Chưa thống nhất phương án đền bù
Dự án đường dẫn cầu Cửa Đại - Nam Hội An (đường Võ Chí Công) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định 2303 ngày 20/8/2020, thuộc dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An với tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, trong đó vốn vay ADB chiếm 88%, số còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh Quảng Nam.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 36,5km đi qua các huyện: Duy Xuyên, Thăng Bình và TP.Tam Kỳ. Công trình do Ban QLDA ĐTXD các Công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.
Hiện nay, hơn 32,5/36,5km của dự án đã được thảm nhựa. Tuy nhiên, do còn một số hộ dân ở huyện Thăng Bình, Duy Xuyên chưa bàn giao mặt bằng nên nhiều đoạn bị cắt khúc, có nguy cơ mất an toàn giao thông và khiến việc thi công bị gián đoạn.
Tại huyện Thăng Bình, hộ gia đình ông Võ Văn Ngọc (44 tuổi, trú xã Bình Dương, huyện Thăng Bình) là một trong những hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng cho biết, nguyên nhân khiến gia đình chưa bàn giao đất do giá đền bù thấp, không đúng với thực trạng đất trên sổ đỏ.
"Gia đình có 692m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án này, đất của gia đình tôi là đất lúa, năm 2013 cơ quan chức năng thu hồi đất, áp giá đền bù loại đất màu. Đất lúa mà lại đền bù giá đất hoa mùa, trong khi năm nào tôi cũng đóng thuế đầy đủ. Tôi không có ý định cản trở việc thi công, nhưng chính quyền cần sớm giải quyết thoả đáng cho gia đình thì sẽ bàn giao đất", ông Ngọc chia sẻ.
Còn hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thơ (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) cho biết, dù đã được bố trí đất tái định cư và thực hiện đầy đủ các thủ tục nghĩa vụ, pháp lý nhưng đến nay bà vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến bà rất bức xúc và không chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
"Đất thì cấp rồi tại sao đến nay vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình tôi. Khi nào chính quyền cấp giấy chứng nhận thì gia đình mới bàn giao đất", bà Thơ nói.
Sớm đáp ứng nhu cầu của người dân để hoàn thiện dự án
Theo ông Đặng Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, trên địa bàn có rất nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Võ Chí Công. Nhiều năm qua, chính quyền đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện được đền bù, đưa người dân vào khu tái định cư.
Ông Hùng cho biết, đến nay vẫn còn hộ gia đình ông Võ Văn Ngọc chưa bàn giao mặt bằng vì không thỏa thuận được giá đền bù. Hộ gia đình này có 692m2 đất bị ảnh hưởng bởi dự án, diện tích đất này từ lâu được ông Ngọc sử dụng để trồng lúa và hoa mùa.
Năm 2013, trong quá trình kiểm kê thực tế để áp giá đền bù thì phần đất của ông Ngọc đang trồng hoa màu nên cán bộ xã đã áp dụng giá đền bù theo giá đất hoa màu.
"Thật ra trong sổ đỏ của hộ gia đình này lại là đất lúa - màu. Việc áp giá đền bù của cán bộ không sai, việc ông Ngọc chưa bàn gia mặt bằng cũng không sai. Trước mắt để đảm bảo việc thi công chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền gia đình, sau này sẽ có mức giá đền bù thích hợp hơn", ông Hùng nói.
Còn tại huyện Duy Xuyên, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trên địa bàn huyện hiện nay cũng đang bị vướng hộ gia đình bà Nguyễn Thị Thơ ở xã Duy Nghĩa. Do cơ chế có sự thay đổi nên hiện nay vẫn chưa thể chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cho hộ dân này.
Huyện sẽ tiếp tục phối hợp với xã họp làm việc, tuyên truyền để hộ bà Thơ bàn giao đất cho dự án. Còn việc áp dụng biện pháp bảo vệ thi công thì không được vì hộ này không làm sai các quy định nhà nước.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các Công trình giao thông tỉnh Quảng Nam, các hạng mục, kết cấu hạ tầng trên tuyến đường ven biển Võ Chí Công đang được các nhà thầu gấp rút triển khai thi công để đảm bảo tiến độ thông xe vào 31/12/2022. Thế nhưng, tại một số vị trí ở Km8+150 và nút giao giữa QL14E - Võ Chí Công hiện chưa thể triển khai thi công do vướng các thủ tục bàn giao mặt bằng, thỏa thuận được giá đền bù và việc cấp giấy sử dụng đất.
"Hiện nay, một số khu tái định cư chưa hoàn chỉnh thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như mong muốn của người dân nên chưa có mặt bằng để thi công một số vị trí tại huyện Thăng Bình, Duy Xuyên. Trong thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với chính quyền các huyện, xã tiếp tục làm việc với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, để gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để dự án thông xe toàn tuyến trước năm 2023", vị này chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.