Theo số liệu thống kê của Tổng công ty ĐSVN, trong 10 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 437 vụ, tăng 98 vụ, bằng 29%. Trong đó: Tai nạn do chủ quan 30 vụ, tăng 7 vụ; do khách quan 406 vụ, tăng 92 vụ; làm chết 190 người, tăng 47 người, bằng 32,87%; bị thương 259 người, tăng 39 người, bằng 17,37%.
TNGT đường sắt (GTĐS) do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra cho đường sắt và tập trung chủ yếu tại các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ chiếm 63%, trên hành lang GTĐS là 46%, trong khu vực ga là 1%, đặc biệt là các lối đi dân sinh bất hợp pháp (chiếm 79% trong các nút giao đồng mức). Cụ thể, về khách quan: Hệ thống đường sắt đang còn tồn tại nhiều giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, đặc biệt là hệ thống lối đi dân sinh không có hệ thống phòng vệ. Tình trạng vi phạm hành lang ATGTĐS chưa được giải tỏa dứt điểm. Hệ thống đường gom, hàng rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang ATGTĐS, nhiều đường ngang các loại và các điểm đen vẫn chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp do thiếu kinh phí. Ý thức tự giác chấp hành trật tự ATGTĐS của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ còn hạn chế. Công tác tuyên truyền về trật tự ATGTĐS chưa được thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả chưa cao…
Để giảm thiểu tai nạn GTĐS và khắc phục những bất cập, tồn tại, Tổng công ty ĐSVN tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương có đường sắt đi qua trong việc thực hiện các kết luận đã thống nhất theo trách nhiệm của mỗi bên, trong đó duy trì và nhân rộng các điểm cảnh giới đường ngang do địa phương đảm nhận (mô hình rất hiệu quả, chưa xảy ra tai nạn tại các vị trí này); vận động các tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ các đường dân sinh bất hợp pháp, các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép trong phạm vi chỉ giới hành lang ATGTĐS, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân vận đối với công tác đảm bảo ATGTĐS của các đơn vị trong Tổng công ty ĐSVN; tổ chức cảnh giới tại các đường ngang có mật độ giao thông cao có nguy cơ xảy ra tai nạn trong các đợt vận tải cao điểm, không để phát sinh thêm các điểm giao cắt mới mà không có giải pháp về đảm bảo ATGT.
Thời gian tới, toàn Ngành tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGTĐS để mọi người tự giác chấp hành; phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể, các cơ quan thông tin, báo chí để thực hiện công tác tuyên truyền thường xuyên, kiên trì và liên tục; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào "Thiếu nhi bảo vệ đường sắt"; "Thanh niên tình nguyện cảnh giới đường ngang"; "An toàn đèo dốc".
Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt vào đêm khuya, các ngày nghỉ cuối tuần... để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định về ATGTĐS; kịp thời phân tích, quy kết trách nhiệm trong việc để xảy ra các vụ sự cố, tai nạn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Về mặt văn bản quy phạm pháp luật, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi kịp thời các văn bản chỉ đạo và quản lý liên quan đến ATGTĐS cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Tổng công ty; sửa đổi ban hành mới Quy định về quản lý ATGT đường sắt; phối hợp cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, TNGT đường sắt; điều tra, phân tích sự cố, tai nạn và tổ chức cứu hộ, cứu nạn để triển khai thực hiện trong toàn Ngành; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội để vận động các cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện việc xã hội hóa công tác đảm bảo TTATGTĐS, hiến kế đưa ra các giải pháp bảo đảm TTATGTĐS.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.