1 góc "quần thể" Khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Sunrise Bay) nằm trên đường ven biển Nguyễn Tất Thành- Đà Nẵng được xem là vị trí đắc địa nhất cả về kinh tế lẫn an ninh quốc phòng tại đầu cửa biển của thủ phủ miền Trung đã có quá nhiều sai phạm nghiêm trọng. |
Ở Đà Nẵng không ai là không biết đến "ông trùm" bất động sản Phan Văn Anh Vũ - Chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, cùng với đó là hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng của dự án này. Theo bản đăng ký người đại diện pháp luật thì ông Vũ sinh ngày 2/11/1975; chứng minh nhân dân số 201243660, ngày cấp 2/11/2014, nơi cấp: Công an TP Đà Nẵng. Địa chỉ thường trú tại 82 Trần Quốc Toản, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Khu đô thị chưa đánh giá tác động môi trường (ĐMT) vẫn ngang nhiên thi công?
Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước, địa chỉ phường Thanh Bình- phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH The Sunrise Bay (tên cũ: Công ty TNHH Daewon Cantavil). Công trình có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.465.808.000.000 đồng (bốn nghìn bốn trăm sáu mươi lăm tỷ, tám trăm lẻ tám triệu đồng); trong đó vốn điều lệ là 672.871.042.453 đồng, vốn huy động 3.792.937.000.000 đồng. The Sunrise Bay do ông Phan Văn Anh Vũ làm người đại diện pháp luật với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên được “chung lưng” từ 2 công ty là Công ty Novaland (Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn) và Công ty Bắc Nam 79 (Chủ tịch HĐQT Phan Văn Anh Vũ).
Mục tiêu của dự án là đầu tư và xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các tiện ích công cộng; các công trình cảnh quan, vườn hoa, các cụm nhà ở gồm nhà ở thương mại, nhà phố và các biệt thự. Kinh doanh nhà ở tại Khu đô thị, bao gồm việc bán và/hoặc cho thuê nhà cho các đối tượng được phép mua và/hoặc thuê theo quy định của pháp luật, kinh doanh cơ sở hạ tầng và các công trình xây dựng tại Khu đô thị.
Quy mô đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và các tiện ích công cộng, các công trình cảnh quan, cây xanh, vườn hoa, 6.715m đê biển; các cụm nhà ở, nhà ở thương mại, nhà phố và biệt thự. Con số cụ thể: nhà ở thương mại 243 căn, nhà phố 848 căn, biệt thự song lập 249 căn, biệt thự đơn lập 12 căn; xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Diện tích mặt bằng để xây dựng các cụm nhà ở gồm: nhà ở thương mại, nhà phố và các biệt thự của giai đoạn 1 là 600.000m2. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày 25/9/2007.
Khu đô thị Đa Phước (The Sunrise Bay Đà Nẵng) được "quảng cáo" tràn lan trên mạng xã hội, tự khoe mẽ rằng, hiện đại nhất, đẹp nhất, lấn biển quy mô đẳng cấp nhất Việt Nam mà không nơi nào sánh được nhưng lại "dính chàm" quá nhiều vi phạm... tày trời. |
Theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư số 32122000020 chứng nhận lần đầu cho dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Sunrise Bay Đà Nẵng) là ngày 25/9/2007. Chứng nhận thay đổi lần thứ tư ngày 1/12/2011. Như vậy là dự án của ông Phan Văn Anh Vũ đã trải qua 4 lần cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng mới chỉ lần đầu tiên vào năm 2007 là được đánh giá tác động môi trường; còn lại là qua 3 lần thay đổi giấy chứng nhận mà người đại diện đứng đầu dự án vẫn không hề mảy may đếm xỉa việc đánh giá tác động môi trường. Mấy năm trở lại đây, dự án đã được khởi động triển khai ồ ạt, nghĩa là cá nhân ông Phan Văn Anh Vũ và cả tập thể công trình Khu đô thị Đa Phước đang thi công bất chấp quy định của pháp luật, xem quy định bắt buộc mỗi dự án xây dựng phải có đánh giá tác động môi trường mới được triển khai của Nhà nước, của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên & Môi trường là... trò đùa?!
Tại cuộc họp báo quý 1 của UBND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 27/3 vừa qua, ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, đối với dự án này mới chỉ được đánh giá tác động môi trường lần đầu tiên vào năm 2007 nhưng quy mô xây dựng dự án trước đây là xây sân golf và nhà cao tầng. Nay đã được thay đổi làm nhà biệt thự, nhà phố. Về nguyên tắc khi thay đổi điều chỉnh qui hoạch thì phải đánh giá tác động môi trường lại vì khi thay đổi qui hoạch thì công năng hoạt động khác với ban đầu. Việc xây sân golf và nhà ở biệt thự, liền kề là hoàn toàn "đá" nhau trong nguyên tắc xây dựng thì càng phải đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong đánh giá tác động môi trường vì sân golf chỉ là sân chơi giải trí, còn công năng nhà ở thì càng phải tính đến sự an toàn cho người dân khi sinh sống trước đầu cửa biển- nơi đầu sóng ngọn gió. Ấy thế mà, sau nhiều lần nhà đầu tư xin thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, thì "ông chủ" dự án đã "lờ" đi trách nhiệm quan trọng đó?
Dân tình đều phản đối gay gắt The Sunrise Bay được mệnh danh là Khu đô thị Vầng Trăng Khuyết Đà Nẵng. Nhưng bất chấp báo cáo tác động môi trường chưa được phê duyệt, chủ đầu tư vẫn tiến hành thi công các hạng mục đường và cống…
Theo tìm hiểu của PV Tạp chí GTVT, mới đây nhất (năm 2016), UBND Đà Nẵng đã điều chỉnh phê duyệt quy hoạch của dự án thì Phó chủ tịch TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký quyết định đầu tư, thẳng thắn giao trách nhiệm rõ ràng cho nhà đầu tư- mà người đại diện trước pháp luật là ông Phan Văn Anh Vũ phải thực hiện các thủ tục về quy hoạch, xây dựng, đất đai; đầu tư theo đúng quy định tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức triển khai dự án.
"Ông trùm" bất động sản đã "làm mưa làm gió", khuynh đảo hết thị trường Đà Nẵng suốt trong nhiều năm qua, tên là Phan Văn Anh Vũ (hay còn có tên gọi lẫy lừng là Vũ nhôm)- Chủ tịch Hội đồng thành viên The Sunrise Bay- Khu đô thị quốc tế Đa Phước với nhiều sai phạm nối tiếp sai phạm |
Quyết định của UBND TP Đà Nẵng đã nêu rõ: Phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về đánh giá tác động môi trường của dự án.
Dự án thực hiện đúng các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014; các loại nước thải, rác thải, khí thải, thuốc bảo vệ thực vật... phải có giải pháp xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; phải áp dụng các biện pháp và phương án cụ thể đáp ứng các yêu cầu về phòng chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa điểm thực hiện dự án theo quy định pháp luật hiện hành.
Trước các điều kiện mà UBND TP Đà Nẵng giao cho nhà đầu tư buộc phải thực hiện trước khi thi công dự án, thì thử hỏi The Sunrise Bay có nghiêm túc thực thi? Hay là cứ làm bừa làm ẩu, xây dựng phá vỡ mọi giới hạn, không có đánh giá tác động môi trường cũng cứ rầm rộ thi công cho nhanh để mục đích mau "hốt bạc" bán nhà phố liền kề, bán biệt thự, thu lợi về hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng?
Dù bị đình chỉ nhưng Khu đô thị Đa Phước (The Sunrise Bay Đà Nẵng) vẫn ngang nhiên chào bán công khai rần rật trên các trang mạng xã hội và thực hiện giao dịch mua bán hàng ngày. Vậy, liệu khách hàng có "bị lừa" hay không? |
Sai phạm tiếp nối sai phạm nghiêm trọng: Dự án bị đình chỉ vẫn thực hiện giao dịch mua bán
Trong vai khách hàng đi mua nhà để ở, ngày 7/4/2017, người viết bài đã rất dễ dàng liên lạc với phòng kinh doanh của The Sunrise Bay để trao đổi mua bán công khai. Phía "đối tác" đã chào mời, chăm sóc khách hàng rất nhiệt tình để mục đích là bán được nhà. Trong khi đó, ngày 31/3/2017, trước vi phạm nghiêm trọng của dự án, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đã gửi thông cáo báo chí về việc đình chỉ dự án Khu đô thị Đa Phước với lý do chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường, chưa thẩm định phòng cháy chữa cháy. Đó là chưa kể đến, Sở xây dựng phát hiện ra vật liệu để san lấp mặt bằng và thi công bờ kè lấn biển của dự án không rõ nguồn gốc, yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình.
