Phun hóa chất diệt muỗi chống bệnh sốt xuất huyết. |
Ngày 2-8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc với Sở Y tế Gia Lai để bàn về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn. Theo đánh giá, Gia Lai là địa phương dịch SXH diễn biến phức tạp nhất trong các tỉnh Tây Nguyên.
Ý thức người dân thấp
Theo cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hiện đã có 4/5 tỉnh Tây Nguyên có dịch bệnh SXH đang diễn ra rất khó lường, phức tạp. Tại Gia Lai, tính từ đầu năm tới nay trên toàn tỉnh đã có 3.960 ca nhiễm bệnh SXH, một ca đã tử vong, riêng ngày 2-8 có tới 103 ca nhiễm bệnh mới. Riêng trong tháng 7 có hơn 2.300 trường hợp mắc bệnh này. Hiện đã có 154/222 xã, phường có bệnh nhân mắc SXH được ghi nhận.
Nguyên nhân bệnh SXH năm 2016 tăng cao được ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai xác định là do thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho nguồn gây bệnh phát triển. Trong năm 2015, các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã xảy ra dịch SXH, chính vì vậy các huyện tiếp giáp với các tỉnh này bị ảnh hưởng nguồn bệnh. Hơn nữa, các năm trước do tình hình bệnh SXH trên địa bàn ít, nên năm nay khi dịch bệnh bùng phát khả năng mắc bệnh của người dân cao hơn do ý thức phòng tránh của người dân còn hạn chế cũng như sức đề kháng đối với bệnh khá yếu.
Trong khi đi thị sát tại các địa phương trên địa bàn TP Pleiku, đoàn công tác cục Y tế dự phòng đã ghi nhận nhiều hộ dân dù đã cam kết diệt nguồn bệnh nhưng vẫn để các dụng cụ có khả năng làm nơi trú ẩn cho nguồn bệnh như lu, lốp xe ô tô, mô tô … trong khu vực sinh sống.
“Nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa chủ động phòng chống nguồn bệnh. Có hộ khi kiểm tra có cả 3 thùng chứa nước lớn chứa đầy lăng quăng; đây là nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng” – ông Đặng Quang Tấn-Phó Cục Trưởng Cục y tế dự phòng-Bộ Y tế chia sẻ.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Gia, bệnh SXH chủ yếu diễn biến phức tạp ở thành thị, khu đông dân cư. “Người dân có nhận thức về sự nguy hiểm của căn bệnh nhưng ý thức phòng bệnh thấp, không tích cực cải tạo môi trường nhằm ngăn chặn nguồn bệnh” – ông Gia nói.
Trong khi đó bà Huỳnh Nữ Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói dù đã chuẩn bị trước kỹ lưỡng nhưng dịch SXH vẫn bùng phát.
“Đối với vấn đề này chúng tôi rất lo lắng. Mong rằng các cơ quan chức năng có cách dự báo, cách vào cuộc quyết liệt thì dịch bệnh mới có thể dập tắt được” - bà Hà bày tỏ.
Dốc toàn lực phòng chống dịch
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều chỉ đạo tích cực trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã hỗ trợ rất nhiều về phương tiện, kỹ thuật. Bên cạnh đó, Sở Y tế Gia Lai cũng có nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị y tế cùng vào cuộc ngăn chặn, thành lập ba đội công tác lưu động phòng chống dịch SXH hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động hưởng ứng các phong trào phòng chống bệnh SXH.
“Đặc biệt, các cơ sở đã chuẩn bị đầy đủ số thuốc, vật tư, giường bệnh để sẵn sàng phòng chống dịch, điều trị… nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Riêng những ca đã nhiễm bệnh chúng tôi giám sát chặt chẽ, tránh lây lan” – ông Hải nói.
Bệnh nhân SXH tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Đăk Lắk |
Để đạt hiệu quả nhanh, các lực lượng y tế đã đi đến từng hộ dân phun gần 1.500 lít hóa chất diệt muỗi, hiện công tác này vẫn đang được triển khai. Ông Gia cho biết thêm, ngoài việc phun hóa chất để ngăn chặn diễn biến phức tạp của nguồn bệnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã phải chủ động trong công tác tuyên truyền, làm vệ sinh môi trường. Đặc biệt, người dân phải thay đổi nhận thức, chủ động phòng chống dịch bệnh ở mỗi nhà thì mới phát huy hiệu quả cao.
Về phía Bộ Y tế, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói để phòng chống dịch bệnh thì các cấp chính quyền cần đẩy mạnh công tác truyền thông, dựa vào tính đặc thù của Gia Lai nhằm có biện pháp truyền thông hợp lý. “Hàng năm, Bộ Y tế triển khai chương trình hỗ trợ kinh phí, hóa chất cho các tỉnh trọng điểm để phòng chống dịch SXH và sắp tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại để cấp thêm hóa chất giúp tỉnh Gia Lai phòng chống dịch bệnh hiệu quả” – ông Tấn nói rõ.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, tại tỉnh Kon Tum tính từ tháng 2 đến nay đã có khoảng 1.500 ca nhiễm bệnh SXH, tăng gấp nhiều lần so với các năm trước. Trong chuyến làm việc với ngành y tế Kon Tum mới đây về bệnh SXH, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho rằng, bệnh SXH Dengue tăng cao một phần do thời tiết thay đổi bất thường, trong khi đó việc phòng chống dịch bệnh này của tỉnh Kon Tum chưa được triển khai đồng bộ. Ở các huyện xảy ra SXH cao nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền trong việc huy động các cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị, đoàn thể vận động người dân tham gia phòng chống dịch. Công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được làm triệt để, vì vậy dù được xử lý phun hóa chất diệt muỗi, nhưng các ổ loăng quăng/bọ gậy vẫn còn đó và sinh ra đàn muỗi mới gây bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp trên khu vực, UBND tỉnh Đăk Lắk đã chỉ đạo Sở Y tế khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để bệnh bùng phát thành dịch. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát chương trình tuyên truyền mở rộng, đảm bảo đúng lịch theo quy định, kiểm soát chặt chẽ diễn biến của bệnh SXH.
Trên địa bàn Tây Nguyên đã có 4 người tử vong! Tính đến ngày 26/7/2016 cả nước có 45.000 trường hợp mắc bệnh SXH, 14 trường hợp tử vong, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Riêng 4 tỉnh Tây Nguyên, tính đến ngày 26/7, đã có hơn 7.000 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 4 trường hợp tử vong, Đắk Lắk 1 trường hợp, Gia Lai 1 trường hợp, Kon Tum 1 trường hợp, Đắk Nông 1 trường hợp. Theo dự báo bệnh sẽ còn tăng cao từ tháng 6/2016, đặc biệt là tháng 9 - 10 sắp tới. vì vậy công tác phòng chống bệnh cần được cấp chính quyền, ban ngành từ trung ương đến địa phương chủ động phối hợp, tuyên truyền, cảnh báo đến các hộ dân, phun hóa chất, đẩy lùi dịch bệnh |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.