Tăng quy mô cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc lên 4 làn xe

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 11/10/2022 15:40

Bộ GTVT đồng thuận việc điều chỉnh quy mô nền đường rộng 17m để thống nhất về quy mô mặt cắt ngang các dự án thành phần, bảo đảm khả năng khai thác, nâng cao năng lực thông hành trên tuyến Dầu Giây - Liên Khương.

Tăng quy mô cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc lên 4 làn xe - Ảnh 1.

Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nằm trong tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc tham gia ý kiến đối với các nội dung điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Điều chỉnh bề rộng nền đường từ 13,5m lên 17m

Văn bản do Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ký cho biết, Bộ GTVT đã tham gia ý kiến cụ thể về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Hội đồng thẩm định đầy đủ và có báo cáo kết quả thẩm định gửi UBND tỉnh Lâm Đồng để hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Bộ GTVT, UBND tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất điều chỉnh một số nội dung đã được Hội đồng thẩm định. Do đó, Bộ GTVT chỉ xem xét, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất thay đổi.

Cụ thể, về sự thống nhất, đồng bộ giữa các dự án thành phần trên tuyến Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương, Bộ GTVT cho biết, ngày 6/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1045 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP. Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, thống nhất các nội dung liên quan, gồm: Tên dự án, điểm đầu (khớp nối với tuyến Dầu Giây - Tân Phú), điểm cuối (khớp nối với tuyến Bảo Lộc - Liên Khương) để đảm bảo đồng bộ giữa các dự án thành phần trên tuyến Dầu Giây - Liên Khương. 

Về quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ, Bộ GTVT cho biết, quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ 2 làn xe (nền đường rộng 13,5m) thành 4 làn xe (nền đường rộng 17m), đoạn dừng xe khẩn cấp bố trí không liên tục với khoảng cách 4 - 5 km/vị trí.

Tại Công văn 2479 ngày 26/3/2021, Bộ GTVT đã có ý kiến về việc nghiên cứu đầu tư dự án với quy mô bề rộng nền đường 17m trong giai đoạn phân kỳ. Do vậy, Bộ GTVT đồng thuận việc điều chỉnh quy mô nền đường rộng 17m để thống nhất về quy mô mặt cắt ngang các dự án thành phần, bảo đảm khả năng khai thác, nâng cao năng lực thông hành trên tuyến Dầu Giây - Liên Khương.

Để làm rõ phương án thiết kế phân kỳ phù hợp, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung bản vẽ mặt cắt ngang điển hình ở đoạn đường có bố trí đoạn dừng xe khẩn cấp và mặt bằng phương án bố trí cách quãng so le các đoạn dừng xe khẩn cấp trong hồ sơ dự án.

Theo hồ sơ dự án về giải pháp thiết kế công trình cầu vượt dòng chảy và cầu vượt địa hình, các cầu có kết cấu sơ đồ nhịp dầm liên tục trong giai đoạn phân kỳ và giai đoạn hoàn chỉnh đều có chiều rộng là 17,5m. Đối với các công trình cầu có kết cấu sơ đồ nhịp giản đơn PC-I, chiều rộng giai đoạn phân kỳ là 17,5m, giai đoạn hoàn chỉnh là 22m.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo bổ sung thuyết minh làm rõ để bảo đảm tính thống nhất về quy mô đầu tư và chỉ đạo đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm rà soát, đảm bảo các giải pháp thiết kế phân kỳ để thuận lợi cho việc xây dựng trong giai đoạn hoàn chỉnh và tận dụng được các phần công trình đã được phân kỳ đầu tư.

Đồng thời, đảm bảo các yếu tố tuyến trong giai đoạn phân kỳ phải được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn đường cao tốc trong tương lai, kể cả tại các chỗ giao nhau và các chỗ ra, vào đường cao tốc. 

Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện về địa hình, địa chất

Về sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ, theo dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ gửi kèm Công văn 6789 ngày 22/9/2022 của Bộ KH&ĐT, do điều chỉnh quy mô nền đường từ 13,5m thành 17m, UBND tỉnh Lâm Đồng cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 17.200 tỷ đồng.

Hồ sơ dự án đã nêu nguyên tắc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án và khái toán sơ bộ tổng mức đầu tư theo các hạng mục chi phí. Sơ bộ tổng mức đầu tư cơ bản đủ các khoản mục chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 10 ngày 9/2/2021 của Chính phủ.

Theo hồ sơ dự án, chi phí xây dựng phần đường được xác định trên cơ sở tham khảo suất xây dựng phần đường dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; chi phí xây dựng phần cầu được xác định trên cơ sở tham khảo Quyết định 610 ngày 13/7/2022 của Bộ Xây dựng có điều chỉnh hệ số chiết giảm biện pháp thi công; chi phí xây dựng trạm thu phí, hạ tầng ITS và chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở tham khảo dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định 10 ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình quy định: "Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện, có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án".

Theo Bộ GTVT, căn cứ quy định trên, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là có cơ sở. Tuy nhiên, do dự án đi qua khu vực đồi núi, địa hình khó khăn, thay đổi liên tục, trên tuyến phải thiết kế nhiều công trình cầu vượt địa hình (tổng chiều dài cầu là 11,7/66km chiều dài toàn tuyến) nên chi phí xây dựng phần cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí xây dựng của dự án.

Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện về địa hình, địa chất, giải pháp thiết kế các hạng mục công trình của dự án để có cơ sở tính toán khối lượng, xác định đơn giá, lập tổng mức đầu tư đảm bảo tính kinh tế - kỹ thuật và hiệu quả. "Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu", Bộ GTVT nêu rõ. 

Về tiến độ thực hiện thực hiện, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo bổ sung thuyết minh làm rõ tiến độ thực hiện nội dung công việc: Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán; Giải phóng mặt bằng, tái định cư; Lựa chọn nhà đầu tư; Thi công xây dựng công trình để có cơ sở đánh giá sự phù hợp về tiến độ thực hiện dự án.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được Công văn 6789 ngày 22/9/2022 của Bộ KH&ĐT đề nghị thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành có ý kiến về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư.