Ngày 20/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã kiểm tra hiện trường thi công toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng cũng đã làm việc với lãnh đạo các nhà thầu đang thi công để xử lý các khó khăn vướng mắc mà dự án đang gặp phải.
Theo Ban QLDA 7, hiện nay tiến độ chung của dự án vẫn đang chậm so với kế hoạch. Trong đó: Giai đoạn từ 01/5/2022 đến 31/5/2022: Kế hoạch sản lượng cả dự án là 400 tỷ đồng, hầu hết sản lượng các nhà thầu chậm so với yêu cầu (chỉ đạt 245/400 tỷ đồng kế hoạch, chậm 38,7%, tương đương 155 tỷ đồng).
Giai đoạn từ 01/6/2022 đến 30/6/2022: Sản lượng thi công chỉ đạt 235,55/624,25 tỷ đồng, bằng 37,7% kế hoạch, chậm 62,3%, tương đương 388,7 tỷ đồng. Khối lượng thi công chính đều không đạt theo cam kết của các đơn vị.
Giai đoạn từ 01/7/2022 đến 30/7/2022: Kế hoạch sản lượng 491 tỷ đồng. Tính đến ngày 18/7/2022 sản lượng thực hiện đạt 127,32 tỷ/294,6 tỷ, đạt 43,2% yêu cầu. Các tháng còn lại trung bình mỗi tháng phải đạt 10% sản lượng cả dự án, tương đương 600 tỷ đồng.
Trong thời gian vừa qua, Ban QLDA7 đã có những hành động để tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại và đẩy nhanh tiến độ thi công như: thay thế lãnh đạo Ban phụ trách, thay thế giám đốc dự án và bổ sung thêm nhân sự trực tiếp quản lý dự án và bố trí cán bộ các phòng chức năng tăng cường thường trực ở công trường để giải quyết các vướng mắc, phát sinh kịp thời.
Tích cực tháo gỡ đẩy nhanh công tác giải ngân vốn để nhà thầu có dòng tiền tái sản xuất. Điều chỉnh phụ lục hợp đồng, tách phần sản xuất và lắp đặt để thanh toán trước phần sản xuất đối với các cấu kiện bán thành phẩm (dầm, dải phân cách giữa.....). Thanh toán vật tư tập kết tại công trường để nhà thầu chủ động tập kết, tránh tình trạng khan hiếm vật liệu khi các gói thầu thi công đồng loạt.
Ngày 15/7/2022, Ban QLDA7 đã tổ chức mời các lãnh đạo của nhà thầu họp kiểm điểm tiến độ và cam kết kế hoạch thực hiện từ nay đến hết năm 2022. Các nhà thầu đã rà soát, cam kết sẽ tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân sự, tài chính để đảm bảo cơ bản hoàn thành gói thầu theo thời gian quy định của Hợp đồng.
Mặc dù vẫn cam kết phấn đấu hoàn thành, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp, báo giá, thời tiết, …nên Tổng công ty Thăng Long – CTCP, Công ty cổ phần tập đoàn Đạt Phương sẽ có văn bản báo cáo các khó khăn vướng mắc và kiến nghị xin gia hạn thời gian hoàn thành phân đoạn được giao thuộc Gói thầu XL01 từ 30/9/2022 thành 31/12/2022.
Đối với nhà thầu thi công, để chấn chỉnh và xử lý nhà thầu yếu kém chậm tiến độ, Ban QLDA7 đã điều chuyển 16,5km thi công của 03 nhà thầu chính, phụ và 04 tổ đội thi công yếu kém. Đồng thời cuối tháng 5/2022, Ban QLDA7 đã chủ trì xử lý cắt toàn bộ khối lượng thi công do Công ty Viễn Đông giao cho Công ty TNHH Thương Mại và Sản Suất Quản Trung thực hiện. Đến nay đơn vị được chỉ định đang triển khai thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Tiếp tục theo dõi các nhà thầu Tổng công ty Thăng Long (XL01), Liên danh gói thầu XL02, Cienco 8 (XL03) nếu không tích cực triển khai thi công, Ban QLDA 7 sẽ tiếp tục xử lý, cắt chuyển khối lượng chậm trễ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Cục phó Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nêu rõ: Toàn bộ tiến độ cam kết của nhà thầu từ 17/3 - 30/6 đều bị phá vỡ. Hiện việc thi công của các nhà thầu đang chia làm 2 nhóm: Nhóm 1 là những nhà thầu đang cố gắng hoàn thành dự án một cách tốt nhất và nhóm 2 là những nhà thầu không có khả năng khắc phục.
Cụ thể, các nhà thầu Cường Thịnh Thi, Nhạc Sơn, Đạt Phương, Cienco 8, New Sun.... "Riêng nhóm 2, chúng ta cần phải có biện pháp xử lý bởi nếu các nhà thầu thi công tập trung và có quyết tâm như các đơn vị khác thì sẽ có khối lượng công việc hiện rõ", ông Minh nói.
Bên cạnh đó, việc sản lượng thi công nhiều nhưng không thể thanh toán là một mối nguy. Nếu không sớm tháo gỡ thì khó kéo lại được tiến độ chung cho dự án. Vì vậy, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đề nghị Ban QLDA 7 quyết liệt chỉ đạo đến 30/7 ít nhất phải xử lý hơn 50% dòng tiền để nhà thầu có thể xử lý các khó khăn vướng mắc.
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: Qua kiểm tra công trường hiện nay chỉ có gói 1 và gói 4 của dự án là có tiến triển. Các gói thầu còn lại đều chưa có chuyển biến nhiều từ huy động nhân công đến vật liệu và tài chính. Trong khi đó, thời gian còn lại của dự án là rất ít. Các tồn tại của nhiều nhà thầu có liên quan đến thủ tục đều chưa được thực hiện, chưa bám sát được thực tế tại công trường dẫn đến công tác thanh toán giải ngân bị kéo dài và sẽ phát sinh các vấn đề về sau.
Bên cạnh đó, ý thức thực hiện dự án của các nhà thầu còn thấp, do đó đề nghị lãnh đạo nhà thầu phải trực tiếp ở hiện trường chỉ đạo thi công, bổ sung nhân sự chuyên môn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu để thanh toán các khối lượng công việc đã thi công, đảm bảo dòng tiền cho dự án.
"Các nhà thầu tăng cường huy động thiết bị, nhân sự, tổ chức thi công cuốn chiếu, thi công tăng ca tăng kíp để bù tiến độ, phấn đấu đưa dự án về đích theo hợp đồng đã ký như ban đầu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.