hành không phải nguyên nhân duy nhất khiến phi công mắc lỗi. Theo ông Mark Searle, Giám đốc toàn cầu về an toàn, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết, trong thời kỳ đại dịch, máy bay chở ít hành khách hơn (chỉ khoảng 10% so với 80% trước đại dịch), đồng nghĩa với tải trọng máy bay nhẹ hơn nhiều. Do đó, nếu các phi công nghĩ máy bay của mình vẫn nặng như trước, họ có thể tính toán sai tốc độ và lực đẩy cần thiết để hạ cánh. Ngoài ra, theo Searle, nhu cầu đi lại bằng hàng không giảm dẫn đến bầu trời ít đông đúc hơn, do đó, máy bay không cần đi đường vòng để tránh nhau. Các tuyến đường ngắn hơn, trực tiếp hơn có thể gây nhầm lẫn cho phi công khi máy bay đến đích sớm hơn dự kiến, dẫn đến đánh giá sai khoảng cách tới đường băng và khi phi công nhận ra thì máy bay đã ở độ cao quá thấp. Một số phi công cẩn thận thì lựa chọn bay lòng vòng để đạt đủ độ cao thích hợp hạ cánh nhưng cũng có một số chọn cách hạ cánh luôn và gây ra những sự cố ngoài ý muốn.

Ý kiến của bạn

Bình luận