Tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 18/11/2021 09:45

Để thực hiện chiến lược sống chung với dịch Covid-19, trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cần phải được tăng cường thực hiện có hiệu quả cao nhất.

 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tri

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo trật tự ATGT

Chuyển biến với thành quả tốt

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, TNGT ghi nhận mức giảm toàn diện rất sâu. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 8.959 vụ, làm chết 4.552 người, bị thương 6.218 người. So với 10 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 3.069 vụ (-25,52%), số người chết giảm 1.033 người (-18,5%), số người bị thương giảm 2.719 người (-30,42%).

Từ đầu năm đến nay, tình hình đại dịch Covid-19 chi phối đời sống kinh tế - xã hội khiến mật độ giao thông giảm, song tình hình trật tự, ATGT vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, các lực lượng chức năng đồng thời vừa đảm bảo trật tự ATGT, vừa tham gia các công tác phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, đây cũng là giai đoạn nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu... Tất cả sự kiện quan trọng đều liên quan đến trật tự ATGT.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Phạm Bình Minh, dù gặp nhiều khó khăn, song tình hình trật tự ATGT đã cơ bản được đảm bảo, số vụ và số người bị thương do TNGT tiếp tục được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2020. Thời gian qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là giảm sâu TNGT. Đây là kết quả của sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, bộ, ngành trong triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ, các quy định của pháp luật, nhất là Nghị định 100 về xử phạt vi phạm giao thông lĩnh vực đường bộ.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, TNGT giảm mạnh là do cả yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, những tháng giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 ở những tỉnh, thành phố lớn đã làm giảm mật độ giao thông. Đây là nguyên nhân khách quan giúp giảm số vụ TNGT.

Phó Thủ tướng cho rằng, từ nay đến cuối năm, công tác phòng, chống dịch có chuyển biến, cuộc sống bước vào tình hình mới sẽ đặt ra nhiều thách thức, nhất là đối với ATGT. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan từ Trung ương đến địa phương cần chú trọng các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT, phải đạt mục tiêu giảm TNGT như kế hoạch đề ra, đặc biệt là phải kiềm chế TNGT nghiêm trọng.

A7_00917

Lực lượng công an tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT

Tập trung cao độ trong cao điểm

Thời gian 3 tháng cuối năm thường là cao điểm với tình hình trật tự ATGT diễn biến phức tạp nhất, bởi đây là thời điểm nhu cầu sản xuất, trao đổi, tiêu thụ hàng hóa và đi lại của nhân dân sẽ tăng cao, có nhiều ngày lễ lớn như Tết Dương lịch, Tết Âm lịch 2022, do vậy sẽ tác động rất lớn đến công tác bảo đảm trật tự ATGT. Đặc biệt trong năm nay, cả hệ thống chính trị nỗ lực cao nhất để từng bước kiểm soát đại dịch Covid-19, giúp kinh tế - xã hội từng bước được phục hồi và tăng trưởng trở lại. Theo đó, dự báo hoạt động GTVT sẽ dần quay về với mức độ trước khi có dịch bệnh và tiếp tục gia tăng.

“Nhận định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại trong một thời gian dài, đòi hỏi tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam phải có chiến lược sống chung với Covid-19. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu kéo giảm TNGT, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 12 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống UTGT giai đoạn 2019 - 2021 và Kế hoạch năm ATGT 2021”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu.

Đáng chú ý, trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được chỉ rõ đối với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT gắn với phòng, chống dịch Covid-19; các địa phương để xảy ra TNGT, UTGT tăng. Dự kiến, chủ đề Kế hoạch Năm ATGT 2022 sẽ là “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với tinh thần “vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe; khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát tải trọng xe bằng hệ thống cân tự động trên phạm vi toàn quốc; ban hành hướng dẫn sử dụng thông tin từ các trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử phạt vi phạm quá tải để xem xét, xác định và xử lý trách nhiệm với các tổ chức và cá nhân tại các đầu mối hàng hóa (cảng, bến bãi...) để xảy ra các vi phạm về quá tải đã bị phát hiện và xử lý.

Với Bộ Công an, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là các chuyên đề xử lý vi phạm quy định về tải trọng, chạy quá tốc độ...; có phương án đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đua xe trái phép; cương quyết trấn áp hành vi chống người thi hành công vụ.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu tòa án nhân dân các cấp xét xử công khai, lưu động đối với những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội và công khai kết luận trên các phương tiện thông tin đại chúng để phục vụ tuyên truyền, giáo dục và răn đe phòng ngừa vi phạm trong tương lai.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần sớm nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn; xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với lộ trình cụ thể, khả thi gắn với tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự ATGT và tuyên truyền, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ, nếu đủ căn cứ tiến hành truy tố đối với các đối tượng quá khích, manh động để tạo sức răn đe và đảm bảo tính nghiêm minh, theo quy định của pháp luật.

Riêng với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện những giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; kết quả việc lập lại trật tự, kỷ cương lòng, lề đường, vỉa hè, tránh hiện tượng tái lấn chiếm, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị trực tiếp quản lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận