Vệt cào trên mặt đường quốc lộ 5. Ảnh: Gia Chính |
Gần đây quốc lộ 5 đoạn qua thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) xuống cấp, mặt đường bị xô tạo thành "sống trâu" và các rãnh lồi lõm, có đoạn lõm sâu hơn 10 cm và kéo dài hàng chục mét trên mặt đường. Mỗi khi xe trọng tải lớn chạy qua tạo nên tiếng ồn lớn. Ngoài ra, quốc lộ này còn những đoạn khác kéo dài nhiều km xuất hiện các vết "gợn sóng" trên mặt đường.
Ông Lê Quý Tiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương nói, nguyên nhân dẫn tới đoạn đường qua TP Hải Dương xuống cấp là do lượng phương tiện lớn, vượt quá trọng tải thiết kế. "Tôi đã nhiều lần yêu cầu đơn vị quản lý thảm lại để đảm bảo an toàn. Họ xử lý về mặt kỹ thuật nhưng được một vài hôm đường lại lún", ông Tiệp nói.
Ngoài tình trạng nêu trên, quốc lộ 5 đoạn qua hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên còn chằng chịt những vết cào trên mặt đường, xuất hiện ở cả hai làn đường dành cho phương tiện lưu thông với tốc độ cao và thấp.
Cụ thể, đoạn đường dài hơn 10 km qua huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) có hàng trăm vết cào với kích thước khác nhau, đa phần rộng hơn một mét, dài khoảng 30 m. Khi đi xe máy trên vết cào này sẽ có cảm giác bánh bị trượt trên mặt đường.
Chị Đào Thu Thảo bán hàng tạp hóa tại thị trấn Bần (huyện Mỹ Hào) phản ánh, những vệt cào trên mặt đường 5 xuất hiện cách đây khoảng hai năm. "Tôi chứng kiến nhiều hôm trời mưa, có những người xe máy đi vào đoạn đường này bị trượt ngã, nhất là phụ nữ đi xe tay ga", chị Đào nói.
Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh - Trưởng ban bảo trì quốc lộ 5 thuộc Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi, đơn vị quản lý quốc lộ 5), đoạn đường qua tỉnh Hải Dương lún do "nhiều xe trọng tải lớn chạy qua lại, ở đây lại có nút giao đèn tín hiệu nên các phương tiện phải liên tục phanh, tạo nên vết xô trên mặt đường".
"Ngoài ra, những đợt nắng nóng kéo dài làm cho nhựa đường bị chảy ra cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường xuống cấp", ông Huỳnh nói và cho biết Vidifi sẽ thảm lại đoạn đường xuống cấp trong cuối tháng 7.
Về vệt cào trên quốc lộ 5, ông Huỳnh thông tin đây là phương pháp để khắc phục tình trạng xuống cấp của đường (cào lớp "sống trâu" để đảm bảo mặt đường bằng phẳng). "Biện pháp này không ảnh hưởng đến người đi xe máy, thậm chí còn giúp việc đi lại an toàn hơn vì cào đường tạo ra mặt bám", ông Huỳnh nói và cho biết thêm với những đoạn cào mất vạch kẻ đường thì đơn vị sẽ sớm cho sơn mới.
Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho hay, công nghệ cào đường đang áp dụng ở quốc lộ 5 đã được nhiều nước áp dụng.
"Công nghệ này mới nên chưa có đánh giá chi tiết về tính an toàn, theo nhận định ban đầu thì phù hợp với thực trạng quốc lộ 5", ông Liên nói.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Quản lý, bảo trì đường bộ (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) thông tin thêm, "trước đây đơn vị thi công dùng máy có răng cưa lớn nên tạo ra vệt to dưới đường gây nguy hiểm, sau đó chúng tôi đã có ý kiến và đơn vị thi công chuyển sang máy răng cưa nhỏ hơn để đảm bảo an toàn cho người đi xe máy".
Theo ông Điệp, công nghệ cào mặt đường chỉ đem lại hiệu quả với những điểm trồi nhẹ. "Những đoạn nào mặt đường trồi lớn, mặt bê tông (dưới lớp nhựa đường) còn lại mỏng thì đơn vị thi công phải làm lại từ đầu", ông nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.