Quản lý, thu hút vốn đầu tư giao thông đường bộ ở Singapore

Tác giả: Hà Vũ

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 04/06/2017 06:43

Với dân số hiện tại đã vượt qua 5 triệu người, cơ sở hạ tầng giao thông của quốc đảo sư tử đang phải đối mặt với số lượng phương tiện lớn

 

ảnh 1
 

Vào năm 1996, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch cải tổ chi tiết hệ thống giao thông đường bộ đầy tham vọng, với mục tiêu nâng hệ thống giao thông đường bộ của toàn bộ quốc đảo sư tử hiện đại trong vòng từ 10 đến15 năm. Kế hoạch cải tổ bao gồm thiết lập lại hệ thống tính phí taxi, hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing).

Kế hoạch trên của Chính phủ Singapore được thiết lập dựa trên dự đoán về lưu lượng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, lên tới 75% tổng thời gian hoạt động của tất cả các phương tiện đường bộ. Để đạt được con số ấn tượng trên, việc cải tổ hoàn toàn cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ, tiến hành các biện pháp khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng là rất quan trọng. Một trong những kế sách nhằm để đạt được kế hoạch trên bao gồm xây dựng một hệ thống đường sắt đô thị bao bọc toàn bộ mạng lưới giao thông của toàn bộ đảo quốc.

Theo kế hoạch, Chính phủ Singapore sẽ đảm nhiệm cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho hệ thống giao thông công cộng (bao gồm bến xe, bến tàu, hệ thống đường hầm và đường sắt). Các công ty vận hành và người sử dụng sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí vận hành dựa trên phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phí mua vé đi lại. Bên cạnh đó, các công ty vận hành sẽ phải cam kết đảm bảo phải thu hồi được chi phí xây dựng ban đầu trong vòng 30 năm nhằm đảm bảo nguồn vốn dự trữ để kịp thời bảo trì, thay mới hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp chi phí thay thế cơ sở hạ tầng cao hơn so với chi phí ban đầu, các công ty vận hành chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương với chi phí xây dựng của hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu, phần chênh lệch sẽ được Chính phủ Singapore chi trả nhằm đảm bảo trách nhiệm của các bên.

Kế hoạch cải tổ giao thông 1996 đặt ra 3 tiêu chí trọng tâm, bao gồm: Hệ thống giao thông công cộng với giá vé thấp, phù hợp với mọi tầng lớp người dân, đặt mục tiêu đảm bảo chi phí hoạt động đối với các công ty quản lý vận hành và đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho việc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông trong tương lai. Kế hoạch cải tổ giao thông 1996 chính là bước đi đầu tiên để đạt được hệ thống giao thông tầm cỡ quốc tế vào thời điểm hiện nay của Singapore.

Phương pháp phân chia hợp lý chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng giữa Chính phủ và các công ty vận hành giúp duy trì ổn định giá vé sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đồng thời thu hút đủ nguồn vốn để mở rộng quy mô hoạt động của hệ thống giao thông công cộng. Cũng nhờ phương pháp trên, hệ thống đường sắt đô thị MRT với 2 tuyến và 57 trạm ban đầu đã được mở rộng lên tới 5 tuyến với số lượng nhà ga lên đến 121 trạm vào năm 2013, đưa tổng chiều dài đường ray từ 94,4km lên tới 170,7km. Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore cũng cam kết hoàn thành tuyến đường sắt đô thị thứ 6 vào năm 2024, tăng cường thêm 31 trạm ga và 43km đường ray vào hệ thống giao thông của toàn đảo quốc.

Nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và hiệu suất hoạt động cao, Chính phủ Singapore giao quyền hoạt động và thu phí cho các tập đoàn vận hành như SMRT Trains và SBS Transit. Các công ty vận hành có trách nhiệm đóng phí sử dụng cơ sở vật chất cho Cục Giao thông Đường bộ, đảm bảo chất lượng hoạt động của cơ sở hạ tầng giao thông. Phương pháp giao quyền vận hành cũng giúp tạo động lực khiến các công ty vận hành duy trì chất lượng hoạt động, duy trì tính cạnh tranh, đồng thời đảm bảo sự kiểm soát của chính phủ đối với toàn bộ hệ thống giao thông đường bộ.

Bên cạnh việc đầu tư có hiệu quả kinh tế vào hệ thống giao thông công cộng, Chính phủ Singapore cũng áp dụng các phương pháp tính phí mới đối với các phương tiện giao thông cá nhân bao gồm tính phí sử dụng đường bộ, sử dụng hệ thống đỗ xe bằng các thiết bị thu phí điện tử được gắn bắt buộc trên các phương tiện cá nhân. Hệ thống thuế giờ cao điểm ERP (Electronics Road Pricing) được đưa vào hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố để giảm lưu lượng xe lưu thông qua các khu vực này vào giờ cao điểm. Các chủ xe sẽ phải tự trang bị máy tính phí sử dụng thẻ nạp tiền trả trước EZlink – vốn cũng được sử dụng để trả phí đi xe buýt, MRT, thanh toán tiền điện nước, mua sắm siêu thị… Với hệ thống thu phí trên, Cục Giao thông Đường bộ (Land Transport Authority) thu về 50 triệu USD/năm, giúp duy trì chi phí hoạt động bảo trì hệ thống giao thông đường bộ và làm nguồn vốn cho các công trình tương lai.

Bên cạnh đó, chi phí đăng ký, sử dụng phương tiện cá nhân cũng đóng góp một phần vào nguồn vốn phát triển giao thông của Singapore. Người mua xe phải chi trả các loại thuế, phí cao hơn rất nhiều đối với các nước trong khu vực, có thể lên tới tới 86.889 SGD (khoảng 67.000 USD). Một chiếc xe hơi nhập khẩu bị áp 30% giá trị nhập khẩu thị trường. Các phụ phí đăng ký liên quan khác (ARF -additional registration fee) cũng có thể lên tới 150%. Do chi phí cho một chiếc xe hơi cá nhân cao như vậy, dù thu nhập bình quân đầu người của Singapore là 56.797 USD/năm, đứng hàng thứ 5 trên thế giới, cao nhất khu vực Đông Nam Á nhưng tỷ lệ sử dụng xe hơi cá nhân ở Singapore lại thấp hơn một số quốc gia trong khu vực. Dân số tăng 25% trong vòng 7 năm qua, cùng với tỷ lệ gia đình triệu phú cao nhất thế giới đã khiến chi phí giấy phép mua ô tô ở Singapore tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 năm

Ý kiến của bạn

Bình luận