Xà lan chở quá tải là nguyên nhân gây TNGT |
Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam, tính đến ngày 15/9, trên phạm vi cả nước xảy ra 91 vụ TNGT đường thủy, làm chết 38 người, bị thương 7 người, chìm đắm 82 phương tiện, ước tính thiệt hại khoảng trên 18 tỷ đồng. So với 9 tháng đầu năm 2014 tăng 9 vụ (10,97%), giảm 18 người chết (-32,14%), số người bị thương không tăng, không giảm; các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng đã giảm đáng kể.
Đánh giá về nguyên nhân dẫn tới tai nạn, ông Phạm Ngọc Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc nhận định, những hành vi điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt, phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người tham gia giao thông chủ quan, chưa có ý thức tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông ĐTNĐ là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gia tăng tai nạn đường thủy thời gian gần đây.
Qua phân tích nguyên nhân TNGT đường thủy của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho thấy, những lỗi chủ yếu dẫn tới tai nạn chiếm tỷ lệ cao gồm lỗi không tuân thủ quy tắc giao thông chiếm 37,36% tổng số vụ (34 vụ), làm chết 17 người (44,74%); say rượu điều khiển phương tiện chiếm 4,4% (4 vụ), làm chết 8 người (21,1%); lỗi chằng buộc hàng hóa kém, hàng hóa bị xê dịch khi tàu làm hàng, hành trình chiếm 8,8% (8 vụ), làm chết 3 người (7,9%); vi phạm chở quá tải trọng cho phép chiếm 5,5% (5 vụ), làm chết 2 người (5,26%)… Bên cạnh đó, lý do thời tiết xấu, dông lốc bất ngờ dẫn đến tai nạn chiếm 6,59% (6 vụ), làm chết 3 người (7,9%).
Trong đó, 73,4% số vụ TNGT đường thủy xảy ra đối với phương tiện vận tải hàng hóa (69 vụ), làm chết 16 người (44,44%); phương tiện gia dụng xảy ra chiếm 19,15% (18 vụ), làm chết 20 người (55,56%); phương tiện vận tải hành khách xảy ra 7 vụ tai nạn, không có người thiệt mạng.
Qua số liệu thống kê tai nạn từ các địa phương, trong 9 tháng đầu năm, số vụ TNGT đường thủy gia tăng nhiều nhất tại Đồng Tháp với 13 vụ, làm chết 4 người, so với cùng kỳ 2014, tăng 8 vụ (160%), giảm 1 người chết (-20%). Tiếp đó, Long An xảy ra 8 vụ tai nạn (tăng 300%), làm chết 4 người (tăng 100%).
Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của các cơ quan liên ngành, tình hình TNGT đường thủy đã được kiềm chế và góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội.
Những hạn chế làm gia tăng tai nạn được ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam khẳng định, việc vi phạm hành lang ATGT đường thủy diễn ra phổ biến, tồn tại nhiều bến tập kết vật liệu xây dựng không theo quy hoạch, các bến thủy nội địa hoạt động không phép chiếm tỷ lệ cao, phương tiện thủy quá tải vẫn còn lưu thông trên các tuyến ĐTNĐ.
Theo Đại tá Dương Ngọc Tiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, nguy cơ TNGT xuất phát từ những biến đổi bất thường của thời tiết, những thói quen, tập quán lạc hậu, đặc biệt là ý thức chủ quan không chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đường thủy. Trong khi đó, sự thiếu quan tâm, đầu tư trong công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng gia tăng TNGT đường thủy.
Trên thực tế, hoạt động giao thông ĐTNĐ vẫn còn nhiều bất cập như việc quản lý, điều hành hoạt động của bến khách ngang sông và chính quyền ở một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, vẫn còn tồn tại tình trạng phương tiện chở khách ngang sông (đò ngang) chở quá số người quy định, chất lượng phương tiện giao thông đường thủy không được đảm bảo. Các bến khách ngang sông, bến khách theo tuyến cố định còn thiếu thiết bị an toàn khiến người đi đò chưa sử dụng các dụng cụ cứu sinh, trong khi quy định về trang thiết bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách đã được Bộ GTVT ban hành từ năm 2012.
Điển hình như vụ lật thuyền vỏ gỗ chở 17 người trên kênh Tri Tôn tỉnh Hậu Giang thời gian vừa qua làm chết 4 người. Theo xác minh của cơ quan chức năng, phương tiện vỏ gỗ, kiểu chẹt, sử dụng gia đình và không đăng ký; người điều khiển phương tiện tự lái, không bằng cấp. Khi phương tiện chẹt gỗ đưa khách ngang kênh Tri Tôn đến giữa kênh thì chết máy, mọi người không giữ được bình tĩnh, đi lại lộn xộn dẫn tới chẹt bị lật.
Bên cạnh những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường thủy, công tác đào tạo thuyền viên, đăng kiểm, đăng ký đối với phương tiện có trọng tải và công suất máy nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn do đặc thù người dân hoạt động trên các tuyến ĐTNĐ theo truyền thống cha truyền con nối, phương tiện đóng theo kiểu dân gian nên không có hồ sơ thiết kế dẫn đến việc không thể thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký để đưa vào quản lý, đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện.
Đồng thời, kinh phí hoạt động hạn hẹp cũng là yếu tố khiến công tác phối hợp liên ngành trong tuần tra, kiểm soát không được tổ chức thường xuyên dẫn tới việc các phương tiện hoạt động “ngoài tầm kiểm soát”.
Nâng cao trách nhiệm, đẩy lùi tai nạn
Nhận định về đối tượng cần tăng cường xử lý vi phạm để đảm bảo ATGT, ông Lê Quang Phượng - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ cho rằng, nhiều bến thủy hoạt động trái phép hiện nay là đối tượng chính thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật với cách thức đa dạng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao, đặc biệt là việc chở quá tải trọng cho phép.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Thọ - Phó giám đốc Sở GTVT TP. Hải Phòng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã xử phạt 9 trường hợp quá tải, 2 bến thủy hoạt động trái phép và 3 phương tiện thiếu tiêu chuẩn hoạt động. Cùng với đó, sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng liên ngành đã có dấu hiệu tích cực khi kiềm chế hiệu quả TNGT. Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP. Hải Phòng chỉ xảy ra 01 vụ TNGT đường thủy, không gây thương vong.
Từ đó có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường xử lý triệt để những bến thủy trái phép, các phương tiện chở quá mớn nước, quá tải là điều cần thiết - ông Thọ nhấn mạnh.
Liên quan đến công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiềm chế TNGT, tháng 9 vừa qua, Cục ĐTNĐ Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức ra quân tháng cao điểm về ATGT ĐTNĐ. Cũng nằm trong kế hoạch công tác trọng điểm những tháng cuối năm, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, phối hợp liên ngành xử lý vi phạm đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải du lịch, lưu trú ngủ đêm tại các khu vực trọng điểm…
Đồng thời, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh vận tải tại các cảng, bến thủy nội địa, đặc biệt tại các bến thủy hoặc các bến khai thác vật liệu xây dựng hoạt động không phép.
Ngoài việc tăng cường xử lý vi phạm, công tác đảm bảo TTATGT đường thủy trong những năm gần đây đã thu được nhiều kết quả tích cực, điển hình là Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được triển khai từ năm 2011.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến ý thức tự giác chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm TTATGT. Cuộc vận động đã triển khai 1.618 mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” và thực sự đã góp phần quan trọng làm giảm TNGT.
“5 năm qua, TNGT đường thủy xảy ra 516 vụ, làm chết 409 người, bị thương 65 người; so với 5 năm trước khi thực hiện Cuộc vận động đã giảm 52,5% số vụ, giảm 55,3% số người chết, giảm 50,3% số người bị thương” - ông Hùng nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.