Những chiếc xe ô tô cao cấp của Công ty Hưng Long được Sở GTVT Hà Nội cấp phép là xe hợp đồng (HĐ) phục vụ khách đoàn đi tham quan, du lịch, đám hiếu, hỉ… nhưng thực tế thì những chiếc xe có phù hiệu HĐ này lại hoạt động theo kiểu lập bến, “bán vé”, bắt khách tuyến cố định bằng đủ thứ “chiêu” lách luật, thách thức các cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, vị trí lập “bến dù” trái phép của nhà xe “án ngữ” đối diện công an phường.
Xe hợp đồng “bán vé”, thu tiền như xe “xịn”
Trong vai hành khách có nhu cầu mua vé xe tuyến Hà Nội – Quảng Bình, trưa ngày 9/9, nhóm PV đã liên hệ qua tổng đài “bán vé” của nhà xe Hưng Long để đặt vé đi Quảng Bình vào buổi tối cùng ngày. Đầu kia, một giọng nữ nhân viên có chất giọng miền Trung đon đả tư vấn: “Trong tất cả các khung giờ từ 16h30 đến 22h30 cứ 30 phút lại có 1 chuyến xuất phát từ Hà Nội đi Quảng Bình. Giá vé là 200 nghìn đồng/người”.
Chúng tôi đặt 2 vé đi thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) vào tối cùng ngày thì được cô nhân viên căn dặn: “Nhà xe không đón khách ở các bến xe trung tâm Hà Nội. Việc đón khách sẽ được thực hiện ở hai điểm chính là 338 Trần Khát Chân và 69 Phạm Hùng (Hà Nội)”.
Theo sự hướng dẫn của nhân viên xe Hưng Long, PV đã tìm đến số 338 Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để đặt chỗ và thanh toán số tiền là 400 nghìn đồng cho 2 phiếu thông tin (PTT) cho chuyến xe khởi hành đi Quảng Bình lúc 19h15 cùng ngày.
Quan sát kỹ tấm PTT được nhà xe Hưng Long bán ra cho hành khách, PV không khỏi giật mình bởi trên tấm phiếu này có đầy đủ thông tin chỗ ngồi, mã số thuế, giá cước… PTT này tương tự như một vé xe của xe khách chạy tuyến cố định.
Một điểm trông giữ xe ở Nam Trung Yên, Cầu Giấy (Ảnh lớn), phiếu thu nhân viên bán vé cung cấp cho hành khách (Ảnh nhỏ) - Ảnh: Tapchigiaothong.vn |
Tại Điều 45, Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ: “Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức…” Như vậy, việc tổ chức đặt chỗ, thu tiền, phát hành PTT của nhà xe Hưng Long đã “phớt lờ” các quy định của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ GTVT.
Đặc biệt, những tấm PTT được Cty Hưng Long phát hành với giá 200 nghìn đồng đã được đơn vị này khẳng định rằng: “Giá vé trên đã bao gồm 10% VAT và có bảo hiểm hành khách”.
Để quản lý các loại hình vận tải, cơ quan chức năng cấp phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” (thường gọi tắt là xe khách) và “Xe HĐ” với các nguyên tắc hoạt động khác nhau. Bằng mắt thường không khó nhận ra, trên kính của hầu hết các xe tại đây đều mang phù hiệu xe hợp đồng nhưng được vận hành như xe khách với những thủ thuật không khó phát hiện.
Trong quá trình giao dịch tại văn phòng “bán vé” Hưng Long, chúng tôi đề nghị người “bán vé” xuất vé để về cơ quan thanh toán thì cô này trả lời ngay: “Không có vé đâu anh ơi! Nếu anh muốn thanh toán thì chúng em xuất hóa đơn đỏ hoặc nhận phiếu thu”.
Màn mua vé chớp nhoáng nhanh chóng kết thúc, chẳng để hành khách phải hỏi, một nhân viên tại phòng vé 338 Trần Khát Chân dặn: “Nếu anh, chị ở gần các tuyến phố nội đô thì ra đây (338 Trần Khát Chân – PV) đón xe, còn nếu ở khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình thì xe sẽ đón ở “Bến xe” số 69 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội)”.
Theo ghi nhận của PV, tại văn phòng đại diện kiêm luôn phòng “bán vé” của nhà xe Hưng ở số 338 Trần Khát Chân hoạt động bán công khai từ sáng sớm cho tới đêm muộn. Tất cả các giao dịch như “bán vé”, nhận chuyển hàng hóa, chuyển phát nhanh…đều được điều khiển bởi một người phụ nữ có khuôn mặt rất “lạnh” và một đám nhân viên hơn chục người.
Trong nhiều ngày có mặt tại đây, PV ghi nhận nhiều hoạt động đón, bắt khách, bốc dỡ hàng hóa rất “chướng mắt” của nhà xe “uy quyền” tại lòng đường Trần Khát Chân.
Sử dụng đất dự án lập “bến xe ngầm”, vô tư đón khách
Đúng hẹn, 19h tối 9/9, nhóm PV có mặt tại địa chỉ 69 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để đón xe khách Hưng Long đi Quảng Bình. Thời điểm trên, tại đây có khoảng 10 nhân viên tự xưng là của Hưng Long liên tục gọi điện thông báo cho khách hàng về thời gian xuất bến, cũng như yêu cầu các thượng khách đến sớm hơn 30 phút để ổn định chỗ ngồi trước giờ xe chạy.
Được biết, từ nhiều tháng nay, tại địa chỉ 69 Phạm Hùng xuất hiện “bến xe ngầm” thuộc sự “vận hành” độc quyền của nhà xe Hưng Long. Gọi là “bến xe” nhưng đây thực chất chỉ là một khu đất dự án, rộng khoảng 600m2 và được quây kín tôn kín mít.
Hàng trăm hành khách vạ vật chờ xe Hưng Long ở "bến xe ngầm" 69 Phạm Hùng tối ngày 9/9 |
Qua tìm hiểu, “bến xe ngầm” tại số 69 Phạm Hùng đi vào hoạt động công khai từ đầu năm 2015 cho đến nay. Bên trong “bến xe” này là các dãy nhà “di động” kiên cố. Có hệ thống điện, nước, mạng Internet... đầy đủ.
Trong lúc chờ xe cập “bến” 69 Phạm Hùng, một nam nhân viên mặc áo gắn mác Hưng Long cho biết: “Chuyến xe đi Quảng Bình lúc 19h15 đang đến nên các anh chuẩn bị hành lý để lên xe. PTT của anh đi lúc 19h15 tại đây, số giường của hai anh là 4A, 5A tầng 1”, nhân viên soát vé xe Hưng Long thông báo cho hành khách trên tuyến Hà Nội – Quảng Bình, khởi hành lúc 19h15’.
Chỉ sau ít phút thông báo, chiếc xe mang BKS 29B.083.50 loại 41 giường nằm dán phù hiệu “Xe HĐ” nhanh chóng có mặt tại số 69 Phạm Hùng để đón khách. Phải mất gần 20 phút dừng, đỗ đón khách thì chiếc xe này mới lăn bánh. Khi xe tới tòa nhà Kaengnam, qua điện thoại lái xe thông báo cho ai đó đầu dây bên kia đã đón đủ số hành khách ở Mỹ Đình và đang di chuyển địa điểm đã được “niêm yết” trước đó.
Lịch trình “nội đô” đón khách dọc đường
Sau khi xe lăn bánh được khoảng 3km, với vẻ mặt cau có, phụ xe cầm trên tay một bản hợp đồng có chữ ký nguệch ngoặc thông báo: “ Làm phiền mọi người, tôi thu lại PTT”. Sau đó, nam nhân viên này đi thu lại tất cả số PTT của từng khách, không khác cách vận hành của các xe “dù” chuyên nghiệp.
Ít phút sau đó, phụ xe này cho biết: “Đây là quy trình kiểm soát vé bình thường. Khi khách xuống xe sẽ trả lại sau”.
Chiếc xe mang BKS 29B.083.50 của Hưng Long chạy theo lộ trình: Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trường Chinh – Giải Phóng – Đại Cồ Việt – Trần Khát Chân.
Khoảng 20h, chiếc xe này tới đầu đường Trần Khát Chân, sau 1 cuộc điện thoại từ một người nào đó, tài xế cho xe nhanh chóng di chuyển vào đường Võ Thị Sáu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) ẩn nấp. Cùng thời điểm đó, tại trục đường Võ Thị Sáu còn có 1 chiếc xe khác của Hưng Long BKS 29B.067.31 đang nổ máy và nằm đón khách và bốc xếp hàng hóa lên xe.
Sau 15 phút đợi, cả 2 xe này được “lệnh” tiếp nhận thêm chục hành khách được gom tại văn phòng 338 Trần Khát Chân về điểm “du kích” mới này. Lúc này, hàng chục nhân viên khác tập trung chuyển hàng hóa, hành lý từ chiếc xe trung chuyển 16 chỗ lên 2 chiếc xe 41 chỗ.
Chỉ khi 2 xe “gom” đủ khách, vị chỉ huy trưởng của nhà xe Hưng Long lệnh cho tài xế lăn bánh ra hướng đường Lê Thanh Nghị - Giải Phóng xuôi ra hướng Quốc lộ 1.
Đến 21h15’, hai chuyến xe có cùng giờ xuất bến mới lăn bánh ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội. Cũng giống như các vị khách lên xe từ “Bến xe” 69 Phạm Hùng, hành khách tại điểm số 22 đường Võ Thị Sáu cũng bị các nhân viên của Hưng Long thu lại tấm PTT để kiểm soát trong suốt hành trình.
Rạng sáng ngày 10/9, xe đến TP. Hà Tĩnh, có vài hành khách xuống xe và phải đợi 15 phút để nhà xe lôi từng kiện hàng to tướng trong “cốp” giao cho khách hàng và tiếp tục lăn bánh. Khoảng 3h48’, khi gần tới trạm thu phí Bố Trạch (Quảng Bình) thì xe dừng lại thả hai hành khách là phụ nữ xuống đường. Đến 4h15’, xe dừng trước phòng vé Ba Đồn (Quảng Bình) trả khách.
Toàn bộ số hành khách về Đồng Hới được nhà xe này trả tại các điểm như 19A Lý Thường Kiệt và số 4 Hồ Xuân Hương. Thậm chí, lái và phụ xe của Hưng Long còn trả khách ngay giữa đường Trần Hưng Đạo (gần bến xe Đồng Hới).
Từ TP. Hà Nội đến Quảng Bình có ít nhất 7 trạm CSGT. Như một phép màu, chiếc xe dù của Hưng Long không bị kiểm tra...
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.