Theo nghị định mới, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quy định, chạy xe máy trên đường cao tốc… đều là các hành vi bị tăng mức hình phạt nặng so với quy định hiện nay. |
Sau khi được Bộ GTVT trình, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định 46 về xử phạt vi phạm giao thông để thay thế Nghị định 171 hiện nay. Cùng với bổ sung xử phạt nhiều hành vi mới, Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới sẽ tăng mức xử phạt nặng đối với nhiều lỗi vi phạm.
Theo nghị định mới, chạy quá tốc độ, điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quy định, chạy xe máy trên đường cao tốc… đều là các hành vi bị tăng mức hình phạt nặng so với quy định hiện nay.
Tăng gấp đôi mức phạt
Cụ thể, từ 1/8 với hành vi điều khiển xe máy lạng lách hoặc đánh võng; chạy xe thành nhóm và quá tốc độ quy định, chủ phương tiện sẽ bị phạt từ 10 - 14 triệu đồng. Người điều khiển xe máy có nồng độ cồn trong người vượt mức cho phép sẽ bị phạt lỗi thấp nhất từ 3 - 4 triệu đồng. Với người điều khiển ô tô, vi phạm lỗi này bị phạt mức cao nhất 16 -18 triệu đồng (mức phạt này theo Nghị định 171 hiện nay là 10 - 15 triệu đồng).
Lỗi điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị áp dụng mức phạt trên. Với lỗi điều khiển ô tô trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (mức phạt này tại Nghị định 171 là từ 8-10 triệu đồng, tăng gần gấp đôi).
Với lỗi, người đang điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (mức phạt tại Nghị định 171 là 60.000 - 80.000 đồng). Trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách bị phạt từ 100.000-200.000 đồng.
Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm về vận tải đường bộ các mức chở vượt từ 20-50%, 50-100%, 100-150% tải trọng cho phép sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng. Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng với tổ chức.
“Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3- 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước”, Nghị định 46 nêu.
Tăng mức chung chi?
Với mục tiêu nhằm răn đe và tạo ý thức cho người tham gia giao thông chấp hành Luật Giao thông đường bộ, góp phần làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều nghị định về tăng mức xử phạt giao thông, trong đó có Nghị định 34/2010 tăng gấp đôi mức xử phạt so với quy định.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc tăng mức xử phạt giao thông chưa có nhiều chuyển biến, hơn nữa vì mức phạt cao nên “để tiện đôi đường” người vi phạm thường có tâm lý thỏa thuận hoặc “cưa đôi” mức phạt với lực lượng chức năng để tránh bị lập biên bản.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, năm 2010 Hà Nội và TPHCM là hai thành phố được hưởng cơ chế “đặc thù” khi được tăng mức xử phạt vi phạm giao thông lên gấp đôi. Vậy nhưng, số liệu các vụ tai nạn với tỷ lệ người chết, bị thương của cả hai thành phố trong năm 2010 vẫn không có nhiều chuyển biến so với năm trước đó.
Thậm chí, số vụ tai nạn chung của cả nước trong năm 2010 còn tăng thêm 1.778 vụ so với năm 2009. Trong khi hiệu quả từ việc tăng mức xử phạt lên gấp đôi có tác dụng gì cho giao thông Hà Nội, TPHCM và cả nước nói chung chưa được tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc thì năm 2014 Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ ký ban hành Nghị định 171.
Thay vì hai thành phố Hà Nội và TPHCM, Nghị định 171 đã điều chỉnh tăng mức xử phạt vi phạm giao thông trên cả nước. Tiếp đến, Bộ GTVT tiếp tục trình Nghị định 46 để Thủ tướng Chính phủ ký thực hiện từ 1/8 tới.
Một chiếc xe máy có trị giá thấp nhất từ 10 đến 15 triệu đồng, nhưng nếu vi phạm lỗi nặng nhất được quy định tại Nghị định 46, chủ xe sẽ bị phạt 14 triệu đồng. Với mức phạt này, người dân sẽ nghiêng về phía chạy chọt, thoả thuận hơn là để lập biên bản rồi đi nộp phạt. “Do vậy cơ quan chức năng cần gạt bỏ ngay tư tưởng cho rằng, phạt nặng sẽ nâng cao được tính răn đe. Thực tế trên cho thấy, mức phạt càng cao thì nguy cơ tiêu cực trong lực lượng làm nhiệm vụ trên đường càng lớn”, ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, mọi loại phí, giá hiện nay được Nhà nước xây dựng, điều tiết dựa trên mức sống của người dân, nhưng với mức xử phạt vi phạm giao thông lại đang đi ngược lại việc này. Một chiếc xe máy có trị giá thấp nhất từ 10 đến 15 triệu đồng, nhưng nếu vi phạm lỗi nặng nhất được quy định tại Nghị định 46, chủ xe sẽ bị phạt 14 triệu đồng. Với mức phạt này, người dân sẽ nghiêng về phía chạy chọt, thỏa thuận hơn là để lập biên bản rồi đi nộp phạt. “Thực tế trên cho thấy, mức phạt càng cao thì nguy cơ tiêu cực trong lực lượng làm nhiệm vụ trên đường càng lớn”, ông Hùng nói.
Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, để răn đe và người dân có ý thức chấp hành luật lệ, cùng với các giải pháp tuyên truyền, cơ quan chức năng cần chấn chỉnh lực lượng thi hành nhiệm vụ trên đường. “CSGT, thanh tra giao thông cần loại bỏ tâm lý xin – cho, thỏa thuận khi làm nhiệm vụ...”, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị.
Chuyển thành hình sự một số lỗi
Lý giải về Nghị định 46 liên quan nhiều người dân, nhưng đến khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành người dân mới biết, ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, đơn vị soạn dự thảo Nghị định 46 cho rằng, xuất phát từ việc có nhiều lỗi vi phạm giao thông cần phải tăng cao mức phạt để răn đe, ngăn ngừa nên Bộ GTVT thực hiện dự thảo theo hình thức “rút gọn”. Tuy nhiên, dự thảo cũng đã lấy ý kiến nhiều hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp và chính quyền địa phương.
Về ý kiến, để tạo ý thức chấp hành luật lệ nhưng chỉ tăng mức xử phạt cao là không phù hợp với thực tế các nước cũng như mức sống của người dân, ông Thạch cho rằng, cùng với nâng mức phạt, ban soạn thảo cũng rất muốn đưa vào nghị định những hình thức lao động công ích hay cải tạo như các nước đang áp dụng, nhưng Luật Giao thông đường bộ cũng như Hiến pháp không có quy định việc này nên ban soạn thảo không thể áp dụng.
“Để thực hiện như các nước, cần phải sửa luật cũng như các quy định về xử phạt giao thông. Có như vậy mới có cơ sở thực hiện các chế tài hình sự kèm theo”, ông Thạch nói.
Tuy nhiên, ông Thạch cũng cho rằng, khi thực hiện Nghị định 46, liên Bộ GTVT và Công an đã thống nhất, một số lỗi như tổ chức đua xe, xe chở quá 150% tải trọng cho phép, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ vụ việc sẽ tiếp tục được chuyển cho công an xử lý.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.