Theo nhận định của các chuyên gia, địa điểm xây dựng dự án Khu đô thị Đa Phước là đặc biệt nhạy cảm về quy hoạch, thiết kế, kiến trúc và đầu tư xây dựng; vì có 1 phần diện tích lấn biển, và có địa thế thuận lợi nhìn ra vịnh Đà Nẵng và đối diện với bán đảo Sơn Trà. Nơi đây được ví như “nóc nhà Đà Nẵng” bởi có thể quan sát hết cảnh quan đô thị từ các điểm cách xa TP như đèo Hải Vân, đỉnh Sơn Trà (những căn cứ vô cùng quan trọng về an ninh quốc phòng bởi đứng tại Đa Phước là có thể nhận biết tất cả các tuyến hàng không đi qua vùng trời, các luồng hàng hải đi qua vùng biển. Thậm chí, một số nhà quy hoạch đô thị từ Thượng Hải (Trung Quốc) cũng phải thốt lên rằng “Đây là viên ngọc quý nơi đầu biển cuối sông của Đà Nẵng”.
Khi dự án chưa hoàn thành đầy đủ các thủ tục xây dựng nhưng đã rao bán rần rần trên mạng xã hội, phải chăng “ông chủ” của nhà đầu tư nghĩ “một tay có thể che cả bầu trời”?. Sàn giao dịch bất động sản của dự án tiến hành rao bán công khai suốt một thời gian dài qua nhiều kênh thông tin, tràn lan trên các kênh quảng cáo. Tuy nhiên, theo công bố của Sở Xây dựng Đà Nẵng mới đây về 18 dự án được mua bán đất nền trên địa bàn TP Đà Nẵng thì không có dự án The Sunrise bay. Việc làm này chẳng khác nào nhà đầu tư đang lừa tiền khách hàng, liệu những trường hợp đã trót thanh toán tiền thì họ có được hoàn trả hay không hay phải trắng tay khi dự án đã bị đình chỉ thi công?
Trước đó, dự án Khu đô thị Đa Phước (The Sunrise Bay) cũng đã “dính phốt” kết luận sai phạm của Thanh tra Chính phủ vào năm 2013. Cụ thể khu đất 29 ha thuộc dự án sân golf Đa Phước (nằm trong Khu đô thị Vầng Trăng Khuyết) giao cho Công ty Cổ phần 79 thấp hơn giá TP quy định làm lợi cho “ông trùm” dự án Phan Văn Anh Vũ nghe nói là đến trên 570 tỉ đồng?!.
Doanh nghiệp thì được lợi, chỉ có người dân là phải gánh chịu hậu quả. Thử hỏi những doanh nghiệp làm giàu, làm ẩu, xem thường đời sống người dân thì liệu có đáng tồn tại hay không? Đối với một dự án mà có quá nhiều sai phạm nguy hiểm như thế này, thiết nghĩ không chỉ đơn thuần đình chỉ thi công mà phải mạnh tay xử lý.
Theo ông Trần Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng, đối với các dự án hiện ở Đà Nẵng, TP tạo điều kiện để chủ đầu tư có thể tiến hành làm ba thủ tục song song là giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường và phòng cháy chữa cháy, nhưng yêu cầu bắt buộc là khi khởi công dự án thì phải có đầy đủ ba thủ tục trên. Hiện nay chủ đầu tư có giấy phép xây dựng hạ tầng nhưng chưa hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sau khi lập biên bản đình chỉ, Thanh tra Sở giao cho UBND quận Hải Châu và UBND phường Thanh Bình giám sát.
Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đình chỉ thì cứ đình chỉ còn The Sunrise Bay dưới sự điều hành của ông Phan Văn Anh Vũ vẫn cố tình phớt lờ đi, không chút lo ngại gì cả, vẫn chào hàng mở bán đầy rẫy trên mạng xã hội. Còn nhớ cũng tại cuộc họp báo ngày 27/3, khi được hỏi vì sao dự án này, chưa hoàn thành các thủ tục theo qui định mà đã công khai mở bán, ông Vũ Quang Hùng- Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, liên quan đến thông tin chủ đầu tư dự án này đang rao bán nhà đất trên mạng, hiện Sở đã báo cáo UBND TP và các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra.
Nhưng không hiểu vì sao, có "ô dù" nào to bự đã "chống lưng", có "thế lực" nào "mạnh bạo" đến mức lấn át hơn cả UBND TP Đà Nẵng mà The Sunrise Bay của "ông trùm" Phan Văn Anh Vũ cứ mở bán rầm rộ, chào bán công khai chứ không phải chỉ là "nhỏ giọt"; trong khi dự án đang bị đình chỉ? Như thế chẳng khác nào là chống lại quyết định từ phía chính quyền TP Đà Nẵng? Câu hỏi này đang khiến dư luận cả nước nói chung và nhân dân Đà Nẵng nói riêng rất bức xúc, đau đáu mà chưa có "lời giải". Phải chăng "đáp án" là một "ẩn số"? Câu chuyện có lẽ không chỉ dừng lại ở một địa phương. Tất cả những người con sông Hàn chịu thương chịu khó, cày sâu cuốc bẫm rất mong Trung ương hãy "cứu" lấy mảnh đất nơi đầu biển cuối sông này.
Tạp chí GTVT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.
Vì sao phải bắt buộc đánh giá tác động môi trường tại các dự án xây dựng- nhất là dự án xây dựng khu đô thị? Luật Bảo vệ Môi trường của nước ta đã quy định rõ: Luật Bảo vệ Môi trường của nước ta được Quốc hội thông qua ngày 27/12/1993 và ban hành để thực hiện từ ngày 10/1/1994 trong đó quy định tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động và các dự án phát triển công nông nghiệp, thủy lợi, dịch vụ, an ninh, quốc phòng đều phải thực hiện việc xây dựng và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định của Nhà nước. Cụ thể hơn, Điều 18 của Luật Bảo vệ Môi trường quy định các dự án phát triển KTXH như Khu đô thị quốc tế Đa Phước- Đà Nẵng thì đều phải lập báo cáo ĐTM theo đúng quy định của Nhà nước để cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định. Kết quả thẩm định sẽ cho phép dự án có được thực hiện hay không. Trong phần này bao gồm tất cả các dự án đầu tư trong và ngoài nước đều thực hiện ĐTM mới được cấp phép hoạt động. Để thực hiện ĐTM theo đúng quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Chính Phủ đã ban hành một số văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện, trong đó có Nghị định 175/CP ban hành ngày 18/10/1994 quy định cụ thể về: (Trong điều 9) các đối tượng phải thực hiện ĐTM bao gồm các dự án quy hoạch (như quy hoạch tổng thể phát triển, quy hoạch phát triển ngành, tỉnh, thành phố, các quy hoạch đô thị dân cư…), các dự án kinh tế, khoa học, y tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, các dự án đầu tư nước ngoài… ĐTM của một dự án nhằm đảm bảo cho dự án đó nếu được thực hiện sẽ làm giảm một cách tối đa các tác động xấu của dự án đó đến môi trường, giúp môi trường bền vững. hay nói 1 cách khác là ĐTM nhằm xác định và đánh giá những ảnh hưởng tiềm năng của dự án đến môi trường tự nhiên, xã hội và sức khỏe con người. Nhất là dự án Khu đô thị Đa Phước với công năng là bán nhà ở cho người dân thì càng cần phải đòi hỏi cuộc sống của khách hàng khi mua nhà đến ở nơi đây là quan trọng nhất. Nên việc The Sunrise Bay "bỏ qua" ĐMT là không những vi phạm luật mà còn quá xem nhẹ tính mạng của khách hàng khi đến mua nhà phố, nhà biệt thự của dự án này để ở trước cửa biển. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.